Lễ hội truyền thống làng cổ Bát Tràng năm 2023 diễn ra trong 3 ngày
Lễ hội truyền thống làng cổ Bát Tràng năm 2023 sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 5/3 đến 7/3 với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Nhiều hoạt động ý nghĩa
Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh đức tổ nghề gốm truyền thống mà còn là dịp quảng bá tinh hoa sản phẩm gốm Bát Tràng, một làng gốm lâu đời nức tiếng của Việt Nam.
Lễ hội truyền thống làng cổ Bát Tràng đã trở thành dấu ấn văn hóa độc đáo, nơi người làng Bát Tràng tự hào về nghề gốm truyền thống cha ông truyền lại, tưởng nhớ công lao đức tổ nghề, gửi gắm ước vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, những sản phẩm giá trị, độc đáo nhất của làng gốm cổ ven đô cũng sẽ giới thiệu với du khách.
Trong buổi sáng đầu tiên của lễ hội, những nghi lễ quan trọng nhất của ngày khai hội đã được dân làng Bát Tràng thực hiện gồm dâng lễ Tam sinh,dâng hương Thánh hiền, Lễ rước kiệu và Lễ cấp thủy; Lễ nhập thủy và Lễ tế thần.
Ngay sau khi khai hội, lễ rước nước, nghi thức quan trọng nhất của dân làng được nghiêm cẩn thực hiện. Sau khi dâng lễ Thủy Thần Hà Bá, chủ tế đại diện dân làng sẽ xin nước thiêng từ dòng trong sạch của Sông Hồng, lọc qua một tấm vải điều đỏ trước khi quan viên của làng rước về Đình cổ Bát Tràng làm lễ.
Cùng với phần Lễ, du khách đến với Lễ hội Bát Tràng năm nay sẽ được tham gia vào phần Hội với các hoạt động văn hoá truyền thống độc đáo riêng có của làng được lưu truyền từ hàng trăm trước là cờ người, hát thờ hay các hoạt động thể thao, giao lưu quan họ trên hồ Long Nhỡn, giao hiếu giữa các làng...
Trong dịp này, chợ gốm Bát Tràng với những sản phẩm truyền thống trứ danh cũng được giới thiệu tới du khách cùng với các hoạt động giao lưu cùng nghệ nhân gốm. Các hoạt động của lễ hội sẽ diễn ra tới 20h hàng ngày.
Quảng bá du lịch Thủ đô
Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023 với chủ đề “Kết nối di sản phát triển du lịch" dự kiến diễn ra từ ngày 24-26/3/2023, tại khu vực đền Bà Kiệu, đường Đinh Tiên Hoàng, Nhà Bát Giác, phố Lê Thạch - quận Hoàn Kiếm. Lễ hội được tổ chức nhằm đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa và tôn vinh các di sản văn hóa, xúc tiến, quảng bá du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế, từ đó thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Thủ đô Hà Nội - điểm đến du lịch hấp dẫn và an toàn.
Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023 là hoạt động kích cầu du lịch được tổ chức với quy mô lớn, khuyến khích người dân Thủ đô nói riêng khám phá các điểm đến hấp dẫn của Hà Nội như: Phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm, Vườn Quốc gia Ba Vì, làng gốm Bát Tràng. Bên cạnh đó, lễ hội còn thu hút nhân dân các địa phương đến với Thủ đô Hà Nội; đồng thời tổ chức các chương trình du lịch cho người Hà Nội đi du lịch tới các địa phương, khuyến khích sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp du lịch Hà Nội. Ngoài ra, Lễ hội sẽ giới thiệu những giá trị độc đáo, đặc sắc của làng nghề, ẩm thực Hà Nội; các di sản văn hóa kết nối Hà Nội và các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình.
Dự kiến, lễ hội sẽ gồm các không gian chung, gian hàng các tỉnh thành, gian hàng du lịch, không gian ẩm thực, làng nghề. Khu không gian chung gồm thiết kế các tiểu cảnh 2D, 3D giới thiệu điểm đến du lịch Hà Nội, hình ảnh di sản các địa phương, các điểm check-in cho du khách tại khu vực phía trước tượng đài Cảm Tử (Đền Bà Kiệu) và các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thạch, Nhà Bát Giác. Khu gian hàng các tỉnh, thành giới thiệu du lịch và đặc sản địa phương sẽ được trưng bày tại phố Đinh Tiên Hoàng. Ngoài ra, khu vực này còn có gian hàng của các cơ quan du lịch quốc tế để giới thiệu điểm đến du lịch các nước, thúc đẩy hoạt động du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức sẽ bố trí các gian hàng và quầy du lịch giới thiệu sản phẩm tour, combo du lịch, khách sạn, vé máy bay tại các phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thạch. Khu không gian làng nghề, ẩm thực Hà Nội giới thiệu một số sản phẩm làng nghề tiêu biểu, giới thiệu món ăn, đặc sản của Thủ đô…
Đặc biệt, Lễ hội hướng tới loại hình du lịch có trách nhiệm, hưởng ứng chương trình Năm Du lịch Quốc gia 2023 với mục tiêu du lịch Việt Nam hướng đến sản phẩm xanh, năng lượng sạch, tạo ra môi trường thân thiện, an toàn cho sức khỏe, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hướng đến một nền tăng trưởng xanh, phát triển du lịch gắn với các ngành kinh tế khác.
Xuân Hòa