Khai thác cát lậu: 7 cá nhân ở Nam Định bị xử phạt và gần 1 tỷ đồng
Mới đây UBND tỉnh Nam Định vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 7 cá nhân vì liên quan tới vụ việc khai thác cát lòng sông trái phép. Tổng số tiền là gần 1 tỷ đồng.
Cụ thể 7 cá nhân đã vi phạm vi phạm về việc cho thuê phương tiện, quy định về khai thác cát lòng sông không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
Ông Phạm Xuân Trường (sinh năm 1969, xã Xuân Phong, huyện Xuân Trường) bị xử phạt hơn 227,5 triệu đồng.
Bà Đỗ Kim Thoa (sinh năm 1978, phường Trường Thi, thành phố Nam Định) bị xử phạt 27,5 triệu đồng.
Ông Trần Văn Bằng (sinh năm 1973, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) bị phạt 175 triệu đồng.
Ông Phạm Văn Quyến (sinh năm 1969) và ông Phạm Tiến Dũng (sinh năm 1992) xã Xuân Phong, huyện Xuân Trường, mỗi người 180 triệu đồng.
Ông Trần Phú Cảm (sinh năm 1990, xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường) và ông Phạm Văn Ngữ *sinh năm 1975, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường), mỗi người 45 triệu đồng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, ông Phạm Xuân Trường đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính giao người không có chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, vi phạm quy định về khai thác cát lòng sông mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ban đầu ông Phạm Xuân Trường giao cho Phạm Tiến Dũng và Phạm Văn Quyến không có chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện tàu vỏ sắt.
Sau đó thuê Dũng, Quyết và Bằng khai thác cát lòng sông mà không có giấy phép. Khối lượng cát khai thác trái phép là 1.807,6m3.
Ông Phạm Xuân Trường còn bị xử phạt về hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Nguyên nhân là do trước đó ông đã bán 900m3 cát khai thác trái phép cho ông Phạm Văn Ngữ với giá 148,5 triệu đồng và ông Trần Phú Cảm 633,7m3 cát có giá 104.560.500 đồng.
Với các hành vi trên, tổng số tiền ông Phạm Xuân Trường bị phạt là 227,5 triệu đồng, tịch thu tang vật và một phương tiện thủy đã sử dụng để khai thác khoáng sản trái phép.
Buộc nộp lại 119.658.000 đồng, số tiền tương đương giá trị tang vật là khoáng sản có được do thực hiện hành vi vi phạm với số lượng cát đã bị thất thoát khi bán cho ông Phạm Văn Ngữ không thu hồi lại được.
Nộp 10.285.000 đồng từ số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh
Ngoài ra, bà Đỗ Kim Thoa bị phạt hành chính 27,5 triệu đồng khi cho ông Phạm Xuân Trường thuê tàu vỏ sắt không đủ điều kiện hoạt động theo quy định và không có đăng ký phương tiện.
Các ca nhân có thời hạn 10 ngày (kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt) để khắc phục hầu quả. Nếu vượt quá thời hạn và chưa chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 48 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (thay thế cho Nghị định 33/2017/NĐ-CP) quy định: Hành vi vi phạm về khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bị xử phạt từ 20.000.000 đồng – 200.000.000 đồng (tương ứng khoáng sản đã khai thác trái phép dưới 10m3 đến trên 50m3).
Đồng thời, tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền; tịch thu phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Buộc cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác về trạng thái an toàn; đền bù, trả kinh phí khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của công trình dân dụng do hành vi vi phạm gây ra...
Nhật Hạ