Lợi thế sản xuất hydrogen xanh từ điện gió ngoài khơi
Với hàm lượng phát thải carbon bằng 0 và hiệu suất chuyển đổi cao, việc sản xuất hydrogen xanh từ điện gió ngoài khơi là giải pháp đang được nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam hướng tới.
Với đặc điểm hàm lượng phát thải carbon bằng 0 và hiệu suất chuyển đổi năng lượng cao, việc sản xuất hydrogen xanh từ điện gió ngoài khơi là giải pháp tối ưu đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng trong chuyển dịch năng lượng. Đây cũng là một trong những giải pháp đột phá mà Việt Nam hướng đến để đạt mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Định hướng để chuyển dịch năng lượng
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, trên thế giới, hydrogen đã được nhìn nhận là nguồn năng lượng sạch, không thể thiếu trong cơ cấu năng lượng của nhiều quốc gia để thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Tính đến đầu năm 2023, đã có hơn 40 quốc gia ban hành Chiến lược quốc gia về hydrogen cùng các chính sách hỗ trợ về tài chính lớn nhằm hình thành và phát triển ngành công nghiệp hydrogen. Đặc biệt, EU đặt mục tiêu sản xuất hydrogen xanh chiếm từ 13 đến 14% trong cơ cấu năng lượng vào năm 2050 trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc đặt mục tiêu phát triển hydrogen sạch, bao gồm hydrogen xanh và hydrogen lam chiếm lần lượt 10% và 33% trong cơ cấu năng lượng quốc gia vào năm 2050.Tại Việt Nam, định hướng phát triển năng lượng hydrogen đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với định hướng này, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Chiến lược sản xuất hydrogen, triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi. Theo Dự thảo Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất năng lượng hydrogen và các nhiên liệu có nguồn gốc hydrogen tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo, gần với khách hàng tiêu thụ lớn để hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng hydrogen đồng bộ từ sản xuất đến tồn trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hydrogen; phấn đấu sản lượng hydrogen sản xuất từ các quá trình sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất hydrogen xanh; quá trình khác có thu giữ carbon đạt 100 - 500 nghìn tấn vào năm 2030 và định hướng khoảng 10 - 20 triệu tấn vào năm 2050.Dự thảo cũng đề xuất định hướng phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng hydrogen bao gồm sản xuất, sử dụng và cơ sở hạ tầng tồn trữ, vận chuyển và phân phối hydrogen, trong đó phấn đấu công suất hydrogen sản xuất từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác đạt khoảng 100 - 500 nghìn tấn/năm vào năm 2030; định hướng đến năm 2050 đẩy mạnh triển khai áp dụng và làm chủ công nghệ tiên tiến sản xuất, sử dụng năng lượng hydrogen xanh tại Việt Nam.
Sớm có chính sách phát triển hydrogen sạch
Theo Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), cho đến năm 2025, chi phí sản xuất hydrogen sạch (bao gồm hydrogen lam và hydrogen xanh) vẫn rất cao. Cụ thể, chi phí sản xuất hydrogen lam và hydrogen xanh tại Việt Nam vẫn cao gấp lần lượt 1,3 và 2,1 lần so với hydrogen xám (hydro được sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch như khí đốt tự nhiên hoặc than đá, chiếm khoảng 95% lượng hydro được sản xuất trên thế giới). Vì vậy, để hydrogen sạch có thể phát triển và dần hoàn thiện tại Việt Nam, việc thực thi các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ là cần thiết nhằm đảm bảo tính cạnh tranh của các nguồn hydrogen sạch.Cụ thể, chính sách hỗ trợ cho phát triển hydrogen cần theo hướng giảm rủi ro với nhà đầu tư từ viêc đưa hydrogen vào quy hoạch năng lượng quốc gia để tạo ra khung cơ sở pháp lý và danh mục ưu tiên cho các dự án phát triển hydrogen và các lĩnh vực liên quan; thực thi các chính sách thuế suất ưu đãi; phát triển các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định an toàn, đảm bảo phát triển đồng bộ chuỗi giá trị hydrogen. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cho phát triển hydrogen cần tạo ra nhu cầu sử dụng hydrogen trong nền kinh tế quốc gia như: Hỗ trợ tài chính với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển chuỗi giá trị hydrogen; áp dụng thuế CO2 để tăng sức cạnh tranh cho hydrogen sạch…Với lợi thế về mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng trong phát triển hydrogen xanh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tham gia vào quá trình hoạch định các Chiến lược, chính sách để tạo khung pháp lý cần thiết cho việc phát triển hydrogen. Bằng Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ dài hạn, PVN tập trung nghiên cứu ứng dụng, tiếp cận các công nghệ mới trong chuỗi sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng hydrogen để sẵn sàng tham gia sản xuất, kinh doanh hydrogen khi thị trường có đủ điều kiện.Hiện các đơn vị thành viên của PVN như Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) và CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã có kinh nghiệm trong sản xuất hydro xám. Bên cạnh đó, PVN có hệ thống đường ống vận chuyển và phân phối, các kho chứa, cửa hàng kinh doanh xăng dầu và kinh nghiệm vận hành hệ thống khí tự nhiên hoàn toàn có thể được chuyển đổi để ứng dụng cho lĩnh vực hydrogen.Về sử dụng hydrogen, các nhà máy lọc hóa dầu cũng như các nhà máy sản xuất phân đạm của PVN là những khách hàng trực tiếp sử dụng nguồn hydrogen xanh để thay thế từng bước nguồn hydro xám hiện nay. Ngoài ra, với bề dày kinh nghiệm khai thác dầu khí và vận hành các công trình ngoài khơi, PVN và đơn vị thành viên là Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đang triển khai các dự án điện gió ngoài khơi nhằm tạo tiền đề phát triển hydrogen xanh.Hiện PTSC là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam trao Quyết định chấp thuận hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển (giấy phép khảo sát), còn đối tác của PTSC là Sembcorp Utilities Pte Ltd (SCU) đã được Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore trao Ý định thư chấp thuận dự án trang trại điện gió ngoài khơi 2,3 GW tại Việt Nam để xuất khẩu 1,2 GW sang “quốc đảo Sư tử”.Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường cho biết, hiện giá thành sản xuất điện gió ngoài khơi trên thế giới nhìn chung vẫn cao. Tuy nhiên, xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi gắn với phát triển đồng bộ sản xuất hydrogen xanh sẽ mang lại hiệu quả. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, Chính phủ cần sớm có cơ chế cụ thể để phát triển điện gió ngoài khơi, điện gió gắn với sản xuất hydrogen xanh.
Bên cạnh đó, với các ngành nghề mà doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu thị trường, cơ quan quản lý cần có quy định cụ thể về hàm lượng sản xuất tại Việt Nam để được hưởng ưu đãi, từ đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, nâng cao năng lực, đóng góp cho đất nước. Đây cũng là cách mà nhiều quốc gia trong khu vực và quốc tế đang thực hiện khi PTSC tham gia cung cấp dịch vụ trên thị trường quốc tế.