Thứ bảy, 23/11/2024 21:39 (GMT+7)
Thứ năm, 10/10/2024 17:04 (GMT+7)

Hơn 11.600 tỷ đồng sẽ được chi trả để bồi thường bảo hiểm do bão số 3

Theo dõi KTMT trên

Tỉnh đến ngày 7/10, tổng số tiền ước tính thiệt hại và chi trả quyền lợi bảo hiểm do cơn bão số 3 và lũ lụt gây ra tạm thời lên tới khoảng 11.627 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính cho biết, thống kê đến ngày 7/10, dự kiến tổng số tiền doanh nghiệp bảo hiểm chi trả cho người dân, doanh nghiệp thiệt hại cơn bão số 3 và ngập lụt sau đó khoảng 11.627 tỷ đồng.

Số tiền này được thống kê từ 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ghi nhận 73 trường hợp tử vong và thương tật, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước tính 19,8 tỷ đồng. Đến nay, doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng 14,4 tỷ đồng.

Hơn 11.600 tỷ đồng sẽ được chi trả để bồi thường bảo hiểm do bão số 3 - Ảnh 1
Hơn 11.600 tỷ đồng sẽ được chi trả để bồi thường bảo hiểm do bão số 3.

Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp đã tiếp nhận khoảng 13.847 thông tin thiệt hại (bảo hiểm tài sản, xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe), với tổng thiệt hại hơn 11.607 tỷ đồng. Đến nay, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tạm ứng tổng số tiền bồi thường 108,3 tỷ đồng.

“Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe có 41 vụ, tương đương số tiền bảo hiểm 2,9 tỷ đồng; nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật hơn 5.700 vụ, thiệt hại 11.205 tỷ đồng; nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới hơn 7.500 vụ, thiệt hại 209 tỷ đồng và nghiệp vụ như bảo hiểm thân tàu 552 vụ, ước tính 189 tỷ đồng”, Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm cho biết.

Theo đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau đó đã tạo ra không ít khó khăn và thách thức đối với ngành bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm phải đối mặt với áp lực lớn trong việc giám định, xác minh thiệt hại và nhanh chóng chi trả cho người thụ hưởng. Tuy nhiên, ngành bảo hiểm đã kịp thời triển khai các biện pháp khắc phục nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, cơ quan này đã và đang tiếp tục chỉ đạo, giám sát sát sao các doanh nghiệp bảo hiểm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp này tăng cường hoạt động tại những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề. Điều này giúp đảm bảo các đối tượng tham gia bảo hiểm có thể nhận được sự hỗ trợ tốt nhất, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống và nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Doanh nghiệp cần xem xét kỹ lưỡng hợp đồng bảo hiểm

Theo Luật sư Trương Anh Tú, Uỷ viên thường trực Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều doanh nghiệp, khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ và tài sản bị tàn phá. Với mức thiệt hại ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp đang mong đợi khoản bồi thường từ bảo hiểm. Tuy nhiên, với ước tính bảo hiểm chi trả chỉ khoảng 7.000 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc được bồi thường đầy đủ. Lý do chính là họ đã vô tình bị ràng buộc bởi những điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong hợp đồng mà họ không chú ý đến khi ký kết.

Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là những quy định trong hợp đồng bảo hiểm cho phép công ty bảo hiểm từ chối chi trả trong những trường hợp nhất định. Đây là một trong những yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp cần phải hết sức cẩn thận khi ký kết hợp đồng. Các điều khoản này có thể bao gồm việc loại trừ các sự kiện thiên tai như bão, lũ lụt hoặc các sự cố liên quan đến vi phạm pháp luật của bên mua bảo hiểm.

Thiên tai, bao gồm bão và lũ lụt, thường là những rủi ro có thể bị loại trừ khỏi hợp đồng bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm thường lập luận rằng thiệt hại do thiên tai gây ra là quá lớn và khó dự đoán, vì vậy họ không thể gánh vác toàn bộ trách nhiệm tài chính. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp ngỡ ngàng khi đối mặt với từ chối bồi thường sau khi thiệt hại đã xảy ra.

Ngoài ra, các điều khoản loại trừ còn có thể áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ quy trình bảo hiểm. 

Đối với doanh nghiệp đã ký hợp đồng và gặp sự kiện bảo hiểm như bão, cần thực hiện ngay một số biện pháp sau:

Xem xét lại hợp đồng bảo hiểm và tìm hiểu rõ điều khoản loại trừ: Khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra, doanh nghiệp cần nhanh chóng kiểm tra lại hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là các điều khoản loại trừ liên quan đến thiên tai. Nếu có bất kỳ điểm nào không rõ ràng, cần tham khảo ý kiến từ luật sư hoặc chuyên gia bảo hiểm để hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

Cung cấp đầy đủ thông tin và tuân thủ quy trình bồi thường: Doanh nghiệp cần đảm bảo thông báo sự kiện bảo hiểm cho công ty bảo hiểm ngay sau khi sự cố xảy ra và cung cấp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ liên quan. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh bị từ chối bồi thường do vi phạm quy trình thông báo.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Hơn 11.600 tỷ đồng sẽ được chi trả để bồi thường bảo hiểm do bão số 3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Siêu bão Man-yi giật cấp 14, chính thức vào biển Đông
Siêu bão Man-yi mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 14, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ 20km/h. Vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông.

Tin mới