Chủ nhật, 24/11/2024 20:12 (GMT+7)
Thứ tư, 08/11/2023 06:56 (GMT+7)

Lộ diện 3 doanh nghiệp chi gần 1.700 tỷ đồng đấu giá 3 mỏ cát tại Hà Nội

Theo dõi KTMT trên

Cuộc đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát ở Hà Nội diễn ra xuyên đêm, từ 9h ngày 5/11 đến khoảng 6h ngày 6/11 mới kết thúc. Tổng số tiền được các tổ chức, cá nhân trả trong phiên đấu giá lên đến gần 1.700 tỷ đồng.

TP.Hà Nội vừa tổ chức đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát là Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì), Tây Đằng - Minh Châu (thị trấn Tây Đằng, xã Minh Châu, huyện Ba Vì) và mỏ Liên Mạc (phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm).

Cuộc đấu giá kéo dài 21,5 giờ đồng hồ này đã thu hút được 40 nhà đầu tư đến từ nhiều tỉnh thành miền Bắc tham gia. Việc ăn uống và công tác hậu cần được sắp xếp ngay tại chỗ.

Kết phiên đấu giá, tổng số tiền các tổ chức, cá nhân trả trong các phiên đấu giá rất cao, lên đến gần 1.700 tỷ đồng.

Lộ diện 3 doanh nghiệp chi gần 1.700 tỷ đồng đấu giá 3 mỏ cát tại Hà Nội - Ảnh 1
Các nhà đầu tư đến tham giá đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát ở Hà Nội. (Ảnh: Báo Công thương)

Cụ thể, đối với quyền khai thác mỏ Châu Sơn, trữ lượng cát được cấp quyền khai thác là hơn 703 nghìn m3, giá khởi điểm là 2,881 tỷ đồng, bước giá đấu 144 triệu đồng. Qua 89 vòng đấu giá, ban tổ chức xác định đơn vị trúng đấu giá với giá là 396,865 tỷ đồng, gấp hơn 137 lần giá khởi điểm.

Mỏ Liên Mạc sở hữu trữ lượng gần 500 nghìn m3 cát,  giá khởi điểm 2,051 tỷ đồng, bước giá đấu 103 triệu đồng, một doanh nghiệp giành quyền khai thác với giá 408,290 tỷ đồng, gấp 204 lần giá khởi điểm.

Mỏ Tây Đằng - Minh Châu trữ lượng 4,9 triệu m3 cát, giá khởi điểm  19,29 tỷ đồng, bước giá đấu 965 triệu đồng, được 16 tổ chức tham gia. Kết quả sau 21 vòng đấu giá, ban tổ chức xác định được đơn vị trúng đấu giá với số tiền là 883,930 tỷ đồng, gấp gần 46 lần giá khởi điểm.

Như vậy, tổng số tiền được các tổ chức, cá nhân trả trong phiên đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát trên là 1.689,085 tỷ đồng.

Được biết, số tiền đặt cọc để đấu giá 3 mỏ cát trên là 3,5 tỷ đồng. Theo quy định, trong 10 ngày tới, nếu các trường hợp trên không nộp đủ tiền sẽ mất số tiền đã cọc và cấm 1 năm không được tham gia các phiên đấu giá.

Thời gian khai thác các mỏ cát sẽ căn cứ vào trữ lượng khai thác hàng năm của doanh nghiệp, nhưng không kéo dài quá 30 năm. Sau đó, doanh nghiệp nếu chưa khai thác hết trữ lượng cát có thể xin TP.Hà Nội tiếp tục gia hạn.

Trong năm nay, Hà Nội dự kiến tiếp tục đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát là Cổ Đô 1, Cổ Đô 2 và mỏ Thanh Chiểu ở huyện Ba Vì.

3 doanh nghiệp trúng đấu giá là ai?

Doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác mỏ cát Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì) là Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Việt Sơn. Công ty này, được thành lập năm 2009, có trụ sở kinh doanh đăng ký tại Lô BT 5 - OBT07, khu đô thị Nam Võ Cường, đường Lý Thánh Tông, phường Võ Cường, TP.Bắc Ninh; do ông Ngô Thành Quý làm người đại diện pháp luật.

Còn doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác đấu giá mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì) là Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh, thành lập năm 2012, có trụ sở tại thôn Vân Nghệ, xã Mai Động, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên; do ông Nguyễn Văn Nha (SN 1987) là người đại diện pháp luật.

Cuối cùng quyền khai thác mỏ cát Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) được đấu giá thành công bởi Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ KSP, mới được thành lập ngày 26/9/2023. Doanh nghiệp này có trụ sở đặt tại Số 94 phố Trần Đăng Ninh, Phường Phú La, Quận Hà Đông, TP.Hà Nội; do ông Lê Sơn Tùng (SN 1977) làm người đại diện pháp luật.

Trao đổi với An ninh Thủ đô về kết quả đấu giá 3 mỏ cát nói trên, ông Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội  cho biết, Việc doanh nghiệp trả giá cao là phụ thuộc vào tính toán và bài toán kinh doanh cũng như giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Việc đấu giá được tổ chức công khai, minh bạch.

Theo lãnh đạo Sở TN-MT Hà Nội, việc thăm dò trữ lượng các mỏ cát được xây dựng Đề án thăm dò, sau đó các Sở, ngành của thành phố và các chuyên gia trong lĩnh vực này họp bàn, cho ý kiến rồi trình UBND TP.Hà Nội.

Tiếp đó, sẽ thuê một tổ chức chuyên thăm dò để đánh giá trữ lượng cát ở mỗi điểm mỏ, căn cứ vào đây, TP.Hà Nội phê duyệt trữ lượng sơ bộ và mức giá khởi điểm ban đầu cho mỗi điểm mỏ.

Theo quy định, sau khi trúng đấu giá, các doanh nghiệp sẽ có 10 ngày để nộp tiền và làm các thủ tục tiếp theo. Mức tiền ban đầu mà 3 doanh nghiệp nói trên phải nộp lần 1 tối thiểu là 50 tỷ đồng. Số tiền còn lại sẽ được nộp trong vòng 5 năm.

Trước đó năm 2016, Hà Nội thí điểm đấu giá quyền khai thác một mỏ cát ở quận Long Biên. Tuy nhiên, sau khi thăm dò trữ lượng cát thấy hiệu quả kinh tế không như kỳ vọng nên doanh nghiệp giành quyền khai thác đã không triển khai.

Việc các nhà đầu tư đổ xô đấu giá mỏ cát xuất phát từ thực tế cát xây dựng đang khan hiếm trên cả nước. Các dự án giao thông, trong đó có dự án vành đai 4 vùng Thủ đô, đang thiếu cát san nền. Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép thí điểm sử dụng cát biển làm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Lộ diện 3 doanh nghiệp chi gần 1.700 tỷ đồng đấu giá 3 mỏ cát tại Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới