Hơn 845 tỉ đồng hỗ trợ cho hàng nghìn đối tượng khó khăn tại Hà Nội
Tính từ tháng 7/2021 đến ngày 3/9, tổng kinh phí Hà Nội hỗ trợ an sinh xã hội cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 845,951 tỉ đồng.
Thông tin từ Sở LĐTB&XH Hà Nội, tính đến cuối ngày 3/9, Thành phố đã hỗ trợ an sinh xã hội cho 103.466 lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do), với số tiền hơn 155 tỉ đồng.
Trong đó, số lao động tự do đã nhận kinh phí hỗ trợ là 80.115 người, với số tiền hơn 120 tỉ đồng (1,5 triệu đồng/người). Các Quận, huyện Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Ba Đình, Tây Hồ, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Đống Đa đã phê duyệt và thực hiện tương đối nhanh nhóm chính sách này.
Ngoài nhóm lao động tự do, Hà Nội đã triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, có hơn 1,616 triệu người lao động, người sử dụng lao động với kinh phí hơn 392 tỉ đồng.
Đến thời điểm này, Hà Nội đã có 1,58 triệu người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận với chính sách, nguồn lực trợ giúp với số tiền gần 330 tỉ đồng.
Về các chính sách đặc thù của Thành phố, các Sở, ngành, địa phương đã có quyết định hỗ trợ trực tiếp về tiền mặt cho 283.785 người, hộ kinh doanh với kinh phí là 285,387 tỉ đồng.
Trong đó, hỗ trợ cho 282.650 người thuộc đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội (trừ một số trường hợp đặc biệt) với số tiền hơn 282 tỉ đồng. Hiện toàn Thành phố có 29/30 Quận, huyện báo cáo đã hoàn thành chi trả hỗ trợ đối với 3 nhóm đối tượng này (chỉ còn huyện Thanh Trì là cơ bản hoàn thành).
Về các chính sách hỗ trợ khác đang được các cơ quan chức năng nỗ lực triển khai là hỗ trợ người lao động, chủ cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Đến nay, 7/30 Quận, huyện, thị xã đã phê duyệt hỗ trợ số tiền 1,16 tỉ đồng cho 498 người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có ký hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng, các Quận, huyện, thị xã huy động nhiều nguồn lực xã hội để hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho 533.804 lượt người, hộ gia đình còn khó khăn trên địa bàn ổn định cuộc sống với số tiền 164,797 tỉ đồng...
Như vậy, tính từ tháng 7/2021 đến ngày 3/9, tổng kinh phí Hà Nội hỗ trợ an sinh xã hội cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 845,951 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước là 677,722 tỉ đồng; nguồn vận động xã hội hóa để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 168,228 tỉ đồng.
Liên quan đến việc triển khai chính sách hỗ trợ trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung lưu ý, cần tập trung đến người lao động, lao động tự do và người yếu thế, các địa phương cần xác định an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên. Đặc biệt nhấn mạnh đến ý thức trách nhiệm của người đứng đầu, nhất quyết không để xảy ra tình trạng “nóng trên lạnh dưới”.
Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các chính sách hỗ trợ, nhất là các nhóm chính sách hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương là vùng cam, vùng đỏ cần hỗ trợ người dân cái ăn, cái mặc. Đối với vùng xanh cần tập trung giải quyết ngay các chính sách hỗ trợ, không được chờ đợi.
Lan Anh (T/h)