Thứ bảy, 27/07/2024 07:27 (GMT+7)
Thứ năm, 30/05/2019 19:52 (GMT+7)

Kiểm tra hệ thống xả thải của công ty nghi gây ô nhiễm sông La Ngà

Theo dõi KTMT trên

Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho hay, cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tiến hành đào hệ thống cống của Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam để làm rõ việc doanh nghiệp này có gây ô nhiễm môi trường sông La Ngà hay không?

Theo văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, cơ quan chức năng sẽ tiến hành đào hệ thống cống thải của Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam (gọi tắt là Công ty Mauri) vào sáng 31/5.

Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai cho biết, công việc khai quật sẽ diễn ra trong khoảng 1 ngày, có sự giám sát của các bên. Kết quả hiện trạng sẽ được thông tin công khai. Việc khai quật này sẽ làm rõ tố cáo của người dân về hệ thống cống ngầm của Công ty Mauri; kiểm tra giám sát hệ thống xả thải của công ty này đúng hay sai so với quy định.

Đây là động thái cương quyết làm rõ nguyên nhân khiến cá nuôi lồng bè trên sông La Ngà chết hàng loạt, sau khi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo làm rõ, xử lý tình trạng ô nhiễm tại khu vực La Ngà, đặc biệt quan tâm đến những tố cáo của người dân.

Kiểm tra hệ thống xả thải của công ty nghi gây ô nhiễm sông La Ngà - Ảnh 1
Bị tố cáo xả thải gây ô nhiễm, Công ty Mauri liệu có liên quan ?

Công ty Mauri là đơn vị thuộc diện "giám sát nóng" về môi trường tại Đồng Nai. Công ty này hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các loại men, phụ gia làm bánh mỳ và các loại bánh khác. Công ty Mauri có 2 nhà máy cách nhau 1km, một nơi dùng để sản xuất, một nơi dùng để xử lý men hóa chất..

Công ty Mauri vận chuyển chất thải đến khu xử lý bằng đường ống chôn dưới lòng đất, khu vực này rộng khoảng 2.000m2, bên ngoài luôn kín cổng cao tường và xung quanh nồng nặc mùi chua của men.

Trong gần 20 năm hoạt động, nhà máy này bị người dân nhiều lần phản ứng dữ dội vì gây ô nhiễm. Hai lần nhà máy bị buộc tạm ngừng hoạt động để khắc phục vào các năm 2009 và 2011, sau đó hoạt động lại.

Mới đây, bà Lê Thị Tình (61 tuổi, ở ấp 4, xã La Ngà) viết đơn tố cáo Công ty Mauri xả thải ra môi trường và xin được bỏ tiền để tìm chứng cứ đường ống xả thải trực tiếp ra sông được chôn sâu trong lòng đất.

UBND tỉnh Đồng Nai từng có định hướng di dời nhà máy của công ty nếu tình trạng ô nhiễm không được khắc phục. Nhưng sau đó, công ty cho tiến hành xây dựng nhà máy xử lý chất thải nên được tiếp tục hoạt động.

Sông La Ngà bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh ven khu vực thành phố Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng, chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuân, Đồng Nai với chiều dài trên 272 km và lưu vực 4.710 km² rồi đổ vào hồ Trị An. Trong đó có đoạn chảy qua 2 xã La Ngà và Phú Ngọc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Như Kinh tế Môi trường đưa tin, sau cơn mưa lớn kéo dài từ đêm 15 đến rạng sáng 16/5, cá ở hàng trăm bè nổi trên sông La Ngà có hiện tượng bơi lờ đờ sau đó chết trắng. Theo thống kê của UBND huyện Định Quán, đã có 81 hộ với 308 dèo và 26 bè có cá chết, tổng số lượng cá bị chết lên đến gần 1.000 tấn. Trong số đó, cá bị chết chủ yếu là cá lăng, cá mè, cá leo, cá diêu hồng… đang đến thời điểm gần thu hoạch. Đáng chú ý, khúc sông xảy ra cá chết chỉ cách vị trí Công ty AB Mauri 3km.

Trần Giang (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Kiểm tra hệ thống xả thải của công ty nghi gây ô nhiễm sông La Ngà. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

An Giang sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai
Từ tháng 7 đến tháng 12 năm nay, An Giang dự báo lượng mưa cao hơn trung bình hàng năm. Mùa mưa có thể kéo dài, gây nguy cơ ngập lụt cao. Do đó, tỉnh sẽ tăng cường cảnh báo và chủ động ứng phó trước tình hình phức tạp này .

Tin mới

LỜI ĐIẾU đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Lời điếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc tại Lễ Truy điệu ngày 26/7/2024.
Thực hành ESG: Không dễ để triển khai!
Dù các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến định hướng chiến lược và hoạt động phát triển bền vững (ESG) nhưng thực tiễn thực hành lại đang gặp nhiều khó khăn.