Thứ sáu, 29/03/2024 06:54 (GMT+7)
Thứ ba, 02/07/2019 15:37 (GMT+7)

Không chủ quan trong ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Theo dõi KTMT trên

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh tại cuộc họp chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới vào sáng 2/7.

Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão và di chuyển về phía đất liền nước ta, ảnh hưởng trực tiếp gây gió mạnh ở vùng ven biển, mưa rất lớn, lũ quét, sạt lở đất trên khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong ngày 03 - 04/7, thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp chỉ đạo ứng phó với ATNĐ.

Chủ trì cuộc họp Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp và Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai ông Trần Quang Hoài. Tham gia có đại diện Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và PTNT (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Thủy lợi).

Theo báo cáo của các đại biểu tham dự cuộc họp, các Bộ ngành thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến và có công điện chỉ đạo ứng phó với ATNĐ và mưa lớn. Tại các tỉnh, thành phố trong vùng có khả năng ảnh hưởng cũng đã có công điện để ứng phó với ATNĐ. Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đã phối hợp với địa phương tổ chức kiểm đếm, thông báo hướng dẫn cho các chủ tàu thuyền để chủ động phòng tránh; có 7.886 tàu/39.738 người đang hoạt động trên biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh; 20.755 tàu/63.529 người neo đậu tại các bến; 3.526 lồng bè, lều, chòi canh/4.654 người. Tổng cục Thủy lợi rà soát đảm bảo an toàn hệ thống hồ chứa và công trình thủy lợi đặc biệt các công trình đang thi công. Tổng cục Phòng chống thiên tai rà soát kiểm tra đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều.

Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết trước diễn biến phức tạp của ATNĐ, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công điện số 05/CĐ-TW ngày 01/7/2019 chỉ đạo Bộ ngành địa phương ứng phó với ATNĐ và mưa lớn, tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng chống thiên tai Cao Bằng, Lạng Sơn (27-28/6), Hà Giang, Tuyên Quang (1-3/7), ông Trần Quang Hoài yêu cầu tăng cường công tác thông tin tới chính quyền và người dân đặc biệt khu vực miền núi, khu vực vùng sâu vùng xa, khu du lịch, biển và hải đảo. Trong ngày 2/7, Tổng cục Phòng chống thiên tai sẽ cử đoàn công tác kiểm tra hệ thống đê biển đê sông tại Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.

Không chủ quan trong ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão - Ảnh 1
Ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương không được chủ quan, thực hiện nghiêm công điện số 05/CĐ-TW của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, tăng cường công tác trực ban theo dõi diễn biến tình hình để có ứng phó kịp thời; Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo chính xác về diễn biến bão và thông tin dự báo cảnh báo tới các địa phương, đặc biệt đối với khu vực miền núi phía Bắc có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất cần có các thông tin cảnh báo 72h, 48h, 24h tới cấp huyện; Đảm bảo công tác an toàn tàu thuyền, lồng bè đặc biệt tại khu vực neo đậu, tránh trú an toàn, khu nuôi trồng thủy hải sản, các khu du lịch; có phương án đảm bảo công tác tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong trường hợp mưa lớn cực đoan; có giải pháp kiểm tra đảm bảo an toàn hồ chứa, hệ thống đê điều và công trình thủy lợi đặc biệt các công trình đang thi công; Bộ Ngoại giao chủ động liên hệ với các nước trong khu vực hỗ trợ cho ngư dân tránh trú an toàn trong tình huống khẩn cấp.

Ngày 2/7, ở Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, riêng khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông (lượng mưa phổ biến 30-70mm/12 giờ, có nơi trên 100mm/12 giờ). Khu vực Hà Nội có mưa, có lúc mưa vừa, mưa to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều ngày 1/7 vùng thấp trên biển Đông đã mạnh lên thành ATNĐ.

Không chủ quan trong ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão - Ảnh 2
Không chủ quan trong ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão - Ảnh 3
Không chủ quan trong ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão - Ảnh 4
Đại diện các cơ quan phát biểu tại cuộc họp

Hồi 1h ngày 2/7, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Bắc Đông Bắc.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 1h ngày 3/7, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, trên bờ phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm. Đến 1h ngày 04/7, vị trí tâm bão ở khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Cảnh báo: Diễn biến của ATNĐ/bão sẽ rất phức tạp, có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta, ảnh hưởng trực tiếp gây gió mạnh ở vùng ven biển, mưa rất lớn, lũ quét, sạt lở đất trên khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong khoảng ngày 3-4/7.

Từ đêm 2/7 đến ngày 4/7, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 100-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt); ngày 3-4/7, vùng núi Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt); từ đêm nay đến ngày 3/7, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt).

Cảnh báo: Trên các sông suối khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-5m. Mực nước đỉnh lũ trên sông Thao có khả năng đạt BĐ1, các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh còn dưới BĐ1.

Khu vực Bắc miền Trung, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ do nghẽn dòng, lũ bùn, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh vùng núi phía Bắc, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa đến Quảng Bình. Rủi ro thiên tai: cấp 1.

Theo VTV.vn

Bạn đang đọc bài viết Không chủ quan trong ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội dự kiến xây đường tàu dọc 2 bờ sông Hồng
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Thủ đô sẽ nghiên cứu hệ thống xe buýt hiện đại hoặc tuyến monorail (hệ thống đường tàu một ray) chạy ven 2 bờ sông Hồng để kết hợp du lịch, cảnh quan.

Tin mới

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.
ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.