Một số nước châu Á sẽ tận dụng giá dầu thấp để tăng dự trữ chiến lược
Trong số các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc được cho là có kho dự trữ dầu lớn nhất và các nhà phân tích cho rằng con số vào khoảng 550 triệu thùng dầu.
Thùng chứa dầu tại một cơ sở lọc dầu. (Ảnh minh họa. AFP/TTXVN) |
Theo giới quan sát, một số quốc gia châu Á có nhu cầu lớn về dầu đang tận dụng sự lao dốc của giá “vàng đen” do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp Covid-19 để gia tăng kho dự trữ dầu thô của mình.
Trong số các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc được cho là có kho dự trữ dầu lớn nhất. Bắc Kinh không đưa ra mức ước tính chính thức cho kho này, nhưng các nhà phân tích cho rằng con số vào khoảng 550 triệu thùng dầu. Để so sánh, kho dự trữ chiến lược của Mỹ đang có khoảng 630 triệu thùng dầu.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã cho biết lượng dầu dự trữ của nước này chưa đủ lớn và chưa đạt được tiêu chuẩn quốc tế về mức “90 ngày an toàn" (chỉ việc lượng dầu trong kho tương đương khối lượng nhập khẩu ròng của 90 ngày).
Do vậy, Sàn giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải vào tháng trước đã chấp thuận cho Kho dự trữ dầu khí Sinopec thuộc sở hữu nhà nước mở rộng khả năng lưu trữ dầu.
Một kho lưu trữ ở tỉnh Quảng Đông có thể chứa tới 600.000 m3 (tương đương 3,8 triệu thùng), trong khi một kho khác ở tỉnh Hà Bắc có thể chứa tới 1 triệu m3 (khoảng 6,3 triệu thùng).
Ngược lại, tuy cũng là một quốc gia có quy mô dân số lớn, kho dự trữ của Ấn Độ chỉ có khả năng lưu trữ xấp xỉ 40 triệu thùng - tương đương nhu cầu đủ cho 10 ngày tại đất nước 1,3 tỉ dân này.
Bộ Dầu khí Ấn Độ hồi giữa tháng 4 thông báo rằng họ sẽ tiếp tục mua dầu thô để lấp đầy các kho dự trữ trong những hầm đá của nước này. Tuy nhiên, một số nhà quan sát đã đặt câu hỏi rằng liệu Ấn Độ có đủ không gian lưu trữ để tăng lượng dầu dự trữ một cách nhanh chóng hay không, khi các kho chứa, đường ống dẫn và bể chứa của các thương nhân đều đã đầy.
Trong khi đó, Australia, nơi từ lâu đã có một trong những kho dự trữ khẩn cấp quy mô nhỏ nhất trong số các nước phát triển, cho biết họ sẽ tận dụng tình trạng giá dầu lao dốc để phát triển kho dự trữ chiến lược tại Mỹ. Dù kho lưu trữ riêng của quốc gia này đã đầy, nhưng Australia đã ký một thỏa thuận thuê mặt bằng trong Kho dự trữ dầu khí chiến lược của Mỹ.
Còn về phía Nhật Bản và Hàn Quốc, với kho dự trữ dồi dào, cả hai quốc gia Đông Á này đều chưa công bố kế hoạch tăng cường đáng kể kho dự trữ dầu chiến lược của họ.
Theo số liệu chính thức mới nhất, kho dự trữ dầu của Nhật Bản vào khoảng 500 triệu thùng tính tới cuối tháng 2, tương đương với mức tiêu thụ toàn quốc trong hơn 7 tháng. Còn tại Hàn Quốc, kho dự trữ chiến lược của nước này có khoảng 96 triệu thùng tính đến tháng 12/2019, đủ cho nhu cầu trong 89 ngày.
Một quan chức của Bộ Thương mại Nhật Bản cho biết mức dự trữ hiện tại của nước này là “đủ dùng," trong khi Seoul có kế hoạch tăng lượng dầu dự trữ chưa tới 1% trong năm nay.
H.Thuỷ