Thứ năm, 07/11/2024 03:29 (GMT+7)
Thứ hai, 27/11/2023 14:58 (GMT+7)

Luật Nhà ở mới không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư

Theo dõi KTMT trên

Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua không quy định về thời gian sở hữu nhà chung cư, mà chỉ quy định thời hạn sử dụng trên cơ sở kế thừa Luật Nhà ở hiện hành.

Sáng ngày 27/11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 423 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 85,63%), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi). Luật gồm 13 chương và 198 điều.

Trước khi biểu quyết thông qua, khi trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê (chung cư mini) vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Có đại biểu cho rằng, quy định tại điều 57 quá chặt chẽ, chưa phù hợp và khó khả thi.

Luật Nhà ở mới không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư - Ảnh 1
423 đại biểu tán thành thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi).

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận định thời gian qua có tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra chặt chẽ, không sử lý kịp thời các sai phạm dẫn tới nhiều hệ luy, gây quá tải về hệ thống hạ tầng đô thị. Đặc biệt, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, thực tế đã xảy ra một số vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế song vẫn đáp ứng nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu và chỉnh lý điều 57 theo hướng quy định phù hợp hơn một số yêu cầu.

Cụ thể, không quy định yêu cầu riêng mà dẫn chiếu điều kiện quản lý do Bộ trưởng Xây dựng ban hành, yêu cầu của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, phân cấp cho UBND cấp tỉnh quy định về đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy…

Liên qua đến việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nhiều ý kiến cho rằng quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế hoặc khi chưa hết thời hạn sử dụng àm nhà bị hỏng, mất an toàn thì UBND tỉnh quyết định phá dỡ (theo tuổi thọ công trình) là chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Lý do, đất ở không có thời hạn sử dụng.

Cơ quan thẩm tra cũng cho hay có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Cần phân biệt thời hạn sở hữu và thời hạn sử dụng nhà chung cư, đối với đất ở thì ổn định lâu dài, đối với đất dự án nhà ở có thời hạn thì thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng đất được giao thực hiện dự án.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ các nội dung này như dự thảo luật. Lý giải cho điều này, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật không quy định thời hạn sở hữu, mà chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư trên cơ sở kế thừa luật Nhà ở hiện hành.

Khi nhà ở chung cư hết thời hạn sử dụng, có nguy cơ sập, đổ phải tiến hành thao dỡ, thì giá trị nhà ở không còn nhưng giá trị quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài theo quy định của luật Đất đai vẫn còn và người dân vẫn được bồi thường, bảo đảm tính thống nhất với luật Đất đai.

Bên cạnh đó, đề xuất quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư đã được thảo luận, lấy ý kiến nhiều lần, đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Ủy ban Thường vụ Quốc, Chính phủ, đa số ý kiến đại biểu thống nhất chưa nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này.

Còn với đất giao thực hiện dự án có thời hạn là để ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư trong triển khai thực hiện dự án; khi chủ đầu tư bán căn hộ chung cư cho tổ chức, cá nhân thì theo quy định của luật Đất đai, đất đó là đất ở ổn định lâu dài, do đó, không có cơ sở để quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư theo thời hạn sử dụng đất.

Về giải quyết tranh chấp chung cư, nhiều ý kiến đề nghị giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì cho UBND cấp huyện để tránh dồn việc lên UBND cấp tỉnh, nhất là ở các thành phố lớn.

Song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các chung cư thường có lượng chủ sở hữu lớn, tranh chấp phức tạp nên giao cho UBND cấp tỉnh là phù hợp. Trong trường hợp UBND cấp huyện có đủ điều kiện và khả năng thực hiện việc này thì UBND cấp tỉnh có thể uỷ quyền thực hiện.

Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, trên cơ sở luật hóa Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, ưu đãi chủ đầu tư có thể dành tối đa 20% diện tích đất trong phạm vi dự án cho kinh doanh dịch vụ, thương mại và cả nhà ở thương mại; song với phần đầu tư nhà ở thương mại, chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Luật Nhà ở mới không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới