Thứ bảy, 04/05/2024 09:50 (GMT+7)
Thứ ba, 20/06/2023 16:00 (GMT+7)

Long An còn nhiều dư địa để đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế

Theo dõi KTMT trên

Long An là cửa ngõ nối liền Vùng Đông Nam bộ với Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là có chung đường ranh giới với TP.HCM, qua các quốc lộ: 1, 50, 62, N1, N2.

Hiện nay, mục tiêu quy hoạch tỉnh là "Long An trở thành một trung tâm phát triển kinh tế sôi động, bền vững của Vùng ĐBSCL dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa và khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo; là cửa ngõ kết nối thông suốt, thuận tiện giữa Vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm môi trường, cải thiện an sinh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh".

Long An còn nhiều dư địa để đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế - Ảnh 1
Lãnh đạo tỉnh thực hiện xúc tiến đầu tư nước ngoài

Cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Long An là tỉnh thuộc Vùng ĐBSCL, có vị trí địa lý đặc biệt - là cửa ngõ giao thoa giữa Vùng ĐBSCL và Vùng Đông Nam bộ, giáp ranh Vương quốc Campuchia và TP.HCM - hưởng được sự lan tỏa về phát triển công nghiệp, đô thị của TP.HCM. Từ TP.HCM có thể dễ dàng di chuyển đến Long An chỉ trong khoảng 40-50 phút.

Tận dụng được lợi thế trên, thời gian qua, tỉnh Long An đạt nhiều kết quả nổi bật trong phát triển KT-XH, quy mô kinh tế đứng đầu Vùng ĐBSCL, chiếm trên 13% trên tổng quy mô của vùng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở khu vực công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2015-2020 của tỉnh đạt trên 9%/năm nhưng do năm 2021, tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 1,02%, kéo theo giai đoạn 2015-2021 đạt 7,88%.

Để tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu phát triển, tỉnh tập trung đầu tư hoàn thiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm và sẽ tiếp tục đầu tư đồng bộ các dự án giao thông kết nối liên vùng với các tỉnh, thành phố trong Vùng ĐBSCL với TP.HCM và các tỉnh, thành phố Vùng Đông Nam bộ; đồng thời, kết nối thông suốt giữa các địa phương trong tỉnh. Doanh nghiệp (DN) đầu tư tại Long An sẽ dễ dàng kết nối và thuận lợi hoạt động giao thương, xuất, nhập khẩu, giúp DN rút ngắn thời gian, chi phí, tăng sức cạnh tranh.

Mục tiêu của Long An là trở thành tỉnh phát triển công nghiệp của khu vực phía Nam. Tổng diện tích được quy hoạch để phát triển công nghiệp là 15.000ha với 37 khu công nghiệp (KCN) và 59 cụm công nghiệp (CCN) được phê duyệt. Hiện có 18 KCN và 23 CCN hoạt động có tổng diện tích khoảng 4.000ha. Các KCN, CCN của tỉnh tập trung chủ yếu tại các huyện tiếp giáp TP.HCM và đã được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, sẵn sàng chào đón DN, nhà đầu tư.

Hiện nay, tỉnh tiếp nhận 1.184 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 10,3 tỉ USD. Trong đó, Hàn Quốc đứng thứ 2 trong khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ có số dự án đầu tư vào Long An với 210 dự án, tổng vốn đăng ký gần 900 triệu USD (đứng thứ 3 về vốn). Điều này minh chứng rằng môi trường đầu tư của tỉnh đã thật sự tạo được niềm tin đối với các DN Hàn Quốc.

Cùng với những kết quả đó, để tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ DN đang đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, Chi hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Long An đã được thành lập và đi vào hoạt động nhằm tăng cường sự kết nối cộng đồng DN Hàn Quốc trên địa bàn tỉnh. Qua đó, chính quyền tỉnh thuận tiện trao đổi thông tin và kịp thời hỗ trợ DN đang đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, giúp các DN hoạt động hiệu quả hơn,...

Tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi

Long An đạt kết quả thu hút đầu tư, phát triển kinh tế khởi sắc bởi trong những năm qua, vừa tận dụng những điều kiện thuận lợi, vừa đặc biệt quan tâm công tác cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thân thiện, hiệu quả và an toàn. Trong nhiều năm liền, Long An đứng trong nhóm các tỉnh đi đầu cả nước về nỗ lực cải cách hành chính, xây dựng niềm tin với DN, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh.

Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi, thường xuyên đối thoại, đồng hành cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình tìm hiểu, triển khai dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đó là "đòn bẩy", càng khẳng định Long An là điểm đến hấp dẫn thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Long An còn nhiều dư địa để đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế - Ảnh 2

Với tầm nhìn chiến lược và nhất quán về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, tỉnh đã hợp tác với tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới để xây dựng bản quy hoạch chiến lược tạo nền tảng vững chắc gắn với mục tiêu phát triển KT-XH vượt bậc và làm cơ sở định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Giữa tháng 9/2022, Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh của Trung ương đã tổ chức thẩm định Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với kết quả khá tốt, nội dung Quy hoạch tỉnh được 100% thành viên Hội đồng thẩm định Trung ương thông qua và được đánh giá rất cao. Ngày 13/6/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong Quy hoạch tỉnh đã đề ra mục tiêu xây dựng Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả và bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của Vùng ĐBSCL; kết nối chặt chẽ với TP.HCM và Vùng Đông Nam bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng - an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Tỉnh đặt mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021-2030 tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 9-9,5%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa. Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2-2,5 lần so với năm 2021; thu nhập bình quân đầu người đạt 180 triệu đồng.

Theo đó, cấu trúc không gian tỉnh được dựa trên các hành lang kinh tế chính liên kết với TP.HCM, Vùng ĐBSCL và điều kiện phát triển của địa phương, được xác định bao gồm: 2 hành lang (Vành đai 3-4 và TP.HCM - Long An - Tiền Giang tạo thành khu vực phát triển kinh tế, đô thị giáp TP.HCM và ven biển); 1 trung tâm: TP.Tân An chuyển đổi số trở thành trung tâm hành chính và công nghệ cao; 1 vùng: Vùng nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, sinh thái và kinh tế cửa khẩu phía Tây, liên kết giao thông tốt với 2 hành lang và trung tâm TP.Tân An.

Quy hoạch vùng không gian kinh tế tỉnh Long An được xác định 3 vùng rõ rệt, trong đó, vùng 1: Định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và kinh tế cửa khẩu, đây là vùng bảo đảm an ninh lương thực và cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ phát triển công nghiệp chế biến; vùng 2: Là vùng đệm giữa vùng 1 và vùng 3, được bao bọc bởi 2 dòng sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, định hướng phát triển các dự án năng lượng tái tạo và đô thị sinh thái ven sông, khu trung chuyển nội tỉnh; vùng 3: Gồm các huyện tiếp giáp TP.HCM được quy hoạch phát triển đô thị và công nghiệp.

Với những định hướng trên, quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ đến năm 2030 của tỉnh dự kiến cũng sẽ tăng từ 4-4,3 lần. Nguồn lao động cũng là một lợi thế cạnh tranh khi hiện nay tỉnh có trên 900.000 dân trong độ tuổi lao động, con số này dự kiến sẽ đạt 1 triệu lao động vào năm 2030. Đồng thời, tỉnh còn dễ dàng thu hút lao động chất lượng cao và các chuyên gia từ TP.HCM đến làm việc.

Ngoài ra, về định hướng đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, gồm: Cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Đường vành đai 3; đường Vành đai 4; định hướng phát triển đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, trục giao thông hành lang ven biển, Cảng Quốc tế Long An,... đã tạo cho tỉnh lợi thế so sánh, đặc biệt là địa điểm hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với lợi thế về vị trí địa lý trên, Long An không những là cửa ngõ của các tỉnh ĐBSCL đi TP.HCM và ngược lại mà thật sự trở thành tỉnh nằm trên hành lang Đông - Tây kết nối các tỉnh Tây Nam bộ và Đông Nam bộ.

Hiện nay, Long An luôn quan tâm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện, hiệu quả và an toàn. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi, thường xuyên đối thoại, đồng hành cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình tìm hiểu, triển khai dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, Long An ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực: Công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo, tự động hóa, sản xuất linh kiện - thiết bị điện tử và phần mềm, vi mạch, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; đầu tư phát triển đô thị dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ cảng biển, logistics, thúc đẩy kinh tế thương mại; nông nghiệp sinh thái hữu cơ, mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái; năng lượng tái tạo theo chuẩn quốc tế.

Để cộng hưởng cho các thế mạnh và tầm nhìn đó, Long An cam kết tập trung phát triển xã hội gắn liền với phát triển kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực: Đầu tư hạ tầng giao thông, y tế, môi trường. Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để cung ứng nguồn lao động có tay nghề cho các DN, nhà đầu tư. Tỉnh còn nhiều dư địa để đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế. Long An luôn trân trọng đón và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư./.

Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Trương Văn Liếp

Bạn đang đọc bài viết Long An còn nhiều dư địa để đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Lãi suất ngân hàng Agribank tháng 5/2024
Tháng 5/2024, lãi suất Ngân hàng Agribank vẫn duy trì như tháng trước chưa có sự thay đổi. Mức cao nhất là 4,7% năm được áp dụng cho khách hàng cá nhân tại kỳ hạn gửi 24 tháng.

Tin mới