Liên tục xuất hiện động đất ở Lai Châu, chuyên gia nói gì?
Trong vòng 48 giờ, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu đã ghi nhận 4 trận động đất tại địa bàn huyện Mường Tè (Lai Châu) với độ lớn khác nhau.
Vị trí tâm chấn của trận động đất rạng sáng nay (17/6) ở Lai Châu. (Nguồn: Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần) |
Theo Viện Vật lý địa cầu, vào khoảng 3h47 (giờ Hà Nội) ngày 17/6, tại Mường Tè (Lai Châu), một trận động đất 2,5 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 22.465 độ vĩ Bắc, 102.834 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 12,8 km.
Điều đáng nói là chỉ trong thời gian ngắn, có đến 4 trận động đất có độ lớn khác nhau xảy ra ở địa bàn huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Trước đó, vào lúc 23h43 (giờ Hà Nội) ngày 15/6 một trận động đất có độ lớn 3.3 xảy ra tại vị trí có tọa độ (22.492 độ vĩ Bắc, 102.740 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
Chưa đầy 24 tiếng sau, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu tiếp tục phát đi các thông báo về trận động đất xảy ra lúc 13h12 (giờ Hà Nội) ngày 16/6. Trận động đất này có độ lớn 4,9 độ Richter, xảy ra tại vị trí có tọa độ (22.563 độ vĩ Bắc, 102.655 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 12,6 km.
Sau đó, vào hồi 22h03 ngày 16/6 (giờ Hà Nội) một trận động đất có độ lớn 2.2 xảy ra tại vị trí có tọa độ (22.506 độ vĩ Bắc, 102.675 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 18.6.
Đáng chú ý, trận động đất xảy ra vào thời điểm 13h ngày 16/6 là trận động đất có cường độ lớn nhất ghi nhận được tại Việt Nam tình từ đầu năm 2020.
Ban chỉ huy về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu báo cáo, động đất đã làm 2 người bị thương (2 cháu tại trường mầm non bản Giẳng, xã Mường Tè, huyện Mường Tè do tấm trần thạch cao rơi vào người). Một số nhà dân bản Giẳng và trạm y tế xã Mường Tè bị nứt.
Lý giải về hiện tượng này, TS Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho hay, trận động đất 4.9 độ richter xảy ra tại Mường Tè chiều qua là trận động đất có cường độ trung bình nhưng là trận động đất lớn nhất tính từ đầu năm 2020.
Viện trưởng Vật lý địa cầu cũng cho biết, khả năng sẽ có thêm vài dư chấn và không ngoại trừ cả những trận lớn hơn trong thời gian tới. Người dân địa phương cần đề phòng, không nên ở gần các công trình xuống cấp, thiếu kiên cố.
Viện Vật lý địa cầu đã cử chuyên gia đến huyện Mường Tè đặt thiết bị đo nhằm xác định rõ hơn tâm chấn và cảnh báo sớm.
Hiện trường sau động đất tại điểm trường mầm non bản Giẳng, xã Mường Tè. |
Do nằm trên đứt gãy, tỉnh Lai Châu, Điện Biên từng ghi nhận nhiều trận động đất mạnh, như trận năm 1935 ở lòng chảo Điện Biên mạnh 6,9 độ richter; năm 1983 trận 6,7 độ richter tại thị trấn Tuần Giáo và năm 2001 trận 5,3 độ richter tại thành phố Điện Biên Phủ.
Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả của trận động đất, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có công điện đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, các bộ, ngành thực hiện kiểm tra, rà soát ảnh hưởng của động đất đến các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, trụ sở, nhà ở của người dân trong khu vực để kịp thời có phương án ứng phó phù hợp.
Các đơn vị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời theo dõi, cập nhật diễn biến động đất, thông báo kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân để chủ động ứng phó.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trong khu vực bị ảnh hưởng động đất.
Viện Vật lý địa cầu theo dõi chặt chẽ, cung cấp kịp thời các bản tin động đất để cơ quan chức năng và nhân dân chủ động ứng phó.
Mai Anh