Khai thác dầu mỏ và khí đốt: 'Chúng ta phải dừng lại'
“Không có kịch bản nào cho thấy chúng ta có thể vừa đốt cháy tất cả dầu mỏ và khí đốt vừa giữ cho mức nóng lên toàn cầu ở dưới 2 độ C - và chắc chắn không phải là 1,5 độ C. Điều đó là không thể, vì vậy chúng ta cần phải dừng lại”
Costa Rica và Đan Mạch đang đi đầu trong nỗ lực xây dựng liên minh ngoại giao đầu tiên nhằm kêu gọi ngừng, giảm sản lượng dầu mỏ và khí đốt trên toàn cầu. Điều này sẽ góp phần vào nỗ lực ngăn nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C.
Các nhà đồng lãnh đạo của sáng kiến, được gọi là “Liên minh Dầu khí” (BOGA), đang tìm cách thiết lập thời hạn chấm dứt sản xuất dầu khí để các nước tuân thủ Thỏa thuận Paris 2015. Hiệp ước ràng buộc pháp lý này nhằm hạn chế mức độ nóng toàn cầu xuống dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp - và tốt nhất là 1,5 độ C. Việc đáp ứng các điều kiện của hiệp định được công nhận rộng rãi là cực kỳ quan trọng để tránh một cuộc khủng hoảng khí hậu không thể đảo ngược.
Liên minh Dầu khí dự kiến sẽ chính thức ra mắt tại các cuộc đàm phán về khí hậu do Liên Hợp Quốc làm trung gian vào đầu tháng 11, một hội nghị thượng đỉnh được gọi là COP26.
Cho đến lúc đó, Costa Rica và Đan Mạch đang tìm cách thuyết phục càng nhiều quốc gia tham gia càng tốt, cùng họ trong việc chấm dứt sản xuất dầu khí.
Đây là thời điểm mà các nhà hoạch định chính sách đang phải chịu áp lực lớn để đáp ứng các yêu cầu của tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Việc đốt các nhiên liệu hóa thạch như dầu và khí đốt, là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu, tuy nhiên sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của thế giới dự kiến sẽ còn tồi tệ hơn trong những thập kỷ tới.
Phát biểu hôm thứ Năm trong một hội thảo trực tuyến do Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế tổ chức, Dan Jorgensen, Bộ trưởng phụ trách khí hậu, năng lượng và tiện ích của Đan Mạch, cho biết: “Các nghiên cứu khoa học cho thấy rõ ràng là chúng ta không thể thương lượng với tự nhiên.”
“Không có kịch bản nào cho thấy chúng ta có thể vừa đốt cháy tất cả dầu và khí đốt vừa giữ cho mức nóng lên toàn cầu ở dưới 2 độ - và chắc chắn không phải là 1,5 độ. Điều đó là không thể, vì vậy chúng ta cần phải dừng lại”, ông này cho biết.
Đan Mạch đã cam kết vào tháng 12 năm ngoái sẽ chấm dứt cấp phép việc thăm dò dầu khí ở Biển Bắc và sẽ chính thức chấm dứt sản xuất dầu khí vào năm 2050. Vào thời điểm đó, quốc gia này là nhà sản xuất dầu lớn nhất trong Liên minh châu Âu.
Những nghịch lý âm thầm về cam kết giảm phát thải
Andrea Meza, Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng của Costa Rica, cho biết hôm thứ Năm rằng một số đảng chính trị đối lập đang thúc đẩy chính phủ nước này xem xét sử dụng nguồn thu từ dầu và khí đốt để chi trả cho quá trình chuyển đổi năng lượng của họ. “Chúng tôi rất rõ ràng rằng đây không phải là con đường đúng đắn.”
Costa Rica, một quốc gia Trung Mỹ với khoảng 5 triệu dân, chưa bao giờ khai thác dầu. Hơn nữa, họ hiện đang xem xét một dự luật cấm vĩnh viễn việc thăm dò nhiên liệu hóa thạch để đảm bảo rằng không có chính phủ nào trong tương lai làm như vậy.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature ngày 9/9 cho thấy phần lớn trữ lượng nhiên liệu hóa thạch được biết đến trên thế giới phải được giữ trong lòng đất để có hy vọng ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Một nghiên cứu khác được công bố bởi Carbon Action Tracker hôm thứ Tư, cho thấy rằng không có nền kinh tế lớn nào trên thế giới hiện đang trên đường kiềm chế mức nhiệt toàn cầu đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris là 1,5 độ C.
Một nghịch lý ngầm được nêu ra là, nhiều chính phủ cam kết đưa mức phát thải về 0 trog năm 2050, tuy nhiên thực tế, họ vẫn đang âm thầm lên kế hoạch khai thác dầu và khí đốt để bán ra bên ngoài. Các quốc gia có thể kể đến như Mỹ, Canada, Na Uy và Anh…
“Bạn sẽ không tự đốt nó và bạn nghĩ những người khác cũng không nên, nhưng bạn sẽ kiếm tiền từ việc bán dầu mỏ cho các nước khác? Điều này không có ý nghĩa, ”ông Jorgensen cho biết thêm.
Công nghệ mở đường dẫn lối
Cựu giám đốc khí hậu của Liên Hợp Quốc Christiana Figueres mới đây cũng đã đề cập đến nhu cầu cấp thiết đối với các chính phủ về việc phải giảm đáng kể sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Bà dẫn chứng ô nhiễm không khí, nguyên nhân chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch, giết chết khoảng 7 triệu người trên thế giới mỗi năm.
Figueres nói, ngày càng có nhiều thành phố cấm sử dụng các phương tiện đốt bằng nhiên liệu hóa thạch có thể dẫn đến “sự diệt vong của dầu mỏ”. Bà nói, việc kết thúc sản xuất khí đốt có thể mất nhiều thời gian hơn vì nó được công nhận là nhiên liệu chuyển tiếp, nhưng vẫn không quá 20 đến 30 năm vì có những nhiên liệu thay thế sắp ra mắt trên thị trường, chẳng hạn như hydro và amoniac.
Nguyên Đỗ