Chủ nhật, 24/11/2024 19:19 (GMT+7)
Thứ ba, 25/10/2022 07:50 (GMT+7)

Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu gây ra hậu quả đáng sợ như thế nào?

Theo dõi KTMT trên

Hóa đơn tiền điện tăng cao, chi phí sinh hoạt tăng phi mã và một mùa đông phải lựa chọn giữa “ăn uống hoặc sưởi ấm” đang là thực tế mà người dân châu Âu phải đối mặt.

Hôm qua (23/10), Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn năng lượng và hóa dầu Shell, ông Ben van Beurden cảnh báo rằng: Châu Âu đối mặt với quá trình “hợp lý hóa công nghiệp” khó khăn do cuộc khủng hoảng năng lượng, tiềm ẩn rủi ro cho cả kinh tế và chính trị của khu vực.

Theo ông Van Beurden: Ngành công nghiệp châu Âu chịu tác động lớn khi cuộc khủng hoảng năng lượng trở nên trầm trọng. Quan chức Shell nhấn mạnh: Châu Âu đã giảm tiêu thụ khí đốt “khá nhiều, khá hiệu quả” sau khi mất nguồn cung 120 triệu tấn khí đốt/năm từ Nga, song chủ yếu giảm tiêu thụ nhờ cắt giảm hoạt động công nghiệp.

Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu gây ra hậu quả đáng sợ như thế nào? - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Châu Âu đang nỗ lực để nhanh chóng tìm nguồn cung thay khí đốt của Nga trong khi sẽ cần lượng lớn khí đốt trong nhiều thập kỷ. Theo CEO Van Beurden, "Lục địa Già" có thể giảm tiêu thụ khí đốt bằng cách giảm nhu cầu sử dụng, tuy nhiên “việc hợp lý hóa công nghiệp” này sẽ đem lại những rủi ro trong dài hạn.

Ông cảnh báo việc cắt giảm đột ngột nguồn cung trong ngành công nghiệp vào thời điểm kinh tế nhìn chung đang khó khăn như hiện nay sẽ gây ra khá nhiều sức ép đối với các nền kinh tế cũng như nhiều sức ép đối với hệ thống chính trị tại châu Âu.

Cảnh báo trên được đưa ra tại buổi lễ ký thỏa thuận Shell tham gia dự án khí đốt lớn tại Qatar. CEO Van Beurden đã ký thỏa thuận mua 9,3% cổ phần trong dự án North Field South của tập đoàn Qatar Energy.

Tập đoàn có trụ sở tại Anh là doanh nghiệp châu Âu thứ hai sau tập đoàn TotalEnergies (Pháp) có cổ phần trong North Field South. Tổng cộng 25% cổ phần dự án dành cho các “đại gia” năng lượng nước ngoài.

Dự án này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực của Qatar nhằm tăng 50%sản lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lên khoảng 127 triệu tấn/năm trong 5 năm tới.

Hệ lụy của khủng hoảng năng lượng

Hóa đơn tiền điện tăng cao, chi phí sinh hoạt tăng phi mã và một mùa đông phải lựa chọn giữa “ăn uống hoặc sưởi ấm” đang là thực tế mà người dân châu Âu phải đối mặt.

Về mặt đời sống: Giá năng lượng tăng cao tạo ra một gánh nặng tài chính rất lớn lên các hộ gia đình. Từ khoảng vài tuần qua, tại Anh đã xuất hiện phong trào không trả hoá đơn năng lượng (Don’t pay UK), một phong trào bất tuân dân sự nhằm phản đối việc giá năng lượng sẽ tăng quá cao trong thời gian tới. Phong trào này hiện đã thu hút hơn 100.000 người tham gia và mục tiêu là sẽ lôi kéo được 1 triệu người phản đối trả hoá đơn tiền điện hay khí đốt, qua đó gây sức ép buộc chính phủ Anh thay đổi chính sách.

Hiện nay, tính trung bình mỗi hộ gia đình người dân Anh chi khoảng 10% thu nhập cho khí đốt và điện, con số đã tăng gấp đôi so với năm 2021. Và với thực tế là hoá đơn điện sẽ tăng khoảng 80% từ tháng 10 tới, chắc chắn gánh nặng tài chính với các hộ gia đình tại Anh sẽ ngày càng lớn hơn. Rất nhiều nước khác tại châu Âu đã và đang rơi vào tình cảnh giống Anh bởi rất ít chính phủ các nước này có các chính sách bảo vệ người tiêu dùng trước bão giá năng lượng.

Việc giá năng lượng tăng cao, như phân tích ở trên, cũng là nguyên nhân lớn nhất đẩy lạm phát tại các nước châu Âu lên mức cao nhất trong 3-4 thập kỷ qua. Lạm phát khiến chi phí sinh hoạt gia tăng, sức mua giảm sút nên hệ luỵ trực tiếp là chất lượng sống của người dân châu Âu suy giảm, thậm chí đối với nhiều hộ gia đình nghèo tại châu Âu, khủng hoảng năng lượng hiện nay là mối đe doạ sống còn trong mùa Đông tới.

Về mặt kinh tế: Khủng hoảng năng lượng đe doạ mọi lĩnh vực kinh tế. Khi nguồn khí đốt từ Nga bị cắt giảm, châu Âu hiện đang gấp rút tìm kiếm các nguồn thay thế, trong đó một lượng lớn là khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) nhập từ các nước như Mỹ, Qatar… Nhưng vấn đề ở đây là LNG mà châu Âu nhập từ Mỹ hiện quá đắt đỏ, đắt gấp 10 lần so với mức giá trung bình trong 1 thập kỷ qua và cũng đắt gấp khoảng 10 lần so với giá tại Mỹ.

Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu gây ra hậu quả đáng sợ như thế nào? - Ảnh 2
Nga dừng vô thời hạn hoạt động của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đẩy châu Âu cận kề bờ vực suy thoái và có nguy cơ gây tổn hại lâu dài cho các doanh nghiệp sản xuất ở khu vực này. (Ảnh: Ksenia Kuleshova/The Wall Street Journal).

Một số chuyên gia kinh tế nhận định: Việc châu Âu sắp cấm toàn bộ dầu mỏ của Nga và hiện đang cắt giảm lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga để chuyển qua mua LNG của Mỹ cũng tương tự như việc châu Âu phải đi mua dầu mỏ với giá 500 USD/thùng. Con số này thậm chí còn có thể cao hơn nữa trong những tháng tới, khi mùa Đông khiến nhu cầu năng lượng tại châu Âu tăng cao.

Với mức giá năng lượng nhập khẩu cao như thế, rất nhiều công ty châu Âu đã phải cắt giảm sản xuất, thậm chí là đóng cửa nhà máy vì càng hoạt động sẽ càng thua lỗ. Mức giá năng lượng đó cũng khiến các công ty châu Âu suy giảm khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác. Hậu quả trước mắt là sản xuất sụt giảm, đình trệ, thất nghiệp gia tăng còn về lâu dài thì sẽ là việc đánh mất khả năng cạnh tranh, thậm chí là phá sản. 

Giải pháp của châu Âu

Mùa đông đang đến gần, khả năng Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt có thể xảy ra. Rõ ràng không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu sẽ sớm được cải thiện.

Hiện nay mỗi nước châu Âu đều đang gấp rút tìm các giải pháp khẩn cấp cho riêng mình. Trong tuần này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thăm Canada, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Algeria, trong đó một chủ đề quan trọng của các chuyến thăm là vấn đề năng lượng.

Đức muốn mua nhiều LNG hơn từ Canada còn Pháp cũng muốn Algeria cung cấp nhiều khí đốt hơn cho Pháp và châu Âu. Hồi tháng 07/2022, ngay trước khi chính phủ liên minh sụp đổ, Thủ tướng Italy, ông Mario Draghi còn dẫn một phái đoàn rất đông quan chức cấp cao và doanh nghiệp Italy sang Algeria để ký các hợp đồng hàng tỷ euro mua khí đốt của Algeria.

Trong vài tháng qua, các nước châu Âu đều đang “tự thân vận động”, mỗi nước tự tìm cách lo nhu cầu năng lượng của mình, thậm chí Hungary còn đẩy mạnh việc mua dầu mỏ và khí đốt của Nga, dù bị các nước châu Âu khác phản đối.

Việc các nước EU tự tìm kiếm các nguồn cung cho mình đã và đang gây ra các bất đồng trong khối khi một số nước, điển hình là Đức, đã bị các thành viên khác chỉ trích là đã hành động “ích kỷ” khi nhanh tay thu gom các hợp đồng năng lượng từ các nơi mà không để ý đến lợi ích của các thành viên EU khác. Bối cảnh này gợi nhớ lại các bất đồng gay gắt giữa các nước EU khi tranh nhau mua khẩu trang, vật tư y tế trong giai đoạn đầu đại dịch Covid-19 đầu năm 2020. 

Nhằm tránh kịch bản này tái diễn, Uỷ ban châu Âu cũng đã có một số động thái liên kết các nước, như việc tổ chức lại mô hình cùng mua chung khí đốt, giống như khi cùng mua chung vaccine ngừa Covid-19, hoặc dự tính áp đặt biện pháp tiết kiệm năng lượng bắt buộc với tất cả các nước thành viên EU, qua đó san sẻ gánh nặng giữa các nước. Uỷ ban châu Âu cũng tìm kiếm các hợp đồng năng lượng từ nhiều nước khác, như mua khí đốt từ Azerbaijan…

Tuy nhiên, đến thời điểm này tất cả các biện pháp này đều chưa hiệu quả, nỗi lo sợ về một mùa Đông thảm hoạ vẫn đang lan tràn tại hầu hết các nước châu Âu. Điều này bắt buộc EU phải có nhiều cuộc họp Thượng đỉnh năng lượng khẩn cấp trong thời gian tới và khi châu Âu vẫn đang rất chật vật để tìm các nguồn cung lớn và ổn định để thay thế dầu mỏ và khí đốt của Nga như hiện nay thì châu Âu bắt buộc phải đẩy nhanh việc bàn thảo về cơ chế trợ giúp khẩn cấp lẫn nhau.

Hiện tại, EU đang duy trì cơ chế phản ứng nhanh giữa các nhóm nước lân cận, tức trong trường hợp 1 nước bị thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng, các nước láng giềng sẽ có nghĩa vụ hỗ trợ cho nước đó. Nhưng cơ chế này cũng đặt ra rất nhiều hoài nghi bởi hiện hầu hết các nước EU đều chưa tích trữ đủ nguồn năng lượng dự trữ cho mùa Đông nên không nước nào thực sự sẵn sàng trợ giúp nước khác. Ví dụ như Pháp, hiện đã dự trữ trên 90% lượng khí đốt cho mùa Đông, nhưng chính phủ Pháp cho rằng trong trường hợp khẩn cấp cũng chỉ có thể cung cấp cho Đức 5% trong số này, dù Đức đang là nước đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất.

An Như

Bạn đang đọc bài viết Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu gây ra hậu quả đáng sợ như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới