Khai mạc Hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN về môi trường lần thứ 15
Tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới và ô nhiễm không khí đô thị là những vấn đề "nóng" sẽ được đặt lên bàn nghị sự AMME 15 vừa khai mạc ngày 8/10 tại Siem Reap, Campuchia.
Quang cảnh phiên khai mạc. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN |
Ngày 8/10, Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 15 của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về môi trường (AMME 15) và Hội nghị ASEAN lần thứ 15 về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới cùng các hội nghị liên quan đã khai mạc tại thành phố Siem Reap (Xiêm Riệp), Campuchia.
Theo phóng viên TTXVN có mặt tại Siem Reap, Bộ trưởng các nước ASEAN cùng 3 quốc gia gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) thảo luận về một loạt các vấn đề “nóng” của khu vực, trong đó có tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới đang tác động nghiêm trọng đến nhiều nước. Ô nhiễm không khí đã lên tới các mức độ nguy hiểm ở Indonesia, Malaysia, Singapore, Brunei, Thái Lan sau các vụ cháy rừng tại Indonesia.
Đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam do Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân dẫn đầu tham dự các hội nghị.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Môi trường Campuhia Sam Samal khẳng định thông qua Hội nghị AMME 15 và các hội nghị liên quan, các nước ASEAN+3 sẽ tăng cường thảo luận, chia sẻ các ý tưởng và đánh giá lại việc hợp tác trong một loạt khu vực các vấn đề môi trường khu vực, đặc biệt là các biện pháp liên quan tới yêu cầu bền vững môi trường trong Kế hoạch Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC) nhằm đạt được các mục tiêu trong 7 ưu tiên chiến lược về môi trường; tìm kiếm các sáng kiến mới nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác môi trường trong khu vực.
Dự kiến sau các hội nghị tại Siem Reap, các nước ASEAN sẽ xem xét và thông qua các khuyến nghị từ Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN về môi trường lần thứ 30 (diễn ra từ ngày 8-12/7/2019) vốn được coi là tuyên bố chung của ASEAN tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 25 (UNFCCC COP 25), diễn ra từ ngày 2-13/12 tới tại Chile; Đề cử các công viên di sản của ASEAN và Kế hoạch chiến lược về môi trường ASEAN (ASPEN).
Trao đổi với phóng viên TTXVN về dự thảo tuyên bố chung của ASEAN tại Hội nghị UNFCCC COP 25, Vụ trưởng Vụ các vấn đề Văn hóa-Xã hội ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan, bà Wanalee Lohpechtra cho rằng đây sẽ là thông điệp chính thức mạnh mẽ của ASEAN tới cộng đồng quốc tế về vấn đề biến đổi khí hậu, cách thức mà ASEAN sẽ chung tay để đối phó với vấn đề mang tính toàn cầu, thành lập nhóm công tác về giảm phát thải khí carbon trong khu vực.
Cũng tại AMME 15, Ban tổ chức sự kiện sẽ trao các giải thưởng trong khuôn khổ Chương trình giải thưởng sinh thái trường học ASEAN lần thứ 3 và Chương trình giải thưởng nhà vô địch trẻ bảo vệ sinh thái ASEAN.
Đây là một phần trong Sáng kiến ASEAN Xanh nhằm tái tạo không gian xanh và khôi phục hệ sinh thái rừng, nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của đa dạng sinh học, khuyến khích sự tham gia của công chúng, đầu tư của khu vực công và tư nhân vào quản lý đa dạng sinh học, đảm bảo những chính sách và chiến lược của khu vực được sự ủng hộ của giới trẻ và cộng đồng.
Liên quan tới vấn đề ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, người phát ngôn Bộ Môi trường Campuchia Neth Pheaktra khẳng định đây là vấn đề được các đại biểu tham dự AMME đặc biệt quan tâm và các bộ trưởng sẽ bàn phương hướng tạo một cơ chế chung kiểm soát vấn đề này.
Ông Neth Pheaktra nói: “Campuchia sẽ đề xuất thành lập các lực lượng chung thuộc các nước thành viên khối cùng hỗ trợ đối phó với nạn cháy rừng xảy ra ở bất cứ quốc gia ASEAN nào. Nếu xảy ra cháy rừng, ASEAN sẽ cùng đối phó để giảm ô nhiễm khói mù, thay vì chỉ đổ lỗi cho nước nào đó và yêu cầu quốc gia đó đơn phương xử lý.”
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Campuchia, Đại diện cao cấp của Thủ tướng Hun Sen dự AMME 15, tiến sỹ Aun Pornmoniroth cho biết điều quan trọng là sự phối hợp, chung tay cùng giải quyết vấn đề trong khối ASEAN.
Bộ trưởng Aun Pornmoniroth nhận định: “ASEAN cũng không tránh khỏi ảnh hưởng và rủi ro của biến đổi khí hậu và các thảm họa liên quan. Khu vực của chúng ta được coi là một trong những khu vực dễ chịu tác động của thảm họa nhất trên thế giới. Thực tế cho thấy, nhiều nước thành viên ASEAN phải đối mặt với hạn hán, bão lụt, và cháy rừng. Do đó, biến đổi khí hậu không phải là trách nhiệm của một quốc gia nào đó mà là vấn đề và trách nhiệm của tất cả chúng ta.”
Bộ trưởng Aun Pornmoniroth đã nêu một số phương hướng chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi như trường như: Củng cố việc điều hành, quản lý và tăng cường nguồn lực trong giải quyết vấn đề cháy rừng, ô nhiễm do khói bụi qua biên giới; ASEAN cần bảo đảm lên kế hoạch sử dụng đất đai, quản lý rừng bền vững; Campuchia vui mừng trước việc thành lập Trung tâm điều hành ASEAN về ô nhiễm do khói bụi qua biên giới (ACC-THPC) sẽ được đặt trụ sở tại Indonesia; Đẩy nhanh việc hoàn tất soạn thảo Kế hoạch chiến lược ASEAN về môi trường để biến Kế hoạch cộng đồng xã hội-văn hóa ASEAN 2025 trở thành kế hoạch hành động ngày càng chi tiết;
Đẩy mạnh nỗ lực chung trong việc nâng cao hiểu biết về bảo vệ môi trường và đã dạng sinh học thông qua việc công nhận nỗ lực bảo tồn thiên nhiên; Tăng cường hợp tác giữa ASEAN và đối tác trong giải quyết vấn đề rác thải biển; Coi trọng vai trò của người dân trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tăng cường giáo dục nâng cao hiểu biết về những vấn đề này ở mỗi quốc gia và toàn khu vực.