Năm 2019 Sacombank mục tiêu lợi nhuận 2.650 tỷ đồng, thưởng 82 tỷ đồng cho nhân viên
Sacombank dự kiến sẽ trình ĐHCĐ thường niên 2019 về phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Tuy nhiên, việc chia cổ tức hay không vẫn phải thực hiện theo đề án tái cơ cấu được duyệt lộ trình đến năm 2025.
Ngày 26/4 tới, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã: STB) sẽ tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2019 nhằm thông qua các tờ trình quan trọng.
Theo tài liệu công bố, Sacombank đặt kế hoạch kinh doanh năm nay tăng trưởng khá cao, cụ thể: tổng tài sản đạt 455.500 tỷ đồng, tăng tối thiểu 12%. Tổng nguồn huy động vốn đạt 423.500 tỷ đồng, tăng trên 14%; trong đó huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 418.600 tỷ đồng, tăng 17%. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng 16% lên mức 298.100 tỷ đồng, trong đó, cho vay khách hàng đạt 297.600 đồng và nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Sacombank dự kiến lợi nhuận trước thuế năm nay sẽ tăng trưởng 18%, đạt 2.650 tỷ đồng.
Theo tờ trình phương án phân phối lợi nhuận 2019, sau khi trích lập các quỹ và chia thưởng, phần lợi nhuận còn lại của Sacombank là hơn 1.050 tỷ đồng. HĐQT đang xin ý kiến NHNN chấp thuận cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại, đảm bảo trích lập dự phòng nợ xấu đúng theo đề án tái cơ cấu, song hiện vẫn chưa được phản hồi từ cơ quan này.
Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ trình ĐHCĐ về việc trích 20% phần vượt lợi nhuận kế hoạch của năm 2018 để thưởng cho cán bộ nhân viên toàn hệ thống. Số tiền thưởng ước tính là 82 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Sacombank đề xuất thưởng cho toàn thể nhân viên kể từ khi ông Dương Công Minh lên nắm vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng này.
Được biết, kết quả kinh doanh năm 2018 của STB tăng trưởng cao, với lợi nhuận trước thuế đạt 2.247 tỷ đồng, tăng gần 51% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế 2.067 tỷ đồng.
Ngân hàng đã cải thiện chỉ số sinh lời ROE tăng từ 0,35% (năm 2016) lên 7,03% (năm 2018). Vốn tự có của ngân hàng cũng được cải thiện, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đã tăng từ 9,61% (năm 2016) lên 10,71% (năm 2018). Đặc biệt, ngân hàng đã giảm tỷ trọng tài sản không sinh lời từ 29,3% (năm 2016) xuống 18,3% (năm 2018).
Đáng chú ý, hoạt động xử lý nợ xấu có tiến triển tích cực. Trong năm 2018, Sacombank đã thu hồi được 9.513 tỷ đồng nợ xấu (lượng nợ xấu thuộc đề án tái cơ cấu là 7.511 tỷ đồng). Lũy kế nợ xấu đã thu hồi được từ khi triển khai đề án là 26.068 tỷ đồng nợ xấu (thuộc đề án là 19.978 tỷ đồng).
Cũng trong năm 2018, ngân hàng này đã thu hồi được 2.191 tỷ đồng lãi dự thu và tài sản nhận cấn trừ; lũy kế từ khi triển khai đề án, thu được 5.268 tỷ đồng.
Năm qua, Sacombank đã trích lập và phân bổ 1.405 tỷ đồng tài sản tồn đọng sau sáp nhập; lũy kế từ khi triển khai đề án là 1.970 tỷ đồng, hoàn thành 174% kế hoạch theo tiến độ.
Dù vậy, Sacombank vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại cần tập trung xử lý như: giá trị tài sản có không sinh lời còn lớn, quá trình thu hồi, xử lý tài sản thế chấp cần có thời gian dài và phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường bất động sản; tín dụng tăng trưởng trong giới hạn cho phép nên khó tăng thu nhập để có thể xử lý nhanh các khoản tồn đọng.
Mai Lan