Thứ bảy, 27/04/2024 19:51 (GMT+7)
Chủ nhật, 30/01/2022 13:00 (GMT+7)

Một năm 'sóng gió' và tăng trưởng đầy bất ngờ của Thế Giới Di Động

Theo dõi KTMT trên

2021 là một năm đầy sóng gió với đối với nền kinh tế Việt Nam. Dẫu vậy, đứng trước những sóng gió của nền kinh tế Thế Giới Di Động vẫn giữ vững đà tăng trưởng vượt trội.

Được thành lập từ năm 2004, Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động hiện có 4 công ty con đang vận hành hơn 2.300 cửa hàng trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam là: Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động – đơn vị vận hành 2 chuỗi bán lẻ điện thoại di động, thiết bị tin học và kỹ thuật số, phụ kiện, thiết bị điện tử và gia dụng là “thegioididong.com” và “Điện Máy Xanh”; Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh – đơn vị vận hành chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng là “Bách Hóa Xanh”; Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh; Công ty TNHH MTV CNTT Thế Giới Di Động.

Thế Giới Di Động đang giữ vững vị trí thống lĩnh 45% thị phần điện thoại và 35% thị phần điện máy tại Việt Nam với 1.800 cửa hàng phủ khắp cả nước của 2 chuỗi bán lẻ “thegioididong.com” và “Điện Máy Xanh”.

Sau 3 năm đi vào hoạt động, chuỗi “Bách Hóa Xanh” đã xuất sắc đạt điểm hòa vốn EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) tại cửa hàng cuối tháng 12/2018 với hơn 400 cửa hàng chủ yếu tại TP.HCM.

Một năm 'sóng gió' và tăng trưởng đầy bất ngờ của Thế Giới Di Động - Ảnh 1
Tình hình kinh doanh của Thế Giới Di Động vẫn khả quan bất chấp đại dịch.

Tăng trưởng bất chấp đại dịch

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2021, Công ty Cổ phần Đầu Tư Thế Giới Di Động (MWG), ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất tăng 8% và lợi nhuận sau thuế tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp khó khăn do dịch bệnh.

Cụ thể, lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 78.495 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế (LNST) là 3.006 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ). Doanh thu online đóng góp hơn 7.540 tỷ đồng cho MWG (tăng 17% so với cùng kỳ). Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 63% kế hoạch LNST cả năm.

Do tác động của việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó” tại nhiều tỉnh thành để phòng chống dịch, MWG trải qua thử thách chưa từng có khi 70% tổng số điểm bán của TGDĐ/ĐMX trên toàn quốc phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng trong suốt tháng 8 và 50% tổng số cửa hàng BHX tại Tp.HCM, một số tỉnh Nam bộ không thể phục vụ khách mua sắm trực tiếp tại cửa hàng từ 23/8 trở đi.

Tuy vậy, Công ty vẫn duy trì được hơn 6.500 tỷ đồng doanh thu và 222 tỷ đồng lợi nhuận riêng tháng 8. MWG đã cố gắng nắm bắt mọi cơ hội bán hàng trong “điều kiện mới”, nhanh chóng áp dụng giải pháp công nghệ để tiếp tục phục vụ khách hàng, và tiết giảm nhiều chi phí để bảo vệ dòng tiền. Thành quả này cũng ghi nhận sự đóng góp đáng kể của BHX, các trụ cột kinh doanh đã chứng minh năng lực hỗ trợ, gánh vác lẫn nhau trong hoàn cảnh khó khăn.

Đối với TGDĐ và ĐMX, hai chuỗi đã đóng góp hơn 57.500 tỷ đồng doanh thu lũy kế 8 tháng, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ 2020. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, tháng 8 là tháng kinh doanh thấp điểm nhất khi gần 2.000 cửa hàng phải tạm đóng hoặc kinh doanh hạn chế. Các cửa hàng này chiếm 70% về số lượng nhưng đóng góp hơn 80% giá trị doanh thu của TGDĐ/ĐMX trong điều kiện bình thường.

Một năm 'sóng gió' và tăng trưởng đầy bất ngờ của Thế Giới Di Động - Ảnh 2

Dù khó khăn, hai chuỗi vẫn nỗ lực mang về gần 3.500 tỷ đồng - tương đương 40% mức doanh số bình quân thời điểm trước dịch - nhờ chiến lược tập trung bán hàng tại các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chuỗi ĐMX Supermini (ĐMS), triển khai chương trình khuyến mãi “mua hàng trước, nhận hàng khi hết giãn cách” trên kênh online.

- Doanh thu online lũy kế sau 8 tháng đạt gần 7.000 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ). Các giao dịch online đem lại hơn 1.000 tỷ đồng trong tháng 8 (tăng 26% so với cùng kỳ) và chiếm 30% tổng doanh thu của TGDĐ/ĐMX.

- Với 592 cửa hàng tại thời điểm 31/08/2021, tỷ trọng đóng góp của ĐMS trong doanh thu của ĐMX lần lượt là 10% lũy kế sau 8 tháng và hơn 15% chỉ tính riêng tháng 8.

Cùng việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành trên cả nước từ nửa sau tháng 9, các hoạt động kinh doanh điện thoại, điện máy dự kiến sẽ khởi sắc hơn. MWG đã chuẩn bị nhiều kế hoạch cho sự trở lại này để thúc đẩy doanh số bán hàng trong những tháng cuối năm. Chuỗi BHX ghi nhận tổng doanh thu hơn 20.600 tỷ đồng lũy kế 8 tháng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2020. Với 1.928 cửa hàng vào cuối tháng 8, doanh thu tháng này của BHX đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ. Doanh thu tính bình quân trên mỗi cửa hàng là hơn 1.5 tỷ đồng.

Trong tháng 8, các chuỗi phân phối – bán lẻ hàng thiết yếu nói chung và BHX nói riêng không được phép đón khách trực tiếp tại cửa hàng kể từ 23/08 ở các tỉnh, thành phố áp dụng giãn cách “ai ở đâu ở yên đó”. Trong giai đoạn này, thực phẩm được cung ứng cho người dân bằng phương thức "đi chợ hộ" do chính quyền địa phương, lực lượng quân đội tham gia hỗ trợ hoặc thông qua đội ngũ giao hàng nội quận.

Với khả năng thích ứng linh hoạt, Công ty đã nhanh chóng sắp xếp nguồn lực, đáp ứng các tiêu chí để hoạt động tại cửa hàng không bị gián đoạn, đồng thời tận dụng tối đa lợi thế công nghệ để tiếp tục phục vụ khách hàng. BHX đã thiết lập gần 2.000 nhóm Zalo kết nối với hơn 1 triệu khách hàng trong bán kính 2-3 km gần mỗi cửa hàng. Chỉ trong vòng 48 giờ, Công ty đã chuyển đổi hơn 1.000 cửa hàng nằm trong các khu vực bị hạn chế thành các điểm bán online. Thông qua trang web đặt hàng của từng cửa hàng nhúng trong nhóm Zalo, khách hàng có thể xem tồn kho thực tế tại một cửa hàng cụ thể và chọn mua sản phẩm dễ dàng, thuận tiện. Điều này giúp giảm thiểu tỷ lệ hủy đơn, hủy hàng và tăng hiệu quả phục vụ.

Kết quả là, BHX vẫn đáp ứng được 1/3 nhu cầu của khách hàng tại những khu vực mà 100% cửa hàng không thể đón khách trực tiếp. Những giải pháp này sẽ không thể nhanh chóng áp dụng nếu BHX không có nền tảng công nghệ từ trước đó. Công ty đã phát huy được lợi thế là nhà bán lẻ đa kênh omni-channel, với thế mạnh ở cả online và offline, để phục vụ khách hàng.

Lũy kế sau 8 tháng, kênh bán hàng qua website bachhoaxanh.com có số lượng đơn hàng gấp 4.5 lần và doanh thu gấp 5.2 lần so cùng kỳ 2020. Lần đầu tiên, BHX lọt vào Top 10 trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam theo iPrice, đồng thời là đại diện duy nhất của các hệ thống bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu góp mặt trong danh sách này.

Về cung ứng, BHX tiếp tục chứng minh năng lực thực thi vượt trội trong điều kiện khó khăn khi bán ra hơn 25 ngàn tấn hàng tươi sống riêng tháng 8, gần gấp đôi mức trung bình 6 tháng đầu năm.

Ông chủ "đế chế" tỷ đô khởi nghiệp từ thất bại

Nếu nhìn vào những con số, nhiều người có thể lầm tưởng thành công đến với Thế Giới Di Động khá dễ dàng và nhanh chóng. Thế nhưng, ông Nguyễn Đức Tài cho biết từng thất bại nhiều.

Doanh nhân Nguyễn Đức Tài sinh ngày 30/5/1969 tại TP.HCM, quê gốc của ông ở Nam Định. Ông chính là người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động. Ông Nguyễn Đức Tài là 1 trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2019. Tổng giá trị tài sản hiện nay của ông lên đến 3.260,88 tỷ đồng.

Mỗi khi nhắc đến cái tên Thế Giới Di Động là hầu như người Việt Nam đều biết đến với chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại, máy tính, phụ kiện… nổi tiếng. Bên cạnh việc điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, ông Nguyễn Đức Tài còn là chủ của hệ thống các cửa hàng Điện máy xanh, Bách hoá xanh. Thành công nhất của ông chính là việc phát triển Thế Giới Di Động thành một trong những thương hiệu, nhà bán lẻ mặt hàng di động hàng đầu Việt Nam.

Được biết đến là một tỷ phú nổi tiếng, như một “người khổng lồ” trong ngành bán lẻ điện thoại di động và các thiết bị điện máy với hai siêu phẩm là Thế Giới Di Động và Điện máy xanh, chiếm thị phần số 1 Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, ít ai có thể biết được rằng để có được những thành công như bây giờ, ông Tài đã phải trải qua rất nhiều lần thất bại trong những lần khởi nghiệp của mình. Biết thất bại ở đâu và đứng lên từ chính những thất bại đó, đã đưa ông Tài có được thành công của hiện tại.

Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Pháp, ông Tài quyết định quay về nước và làm Giám đốc tài chính cho 1 tập đoàn của Thụy Sĩ có trụ sở tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông chia sẻ rằng “mới hơn 20 tuổi làm giám đốc tài chính mà đã có xe hơi đưa đón, được cấp xe riêng. Lỡ đến sau này khoảng 40 tuổi lên chức lại được cấp máy bay riêng đi làm. Nhưng tôi không muốn mọi thứ yên ổn như thế“.

Ông Tài không muốn cứ mãi sống một cuộc đời mà mãi chỉ là kẻ làm thuê nên ông quyết định tự gây dựng sự nghiệp của riêng mình. Sau 8 năm gắn bó với công việc Giám đốc tài chính Nguyễn Đức Tài quyết định từ bỏ công việc tốt để khởi nghiệp. Ông bắt đầu công việc kinh doanh bằng việc mở 3 cửa hàng bán điện thoại di động.

Tuy nhiên, bởi sự chủ quan, tính hiếu thắng không cần ai giúp đỡ hay hợp tác cùng đã khiến ông gặp thất bại thảm hại. Nhưng ông quyết không từ bỏ ý định kinh doanh của mình. Để có thể xây dựng sự nghiệp lại một lần nữa, ông Tài lại đi làm thuê để tích góp tiền vốn kinh doanh.

Năm 2004, ông cùng với 4 cộng sự của mình thành lập Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động với số vốn khoảng 2 tỷ đồng. Trong số 2 tỷ tiền vốn ban đầu, ông Tài có đóng góp 700 triệu đồng. Ông mở liên tiếp 3 cửa hàng bán lẻ điện thoại, cùng với việc xây dựng quảng cáo cửa hàng thông qua website trực tuyến. Tuy nhiên, kết quả doanh thu cũng chẳng mấy khả quan.

Nhận thấy sai lầm trong cách điều hành kinh doanh, ông đã chọn việc tập trung đầu tư vào 1 cửa hàng bán điện thoại duy nhất một cách bài bản. Chính điều này đã giúp ông thu về một lượng khách hàng ổn định, tốc độ phát triển ấn tượng.

Giai đoạn năm 2004 -2008 dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Đức Tài có hơn 40 cửa hàng Thế Giới Di Động được ra đời và đi vào hoạt động. Để có thể nắm rõ được tình hình hoạt động của công ty, mọi khâu kinh doanh từ: Bán hàng, tuyển dụng, giá bán, vận hành đều có sự tham gia của ông Tài.

Sau sự thành công rực rỡ của chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại Thế Giới Di Động, ông Tài tiếp tục cho xây dựng đế chế mới, lấn sân sâu vào lĩnh vực điện máy. Các chuỗi cửa hàng Điện máy xanh tiếp tục được ra đời, nhận được sự đón nhận nhiệt tình từ người dân trong nước. Đến nay, bên cạnh Thế Giới Di Động và Điện máy xanh, ông Tài tiếp tục mở rộng thị trường kinh doanh hàng tiêu dùng với sự ra đời của Bách hoá xanh.

Thành công của Thế Giới Di Động một lần nữa khẳng định được sự quyết định bởi quan điểm lãnh đạo của ông Nguyễn Đức Tài. Trong hơn 1 thập kỷ qua, quan niệm “CEO giỏi cần có chữ tín và sự thành tâm” và “Xem khách hàng là đối tác” đã giúp ông Tài đã xây dựng được một đội ngũ nhân lực hùng mạnh.

“Đội ngũ này sẽ là tạo ra vốn, tạo ra tất cả chứ không phải vốn là thứ tạo nên đội ngũ", Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài từng chia sẻ.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Một năm 'sóng gió' và tăng trưởng đầy bất ngờ của Thế Giới Di Động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Lâm Đồng tăng cường thu ngân sách năm 2024
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện kịp thời, đầy đủ, có hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Tin mới