“Khát” vốn cho bất động sản, Tập đoàn FLC sẽ phát hành 300 triệu cổ phiếu
Đợt phát hành cổ phiếu này sẽ giúp Tập đoàn FLC nâng vốn điều lệ lên thêm 42,2% so với hiện tại, vượt mốc 10.000 tỷ đồng. Dù vậy, cổ đông lo ngại giá cổ phiếu sẽ “lạc trôi” về đâu khi thị giá FLC chỉ còn hơn 5.000 đồng/CP, giảm 25,5% trong 1 năm qua.
Phát hành cổ phiếu giá 10.000 đồng/CP
Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn FLC (mã: FLC) vừa có nghị quyết số 45/2019/NQ-HĐQT thông qua phương án phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ năm 2019. Cụ thể, FLC dự kiến phát hành khoảng 299,62 triệu cổ phần, với mệnh giá 10.000 đồng/CP. Tổng giá trị đợt phát hành là gần 3.000 tỷ đồng.
Đối tượng phát hàng là các cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phát hành 42,2%, tức là cổ đông sở hữu 1.000 cổ phần FLC sẽ được quyền mua 422 cổ phiếu phát hành thêm. Thời gian phát hành cụ thể sẽ được thông báo sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Sau phát hành, vốn điều lệ của Tập đoàn FLC sẽ vượt mốc 10.000 tỷ đồng, khối lượng hơn 1 tỷ cổ phiếu lưu hành.
Đây là đợt phát hành khối lượng lớn tiếp theo mà FLC dự kiến thực hiện sau 5 năm liên tục phát hành tăng vốn, gần nhất là nâng vốn lên 7.100 tỷ đồng vào năm 2018.
Trước đó, kế hoạch phát hành tăng vốn 3.000 tỷ lần này đã được Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 thông qua, song chưa thực hiện được. FLC muốn phát hành cổ phiếu để huy động vốn đầu tư Dự án quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình, là dự án trọng tâm triển khai trong năm qua. Tuy nhiên, sau đó tập đoàn dồn lực phát triển Bamboo Airways khiến dự án Quảng Bình bị chậm tiến độ, thiếu vốn, thi công ì ạch…
Trải qua nhiều đợt phát hành lớn, cổ phiếu FLC đã bị pha loãng mạnh, giá giảm sâu trong xu hướng đi xuống. Hiện, FLC chỉ còn 5.060 đồng/CP đóng cửa phiên 12/4/2019, giảm 25,5% trong vòng 1 năm qua.
Cổ phiếu FLC đối mặt nguy cơ bị pha loãng thêm sau đợt tăng vốn tới đây. Mức giá phát hành 300 triệu cổ phiếu cao gấp đôi thị giá FLC trên sàn thì liệu giới đầu tư có mặn mà mua thêm?
Tập đoàn FLC ồ ạt phát hành tăng vốn kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Từ mức vốn 25 tỷ đồng hồi năm 2010, đến nay FLC đã nâng vốn gấp 284 lần, vượt 7.100 tỷ đồng. Lần tăng vốn gần nhất là tháng 8/2018, FLC phát hành 27,3 triệu cổ phiếu (4% vốn) để chia cổ tức, với giá phát hành 10.000 đồng/CP, cao hơn 40% thị giá trên sàn. |
Thêm nữa, các đợt phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá 10.000 đồng/CP của Tập đoàn FLC trong quá khứ đã không suôn sẻ. Năm 2016, FLC đã chào bán 179,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/CP trong khi thị giá trên sàn chỉ quanh mức 5.600 – 6.200 đồng/CP. FLC chỉ bán được 23,6 triệu cổ phần, còn 156 triệu cổ phiếu bị “ế” đã bán tiếp cho 8 nhà đầu tư cá nhân, gồm: Nguyễn Thùy Trang, Hồ Thị Hiền, Trần Văn Toàn, Nguyễn Thị Hiên, Nguyễn Thị Phú, Trần Thị Mai Anh, Đàm Quang Cường và Nguyễn Quang Trung. 8 cá nhân này chỉ mua 84,6 triệu cổ phiếu FLC, tương ứng số tiền 846 tỷ đồng. Qua 2 lần chào bán, FLC chỉ thu về hơn 1.080 tỷ đồng.
Được biết, các cá nhân tham gia mua cổ phiếu FLC qua các đợt phát hành có một số người nằm trong danh sách nhận uỷ thác đầu tư tiền từ CTCP FLC Faros (mã: ROS) do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch. Giá trị ủy thác đầu tư còn lại đến 30/6/2016 là hơn 852 tỷ đồng.
Nợ chưa góp đủ vốn vào 19 công ty
Không chỉ tăng vốn ồ ạt, Tập đoàn FLC nhiều năm qua không ngừng xây dựng hệ thống doanh nghiệp thông qua việc lập mới, góp vốn, M&A hàng chục công ty con, công ty liên kết. Các công ty này cũng thực hiện tăng vốn nhanh chóng lên hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng như Công ty Xây dựng FLC Faros, Nông Dược HAI, Khoáng sản AMD, Liên doanh quốc tế KLF, FLC Land…
Một thông tin mới được hé lộ là Tập đoàn FLC đang còn thiếu khoảng 6.041 tỷ đồng là khoản vốn góp vào 19 công ty con và công ty liên kết. Số vốn góp bị thiếu thấp nhất là 500 triệu đồng, lớn nhất lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo BCTC hợp nhất năm 2018 (được kiểm toán bởi AASC), Tập đoàn FLC còn chưa thanh toán cho CTCP FLC Quy Nhơn Golf&Resort (FLC nắm 99,98%) số tiền góp vốn là 1.049 tỷ đồng, Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (thiếu 1.058 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV FLC Land (thiếu 950,8 tỷ đồng), Công ty TNHH FLC Samson Golf& Resort (thiếu 500 tỷ đồng), Công ty CP Rosland (thiếu 294 tỷ đồng), CTCP Đầu tư địa ốc Alaska (thiếu 487 tỷ đồng)…
Trong số này, Tập đoàn FLC sở hữu 100% vốn tại Công ty TNHH Hàng không Tre Việt – sở hữu hãng bay Bamboo Airways. Lúc đầu Tre Việt có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, sau đó FLC đã thực hiện nâng vốn lên 1.300 tỷ đồng và thay đổi Đăng kí kinh doanh (cấp đổi ngày 25/7/2018) ghi nhận mức vốn mới là 1.300 tỷ đồng. Thế nhưng, báo cáo tài chính năm 2018 cho thấy, đến thời điểm 31/12/2018, FLC mới chỉ góp có 358 tỷ đồng vào Tre Việt, chỉ bằng 1/3 số vốn đăng kí mới.
Tương tự, hàng chục công ty mà FLC sở hữu từ 47- 100% vốn cũng trong tình trạng mới chỉ góp một phần vốn, chưa góp đủ.
Trong hệ thống mạng lưới công ty họ “FLC”, từ lâu đã diễn ra hoạt động giao dịch chuyển nhượng cổ phần giữa các cá nhân, tổ chức thông qua các hình thức uỷ thác đầu tư, hợp tác kinh doanh, mua bán hàng hoá… tạo nên dòng chảy vốn luân chuyển, rất khó tách bạch nguồn gốc tiền.
Từ thực tế FLC và hàng chục công ty liên quan liên tục nâng vốn song FLC lại chậm trễ góp thiếu vốn hàng nghìn tỷ đồng, nhà đầu tư hoài nghi về nguồn tiền tăng vốn có thực chất hay vốn ảo, cũng như tính hợp pháp của các giao dịch nội bộ?
Năm 2018 Tập đoàn FLC ghi nhận tổng doanh thu 12.589 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu tài chính bất ngờ tăng 37% sau kiểm toán BCTC lên 893,5 tỷ đồng, nhờ đó lợi nhuận sau thuế tăng 22% lên 470 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối đến cuối kỳ là gần 1.542 tỷ đồng. Tổng tài sản chạm mốc 25.889 tỷ đồng, song tổng nợ phải trả cũng tăng lên 16.870 tỷ đồng. |
Hải Nam