Kỳ 2: Grab kiếm bộn tiền từ hệ sinh thái, ai kiểm soát dòng tiền?
Không chỉ nhắm tới mục tiêu thống lĩnh thị phần vận tải Việt Nam, Grab đang cho thấy tham vọng phủ khắp các mặt trận như bán lẻ, tài chính, thanh toán, game… Nguồn thu khổng lồ từ các dịch vụ này sẽ “chảy” vào túi Grab có thể khiến nhiều đại gia công nghệ cũng thèm muốn.
Kỳ 3: Grab- Từ độc quyền đến tham vọng "đế chế mới" tại Việt Nam |
Kỳ 1: Grab “bành trướng” chóng mặt tại Việt Nam: Vận tải chỉ là bước đệm? |
Hệ sinh thái tỉ đô
Grab đang có những bước đi rất “thần tốc” và bất chấp quy định pháp luật Việt Nam nhằm thực hiện chiến lược xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng- thanh toán trên nền tảng ứng dụng gọi xe Grab. Chỉ trong vòng 5 năm, Grab đã xây dựng mạng lưới “đối tác” rộng khắp 15 tỉnh, thành phối với 190.000 tài xế (hãng không gọi tài xế là nhân viên) tham gia hệ thống và khoảng 25 triệu người dùng ứng dụng này. “Có 25% dân số Việt Nam dùng Grab” là con số giật mình mà Grab hé lộ.
Grab đang phát triển rất nhanh hệ sinh thái đa dịch vụ tiện ích để thu lợi nhuận "khủng" |
Từ mảng cốt lõi là kinh doanh mô hình vận tải xe, Grab đã nhanh chóng bành trướng sang nhiều mảng khác như giao nhận hàng, đồ ăn nhanh (GrabFood), ví điện tử (Grab by Moca), thanh toán hoá đơn, cho vay trả góp… Có thể thấy, với hệ sinh thái dịch vụ đa dạng và dữ liệu thành viên khổng lồ, Grab dễ dàng tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ trực tiếp tới đông đảo khách hàng của mình ngay trên ứng dụng.
Một nguyên tắc “vàng” trong kinh doanh “ở đâu có đông người, ở đó có nhiều tiền”, thì ở trường hợp Grab – hãng này đã tạo dựng cộng đồng người dùng, đối tác, khách hàng rất lớn của riêng mình để độc quyền khai thác, kiếm siêu lợi nhuận.
Một trong những tiện ích mới ra mắt trên ứng dụng Grab là các dịch vụ giải trí như chơi game, điểm tin tức “hot” trong ngày, video clip... Đây được xem là tiện ích để giữ chân khách hàng ở lại lâu hơn trong ứng dụng. Nhưng với cộng đồng người dùng đông đảo, Grab có thể dễ dàng phát triển các dịch vụ tiện ích này và kinh doanh, thu lời rất lớn.
Theo giới công nghệ, việc phát triển sản phẩm game trong hệ sinh thái có sẵn sẽ đảm bảo mức độ thành công cao hơn, hay đơn giản là tiếp thị, quảng bá game thì Grab cũng đã thu “bộn tiền”. Thực tế, các game bài, cờ bạc… có thể thu lời hàng chục nghìn tỉ đồng trong thời gian ngắn như game bài RIKVip đã bị triệt phá vừa qua.
Điều chưa được làm rõ là Grab có giấy phép phát hành game hay kinh doanh dịch vụ game trên ứng dụng gọi xe Grab không? Những trò chơi này đã được kiểm duyệt nội dung trước khi đăng lên ứng dụng hay chưa và cơ chế xử phạt vi phạm nội dung “nhạy cảm” ra sao? Đặc biệt là vấn đề bản quyền của các game xuất hiện trên ứng dụng Grab.
Một điểm đáng lưu ý là hiện tại, người dùng đang sử dụng điểm thưởng (Rewards) của Grab để tham gia các trò chơi. Nhưng sau này liệu Grab có cho phép giao dịch mua bán điểm thưởng hay không – là hành vi chưa hề được quy định bởi hành lang pháp lý của Việt Nam?
Grab có giấy phép phát hành game hay kinh doanh dịch vụ game trên ứng dụng gọi xe Grab không |
Lợi nhuận “khủng” từ mạng xã hội
Bên cạnh game, Grab cũng đang thử nghiệm việc điểm tin tức “hot” trong ngày bằng tính năng Trending News và các video giải trí (Grab TV). Bước đầu GrabTV chỉ mới đăng tải một số clip quảng cáo về Grab, nhưng liệu tham vọng của Grab có dừng lại ở đó?
Mặc dù hé lộ ý định muốn lấn sân sang mảng truyền thông và nội dung số, nhưng bản cập nhật đăng ký ngành nghề kinh doanh mới nhất của Grab (tính đến ngày 16/4/2019) lại có thêm lĩnh vực “Cổng thông tin”.
Từ thực tế lộn xộn, khó kiểm soát nội dung thông tin trên mạng, cơ chế nào để quản lý các thông tin do 1 cổng thông tin thuộc sở hữu doanh nghiệp xuyên biên giới như Grab đăng tải lên mà kiểm duyệt, sàng lọc và loại bỏ thông tin giả, kích động hay xấu độc như trên Google, YouTube và Facebook. Bởi với tốc độ phát triển mạng lưới đa dạng, bao phủ mọi mặt nhu cầu của người dùng, Grab có thể trở thành một mạng xã hội như những người khổng lồ Facebook, Weibo, Youtube… và dễ dàng kiếm tiền khủng từ hệ sinh thái của Grab.
Hơn nữa, các mạng xã hội này đã có sức ảnh hưởng ghê gớm tới nhận thức, hành động của thành viên từ “thế giới ảo” bước ra đời thực và nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Trong khi đó Grab đang chưa phải chịu bất cứ ràng buộc nào trong lĩnh vực “cổng thông tin” tại Việt Nam.
Trong hệ sinh thái ngày càng lớn mạnh, Grab có thể đẩy mạnh hoạt động kinh doanh đa ngành tại thị trường Việt Nam, tự động thu thập thông tin hàng triệu người dùng Việt Nam để phân tích, chấm điểm tín dụng và đưa ra các lời mời gọi sử dụng dịch vụ của họ mà không gặp bất cứ cản trở pháp luật nào. Cơ sở dữ liệu của Grab có lẽ cũng không thua kém dữ liệu của Google, Facebook về người dùng Việt Nam.
Tại Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam ngày 9/5, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám Đốc của Be Group từng cảnh báo: “Dữ liệu người dùng Việt nên thuộc chủ quyền của người Việt” vì đó là tài sản quốc gia. Nhưng rõ ràng, sự bành trướng và cả những rủi ro tiềm ẩn sau sự bành trướng của Grab vẫn đang diễn ra trong sự không hay biết của đa số dư luận”.
Điều đáng lo suy nghĩ là Grab - công ty công nghệ có trụ sở tại Singapore và đang hoạt động xuyên biên giới với doanh thu và lợi nhuận rất khủng song cơ quan chức năng tại Việt Nam rất khó kiểm soát, xác định chính xác.
Liệu rằng Grab kiếm siêu lợi nhuận tại Việt Nam có nối gót nhiều công ty đa quốc gia để chuyển giá, “lách thuế” nhằm giảm bớt tiền thuế phải nộp? Hay dòng tiền rất lớn đang “chảy” trong hệ sinh thái Grab, đổ vào đầu tư, cho vay và thanh toán sẽ luân chuyển như thế nào… là những câu hỏi còn bỏ ngỏ cho các nhà hoạch định chính sách thuế và ngân hàng của Việt Nam.
Hải Nam