Thứ sáu, 19/04/2024 09:49 (GMT+7)
    Chủ nhật, 24/10/2021 06:45 (GMT+7)

    Hướng phát triển khu trung tâm TP.HCM

    Theo dõi KTMT trên

    Khu trung tâm 930 ha sẽ thành 5 phân khu để quản lý kiến trúc, trong đó chú trọng phát triển không gian ngầm ở đường Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng, công viên Bạch Đằng, Mê Linh với nhiều tầng.

    Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH&KT) vừa trình dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM để lấy ý kiến của các Sở, ngành. Trong đó, khu trung tâm mới của TP.HCM bao gồm khu vực nội thành hiện hữu 930 ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm.

    Đơn vị này xác định, khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ là khu trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của trung tâm TP.HCM. Đây là khu có chức năng là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của TP.HCM và khu vực, đồng thời là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí. Ngoài ra, khu Thủ Thiêm sẽ đảm nhiệm một số chức năng mà trung tâm hiện hữu 930 ha còn hạn chế phát triển.

    Đối với khu trung tâm hiện hữu 930 ha được chia thành 5 phân khu để quản lý kiến trúc. Cụ thể, tại khu trung tâm 930 ha (gồm một phần các quận 1, 3, 4, Bình Thạnh) sẽ phát triển không gian ngầm ở đường Nguyễn Huệ với nhiều tầng. 

    Hướng phát triển khu trung tâm TP.HCM - Ảnh 1
    Khu trung tâm mới TP.HCM sẽ bao gồm khu hiện hữu 930 ha (bên trái) và khu đô thị mới Thủ Thiêm (bên phải).

    Tầng hầm thứ nhất tạo hành lang cho người đi bộ kết nối các khu vực lân cận như Nhà hát Thành phố, khu công viên dọc sông Sài Gòn. Tại các điểm nút giao của khu vực này sẽ có các quảng trường và ki ốt diện tích tối đa 60 m2, các cầu thang để người dân đến trung tâm thương mại ngầm. 

    Hành lang dành cho người đi bộ được bố trí đài phun nước, công viên mini... phục vụ nhu cầu khách giải trí, thư giãn. Tầng thứ hai và ba sẽ làm bãi giữ xe.

    Sở QH&KT TP.HCM dự định sẽ thực hiện dấu ấn kiến trúc Đông Dương mang nhiều giá trị nghệ thuật nổi bật sẽ là những điểm nhấn kiến trúc quan trọng, cùng với các dấu ấn của kiến trúc hiện đại, đương đại phản ánh sự hội nhập năng động với các trào lưu trên thế giới, góp phần tạo nên diện mạo chung cho kiến trúc TP.HCM.

    Ngoài ra, dự thảo quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP.HCM còn thể hiện tuyến phố đi bộ thứ 2 của Thành phố là đường Đồng Khởi, kéo dài từ Công xã Pari đến đường Tôn Đức Thắng.

    Khu vực phát triển đô thị dọc tuyến metro số 1 được chia thành 10 phân khu với những đặc điểm thiết kế và chức năng đặc trưng riêng…

    Ngoài ra, dự thảo quy chế quản lý kiến trúc đô thị cũng có những nội dung thiết kế riêng cho từng khu vực đặc trưng của TP như khu đô thị Tây Bắc, khu đô thị Nam Sài Gòn, Thanh Đa, thiết kế đối với nhà ở riêng lẻ…

    Hướng phát triển khu trung tâm TP.HCM - Ảnh 2
    Tầng hầm metro trạm Ba Son.

    Chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn nhận định quy chế quy hoạch mà Sở QH&KT xây dựng là bước khởi đầu tốt cho kế hoạch xây dựng không gian ngầm của TP.HCM. 

    “Thêm không gian ngầm không có nghĩa là kéo thêm người dân hội tụ về, gây ngột ngạt khu vực trung tâm. Cần hiểu, tăng không gian ngầm, tăng cao ốc sẽ song song với việc kéo giảm lượng xe cá nhân, khuyến khích di chuyển bằng giao thông công cộng. Điều này phù hợp với định hướng dài hạn ưu tiên giao thông công cộng, ưu tiên người đi bộ, giảm xe cá nhân vào khu vực trung tâm. 

    Nếu làm đúng cách, không gian ngầm này sẽ tận dụng không gian ngầm của metro trở thành một không gian thân thiện cho người đi bộ, đúng với định hướng của TP.HCM trong tương lai”, ông Sơn phân tích.

    Tuy nhiên, ông Sơn cũng lưu ý, xây dựng không gian ngầm chắc chắn sẽ ảnh hưởng không gian thoát nước phía dưới. Cần sớm có đánh giá tác động môi trường để xử lý. Hiện bản quy hoạch mới bàn đến không gian ngầm cho đô thị mà chưa nói đến hồ điều tiết ngầm. Tất cả cần có tính đến hồ điều tiết ngầm, khi lượng mưa lớn sẽ hút vào và thoát từ từ ra sau. 

    Đặc biệt, việc xây dựng đường hầm Tôn Đức Thắng sẽ như một con đê dưới lòng đất, chắn ngang hướng thoát nước. Nước chảy tới đó bị chặn lại, nếu không giải quyết sẽ làm ngập phía trên.

    KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, đánh giá về cơ bản, dự thảo quy chế quy hoạch không gian ngầm của Sở QH&KT khá hoàn thiện, xác định được các không gian ngầm quan trọng và gắn kết các công trình xung quanh. Đó là những không gian TP.HCM đã nghiên cứu kỹ, là đất công, vấn đề kỹ thuật đều xử lý được. 

    Những không gian ngầm đều có giá trị hữu dụng đối với các khu vực xung quanh, là động lực để phát triển kinh tế. Vấn đề là cần đẩy nhanh các bước triển khai chi tiết bởi nhu cầu xây dựng không gian ngầm của TP.HCM là cấp bách.

    Nguyễn Thu (t/h)

    Bạn đang đọc bài viết Hướng phát triển khu trung tâm TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới