Thứ ba, 26/11/2024 04:18 (GMT+7)
Thứ bảy, 19/10/2019 10:07 (GMT+7)

Khủng hoảng nước sạch - Cái sảy nảy cái ung

Theo dõi KTMT trên

Thiết nghĩ, trong chuyện này các cơ quan chức năng của thành phố và đích thân UBND TP Hà Nội phải vào cuộc, có sự tính toán khoa học để xác định thời gian khắc phục và giám sát chặt chẽ việc thực hiện của Viwasupco.

Khủng hoảng nước sạch - Cái sảy nảy cái ung - Ảnh 1
Khủng hoảng nước sạch - Cái sảy nảy cái ung

Sự cố nguồn nước sông Đà nhiễm dầu thải đã thực sự bùng phát thành cuộc khủng hoảng nước sạch ở Hà Nội sau khi Viwasupco thông báo dừng cấp nước vô thời hạn và rất nhiều vấn đề được đặt ra xung quanh sự cố này.

Cuộc sống người dân khu vực Tây Nam TP Hà Nội vốn đã bị đảo lộn sau khi phát hiện có mùi lạ trong nước do Tổng công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà cung cấp, nay thực sự trở nên hỗn loạn sau khi công ty này thông báo dừng cấp nước vô thời hạn từ ngày 15/10.

Thực ra, người dân trong vùng bị ảnh hưởng đã không sử dụng nguồn nước sông Đà để ăn uống từ trước đó, nhưng dù sao vẫn có thể dùng trong sinh hoạt khác như giặt giũ, vệ sinh… Còn một khi nguồn nước bị cắt hẳn thì thực sự là một tai họa.

Người dân Thủ đô chắc hẳn chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi ám ảnh về sự mất nước. Nhưng những đợt cắt nước trước đây chỉ xảy ra cục bộ, trong phạm vi nhỏ nên vẫn còn có lối thoát. Còn lần này, việc cắt nước diễn ra trong phạm vi rộng với hàng triệu dân thì nó trở thành một cuộc khủng hoảng thực sự. Nhất là khi dư luận đề cập đến việc ngoài chỉ tiêu styren thì nguồn nước này còn những chỉ tiêu nào vượt ngưỡng không, hay có người liên tưởng đến một cuộc cạnh tranh không lành mạnh.

Thành phố phải điều xe téc chở nước sạch “cấp cứu” để giải quyết tình huống. Nhưng số xe téc cũng chỉ có hạn nên lượng nước cấp cứu cũng chỉ như muối bỏ bể. Đã thế, có phải ai cũng có điều kiện, sức khỏe, thời gian… để chầu chực cho từng can nước đâu. Cả tuần nay, người dân khu vực Tây Nam thành phố đã phải mua nước đóng chai để ăn uống. Nhưng còn giặt giũ, vệ sinh thì sao, chẳng lẽ cũng lại mua từng chai Lavie để đổ hố xí? Và, đối với những hộ nghèo thì ngay cả việc mua nước đóng chai để ăn uống cũng đã là cả một vấn đề trong chi tiêu.

Người dân càng hoảng loạn hơn khi trong thông báo của Viwasupco không hề đề cập đến thời hạn cấp nước trở lại. Thế là, các siêu thị, cửa hàng trong hai ngày qua đã phải chứng kiến một cuộc đổ bộ thực sự để giành từng chai nước. Nguy cơ đục nước béo cò là thấy rõ và Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương đã phải có công văn hỏa tốc gửi Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội về việc ngăn chặn tăng giá bất hợp lý đối với mặt hàng nước đóng chai, đóng bình do nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm styren.

Ngay từ khi nguyên nhân nước ô nhiễm được phát hiện, không ít người đã rùng mình khi hình dung đến cái gọi là “hậu sự cố”. Đó là việc cắt nước, là xử lý ô nhiễm đầu nguồn, là súc rửa đường ống, bể chứa các cấp, bể dự trữ tại các chung cư cao tầng… Và bây giờ, nỗi lo ấy đã thành hiện thực.

Đến lúc này, nhiều người mới nghĩ đến chữ “nếu”. Nếu Viwasupco có hệ thống quan trắc tốt để phát hiện sự cố ngay từ đầu… Nếu ngay sau khi phát hiện việc đổ trộm dầu thải và khi thấy dầu thải chảy vào nguồn nước, Viwasupco kịp thời dừng vận hành nhà máy thì đâu đến nỗi. Nếu thế, nguồn nước bẩn đã được ngăn chặn kịp thời, không đi vào nhà máy, không đi vào đường ống và càng không có điều kiện đi vào các bể dự trữ… Như vậy, chỉ cần xử lý được ô nhiễm đầu nguồn là hệ thống lại có thể tiếp tục vận hành.

Khủng hoảng nước sạch - Cái sảy nảy cái ung - Ảnh 2
Ảnh: Minh Sơn - Vietnamplus.

Nhưng Viwasupco đã không làm như vậy, mà lại cố đấm ăn xôi và hy vọng sẽ bưng bít được sự cố. Và, cái sảy nảy cái ung. Còn ông Tổng giám đốc “làm thuê” Nguyễn Văn Tốn mặc dù cảm thấy đến 80% là nên dừng nhưng rồi lại vẫn tặc lưỡi cho qua với lý do là “không có lý do, chứng cớ để dừng”. Vậy chẳng lẽ cái thực tế sờ sờ trước mắt dầu tràn vào nguồn nước và bản thân Viwasupco phải tổ chức nhân lực đi vớt dầu không phải là lý do? Hay chứng cớ ấy không đủ mạnh, cứ phải đợi đến khi có người dân phải trả bằng sinh mệnh của mình thì mới có lý do để dừng?

Còn bây giờ, dầu đã thấm vào hệ thống lọc, bám vào bể chứa, bể dự trữ và bám vào đường ống đến từng hộ dân thì quả thực, việc khắc phục không còn đơn giản.

Lúc này, dừng cấp nước để khắc phục sự cố là cần thiết. Tuy nhiên, việc nội dung thông báo không hề đả động đến nghĩa vụ, trách nhiệm của Viwasupco và cũng không đề cập đến thời gian khắc phục, thời hạn cấp nước trở lại của Viwasupco là một điều đáng lo ngại. Viwasupco ngừng cấp nước một ngày, người dân khu vực ảnh hưởng khốn khổ và tốn kém một ngày. Viwasupco ngừng cấp nước một tuần, một tháng, người dân phải khốn khổ và tốn kém một tuần, một tháng… Nhưng đằng này, Viwasupco dừng vô thời hạn thì sức dân dẫu có cổ cày vai bừa đến mấy cũng làm sao chịu siết.

Ngay khi viết xong bài này, chúng tôi nhận được thông tin, theo yêu cầu của thành phố, Viwasupco đã cấp nước trở lại. Tuy nhiên, Công ty nước sạch sông Đà vẫn khuyến cáo “chỉ nên dùng để tắm giặt”. Điều đó lại đặt ra những dấu hỏi về chất lượng nước, về việc súc xả đường ống và lối làm việc tùy tiện của đơn vị này. Đó là chưa nói đến việc, các bể chứa nước dự trữ ở các khu vực, các chung cư cao tầng, đã được sục rửa hay chưa; vì nếu các bể này không được làm sạch thì vẫn có thể tiếp tục gây ô nhiễm nước.

Thiết nghĩ, trong chuyện này các cơ quan chức năng của thành phố và đích thân UBND TP Hà Nội phải vào cuộc, có sự tính toán khoa học để xác định thời gian khắc phục và giám sát chặt chẽ việc thực hiện của Viwasupco. Nếu không, với ý thức “vô trách nhiệm” của một “người làm thuê” như ông Nguyễn Văn Tốn thì không biết Viwasupco có bảo đảm được việc làm súc xả sạch hệ thống hay không và việc khắc phục này sẽ kéo dài đến bao giờ; và cuộc khủng hoảng nước sạch đến một mức nào đó có thể nảy sinh những bất ổn xã hội thì hậu quả sẽ khôn lường.

Đừng để cái sảy lại nảy tiếp cái ung

Nhân đây, cũng xin có lời nhắn nhủ đến bà con trong khu vực bị cắt nước, rằng khi đi mua nước hay có bất kỳ thiệt hại nào liên quan đến sự cố nước ô nhiễm này, cần lưu giữ các chứng từ để làm cơ sở yêu cầu Viwasupco đền bù thiệt hại sau này, kẻo tiền mất mà lại mua thêm cái sự bực mình vào người.

Bạn đang đọc bài viết Khủng hoảng nước sạch - Cái sảy nảy cái ung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới