Thứ bảy, 23/11/2024 02:19 (GMT+7)
Thứ bảy, 01/02/2020 06:00 (GMT+7)

Kỳ 3: Cô bé Thụy Điển và bài phát biểu gây chấn động Hội nghị Khí hậu toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Sau chuyến vượt biển dài ngày đầy khó khăn, vào ngày 3/12/2019, con thuyền La Vagabonde đã cập bến ngay cạnh sân bay lớn nhất Bồ Ðào Nha. Greta Thunberg cùng với cha mình đứng trên thuyền vẫy chào hàng trăm người chào đón họ quay trở lại châu Âu, phía trên đầu hai cha con là những chiếc phi cơ bay lượn, gợi nhắc rằng Greta đã có thể dễ dàng vượt châu lục bằng đường hàng không.

Sự thuận tiện trong việc di chuyển cũng có cái giá của nó: Khoảng 124.000 chuyến bay mỗi ngày đang thải ra hàng triệu tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào tầng khí quyển. “Tôi không muốn mọi người phải làm theo mình. Tôi chỉ muốn gửi thông điệp rằng chúng ta không thể mãi vô tư với cuộc sống thoải mái như hiện nay. Mọi thứ cần phải thay đổi”, Greta run rẩy khi đặt chân lên đất liền, bày tỏ với phóng viên sau đó.

Ðứng trước một biển camera và các phóng viên, Greta tuyên bố: “Mọi người đang đánh giá thấp sự giận giữ của trẻ con. Chúng tôi đang cảm thấy cực kỳ phẫn nộ và điều này có nguyên do. Nếu người lớn muốn chúng tôi thôi giận dữ hãy dừng những việc khiến chúng tôi phải cảm thấy như thế”. Phát biểu của Greta kết thúc trong tiếng hò reo ủng hộ của đám đông.

Bài phát biểu của Greta tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu tại Ba Lan vào tháng 12/2018 đã chạm tới tâm can của mỗi người: “Mọi người nói yêu trẻ em hơn bất cứ thứ gì vậy mà lại đang tâm cướp đi tương lai của tuổi trẻ, ngay trước mắt chúng”. Lời phát biểu trên ngay lập tức trở nên nổi tiếng nhưng đó không phải là câu nói ấn tượng duy nhất của Greta.

Trong năm vừa rồi, cô bé cũng đưa ra rất nhiều lời nhắc nhở cứng rắn tương tự tới những người có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Bằng giọng điệu nhỏ nhẹ nhưng quyết liệt, Greta đã nói lên sự bất công mà thế hệ trẻ luôn phải chịu đựng, đó là: Thế hệ đi trước đang dần trở nên ngu muội khi không chịu hành động, đối mặt với khủng hoảng.

Kỳ 3: Cô bé Thụy Điển và bài phát biểu gây chấn động Hội nghị Khí hậu toàn cầu - Ảnh 1
Greta gặp mặt và nói chuyện với những người nổi tiếng và những nguyên thủ quốc gia khắp thế giới (từ trái sang phải): Christine Lagarde, Giáo Hoàng và Thủ tướng Canada Justin Trudeau, nguyên Phó Tổng thống Mỹ Al Gore, nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ellen DeGeneres.

Với những người có cùng suy nghĩ như Greta, sự thẳng thắn đến phũ phàng của cô bé chính là điều họ đang cần trong thời điểm cấp bách hiện nay. Còn với những người bất đồng, phát ngôn của cô bé lại như một lời đe dọa. Greta là như vậy, thay vì những lời đường mật, cô bé khiến cho mọi người phải hổ thẹn với bản thân khi không dám đứng lên hành động.

Tiêu biểu là khi cô bé đọc lời phát biểu trước các nguyên thủ quốc gia tại Ðại Hội đồng LHQ diễn ra vào tháng 9/2109, Greta đã không hề nhân nhượng mà nói rằng: “Chúng ta đang đứng trước bờ vực diệt vong. Và, tất cả những gì các người bàn đến, chỉ là tiền, là những ảo mộng về nền kinh tế tăng trưởng vĩnh cửu. Sao các người lại dám làm vậy?”

Mary Robinson, cựu Thủ tướng Ireland hiện đang là Ðại sứ môi trường của LHQ, trước thềm tọa đàm Paris đã dành nhiều năm phát đi thông điệp biến đổi khí hậu sẽ tàn phá những quốc đảo nhỏ và khiến cư dân bản địa rơi vào cảnh bần cùng nhưng không nhận được sự quan tâm.

“Mọi người nói với tôi rằng đó không phải là đất nước của họ. Ðể một đứa trẻ đứng lên nói rằng thế hệ của chúng không có tương lai hay hơn rất nhiều vì khi nghe thấy câu nói này, những người trưởng thành sẽ cảm thấy vô cùng hổ thẹn”, bà chia sẻ với tạp chí TIME.

Ðáng tiếc thay, lòng dũng cảm của Greta Thunberg không chỉ nhận về những lời ca tụng mà còn có cả sự chỉ trích. Một số nhà hoạt động môi trường da màu đã đặt câu hỏi tại sao một cô gái châu Âu da trắng lại nhận được sự quan tâm của công chúng trong khi họ cũng đã và đang dành hàng năm trời đấu tranh cùng cho một mục tiêu. Ðiều này đã khiến Greta không hài lòng với giới truyền thông vì đã dành quá nhiều sự tập trung cho mình.

Cô bé cũng cố gắng nhắc đến và vinh danh những nhà hoạt động môi trường khác, đặc biệt là dân tộc bản địa. Cuộc họp báo tại Madrid trước cuộc tuần hành, khi các phóng viên đặt câu hỏi, Greta đã nói: “Ðừng chỉ hỏi mình cháu” và hướng về phía các thành viên khác trong chiến dịch “Thứ Sáu vì tương lai” hô lớn: “Ý kiến của mọi người thế nào?”.

Greta không chỉ bị đặt câu hỏi bởi màu da của mình. Một vài nhà hoạt động môi trường mang tư tưởng bảo thủ phàn nàn rằng công sức của họ đã bị xem nhẹ và thay vào đó thế giới lại tán dương một đứa nhóc trốn học. Rachel Kyte, Hiệu trưởng trường Fletcher thuộc đại học Tuff, cũng là một cựu thủ lĩnh hoạt động môi trường, nhận xét: “Các bạn trẻ chỉ muốn sự chú ý và muốn mọi người chỉ công nhận sự nỗ lực của mình”.

Tuy vậy, không một tổ chức môi trường nào đưa ra bình luận quá tiêu cực về Greta. Nhưng đó chưa phải là điều tệ nhất. Cô bé còn bị một số thành phần công kích cá nhân trên mạng xã hội. Vài kẻ thích đùa đã lấy vẻ bề ngoài và giọng điệu của cô bé ra chế giễu, vài kẻ khác đã treo hình nộm Greta trên một cây cầu ở Rome cùng với tấm biển đề “Greta là Chúa của các người”.

Ở Canada, thủ lĩnh đảng bảo thủ Maxime Bernier đã đăng lên Twitter nói Greta Thunberg: “Rõ ràng là thần kinh không ổn định”. Ông này sau đó đã đính chính lại, nói Greta chỉ là một con tốt trên bàn cờ. Tại Alberta, nơi tập trung mỏ dầu của Canada, một người đàn ông đã vừa bám theo cha con Greta vừa la lối “Ðây là đất nước dầu mỏ” khiến cảnh sát phải vào cuộc để đảm bảo sự an toàn cho cô bé.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hoàn toàn phớt lờ Greta, nói rằng mình không hùa theo số đông. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã châm chọc Greta trên trang Twitter của mình là “một cô gái nhỏ rất vui vẻ mong đợi tương lai tươi sáng và tốt đẹp”.

Nặng nề hơn, tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã gọi Greta bằng một từ địa phương mang tính xúc phạm, tam dịch là “một con nhóc hỗn láo” sau khi cô bé đăng tải ý kiến của mình về cuộc “bức hại” những người thổ dân tại đất nước này. Greta đã phản pháo lại bằng cách sửa lý lịch trên Twitter cá nhân, sử dụng đúng những câu từ 2 vị Tổng thống đã nói về mình.

Chắc hẳn không một ai, nhất là một cô bé tuổi teen, lại muốn bản thân bị móc mỉa và châm biếm trên mạng xã hội. Nhưng với Greta, đó là thực tế xảy ra hàng ngày. Cô bé tâm sự: “Tôi luôn phải dè chừng và để ý mọi thứ: Từ những câu từ mình nói đến cả những gì mình ăn hay mặc. Tôi biết hiện giờ mình là tâm điểm của sự chú ý, vì vậy tôi luôn phải đề phòng trước”.

Ngồi cạnh cha mình, Greta lướt qua những dòng bình luận công kích mình, trong đó có lời mỉa mai về hội chứng Asperger của cô, thậm chí cả những lời đe dọa đến tính mạng của Greta cùng gia đình – điều làm cảnh sát phải theo sau bảo vệ cô trong mỗi chuyến đi. Nhưng phần lớn những gì Greta thấy từ những lời công kích và đe dọa này là minh chứng cho việc mình và những người tham gia bãi khóa vì môi trường đã gây được sự chú ý. “Tôi thấy đây là tín hiệu tốt bởi vì chúng tôi đã tạo nên sự khác biệt tới mức họ coi chúng tôi như mối đe dọa”, Greta nói.

Kỳ 2: Nhà hoạt động môi trường và phong trào 'Thứ Sáu vì tương lai'Kỳ 1: Cô gái 16 tuổi lan tỏa Khát vọng xanh đi khắp thế giới

Phương Nguyên

Bạn đang đọc bài viết Kỳ 3: Cô bé Thụy Điển và bài phát biểu gây chấn động Hội nghị Khí hậu toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới