Thứ tư, 16/07/2025 18:19 (GMT+7)
Thứ sáu, 10/01/2025 10:07 (GMT+7)

Hôm nay (10/1) Hà Nội không còn trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới

Theo dõi KTMT trên

Với chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 88, Hà Nội đã không còn nằm trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, đứng thứ 34 trong danh sách.

Theo IQAir, vào lúc 7h45 sáng nay (ngày 10/1), chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội đã cải thiện tích cực. Hà Nội đã ra khỏi top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 88, đứng thứ 34 trong danh sách, với chất lượng không khí ở mức màu vàng, mức “trung bình.”

Hôm nay (10/1) Hà Nội không còn trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới - Ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhiều ngày nay, Hà Nội rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) thường xuyên ghi nhận ở mức 201- 300 (thuộc ngưỡng tím - rất có hại cho sức khỏe). Thậm chí có thời điểm, Hà Nội nhiều ngày xếp hạng ô nhiễm nhất thế giới.

Cụ thể, 8h sáng ngày 7/1, ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với AQI ở ngưỡng 272 - mức tím, rất có hại cho sức khỏe con người. 

Sáng ngày 8/1, với chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 219, Hà Nội đứng thứ 2 trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, chất lượng không khí ở mức tím, mức “rất không tốt.”

Sáng ngày 9/1, với chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 187, Hà Nội đứng thứ 5 trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, với chất lượng không khí ở mức màu đỏ, mức “không lành mạnh”.

Việc cập nhật thường xuyên chỉ số chất lượng không khí sẽ giúp người dân có những ứng phó kịp thời khi chất lượng không khí suy giảm như giảm thiểu các hoạt động ngoài trời, hạn chế mở cửa, sử dụng các loại khẩu trang có thể hạn chế ảnh hưởng của các chất ô nhiễm trong không khí, sử dụng các loại máy lọc không khí…

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để chủ động hạn chế tác động do ô nhiễm không khí gây ra.

Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201-300), đối với người bình thường tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.

Nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao, người dân nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.

Đồng thời, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Đối với những người nhạy cảm, cần tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

Theo TS.Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nguyên nhânô nhiễm đầu tiên đó là do các nguồn thải của Hà Nội cũng như một số tỉnh lân cận chưa được kiểm soát. Thay đổi về thời tiết như mưa, gió, độ ẩm… những điều kiện này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc tăng hay giảm mức độ ô nhiễm.

Cách kiểm soát được đó là hạn chế các nguồn ô nhiễm, Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch nâng cao cải thiện chất lượng không khí, trong đó có rất nhiều biện pháp ngắn, trung, dài hạn để hạn chế ô nhiễm.

Vị chuyên gia này cho rằng, thành phố cần triển khai quyết liệt, bên cạnh đó, cần có biện pháp tuyên truyền, nâng cao các hệ thống quan trắc để thông báo cho người dân, một mặt nâng cao nhận thức, mặt khác bảo vệ sức khỏe, người dân cũng thấy trách nhiệm của mình ở trong đó, làm gì để mỗi người giảm thiểu đi xe máy, bảo dưỡng xe máy, tham gia giao thông công cộng…

Bích Ngọc

Bạn đang đọc bài viết Hôm nay (10/1) Hà Nội không còn trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0937 68 8419 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

VinFast nhận đặt cọc sớm VF7 và VF6 tại Ấn Độ
Gurugram, ngày 15/7/2025 - Sau màn ra mắt ấn tượng tại triển lãm Bharat Mobility Global Expo đầu năm nay, VinFast hôm nay công bố nhận đặt cọc sớm cho hai mẫu SUV điện cao cấp VF 7 và VF 6 tại thị trường Ấn Độ.

Tin mới

Hải Phòng đón thêm 15,6 tỷ USD vốn đầu tư
Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại với chủ đề “Hải Phòng – Điểm đến chiến lược của kỷ nguyên mới”, thành phố Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 32 dự án đầu tư và 7 bản ghi nhớ hợp tác với tổng vốn cam kết hơn 15,6 tỷ USD.