Hateco Group có 'coi thường' cư dân, chính quyền khi biến đất cây xanh thành nhà hàng?
Bất chấp quy hoạch đã được phê duyệt, chủ đầu tư khu nhà ở Hateco 6 tự ý xây dựng nhà hàng trên khu đất cây xanh để cho thuê.
Theo phản ánh của cư dân khu nhà ở Hateco 6 (tên thương mại là Hateco Apollo, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội), chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hateco (Hateco Group) bất chấp quy hoạch được duyệt, tự ý tiến hành xây dựng nhà hàng trên khu đất ven hồ thuộc ô đất cây xanh, mặt nước để cho thuê làm nhà hàng. Việc chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế, xây dựng hạng mục không phép trong khi cư dân sinh sống ở KĐT thiếu chỗ vui chơi.
Theo tìm hiểu của Phóng viên, sau khi hoàn tất xây dựng công trình trái phép trên đất cây xanh tại Hateco Apollo được Hateco Group cho Công ty CP Thương mại và Phát triển thương hiệu Quốc tế thuê lại để kinh doanh nhà hàng, cà phê. Thời hạn thuê 10 năm, giá thuê nhà năm đầu tiên là 90 triệu đồng/tháng, giá thuê được điều chỉnh qua các năm tiếp theo.
Trước sự bức xúc của dư luận, tháng 7/2020, Đội QLTTXDĐT quận Nam Từ Liêm, phối hợp UBND phường Phương Canh đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản đối với diện tích xây dựng nhà 289 m2, xây dựng không phép. Ngày 10/7/2020, UBND quận Nam Từ Liêm ban hành quyết định số 2656/QĐ - XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần tập đoàn Hateco với số tiền 40 triệu đồng về hành vi “xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng”.
Theo khoản b, Điều 4, Quyết định số 2656/QĐ - XPVPHC nêu rõ, trong vòng 60 ngày Công ty Hateco phải thực hiện hoàn thiện thủ tục cấp phép xây dựng, nếu không sẽ bị cưỡng chế phá dỡ. Tuy nhiên, đến nay, công trình này vẫn chưa được chủ đầu tư tháo dỡ.
Điều đáng nói, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hateco ngang nhiên xây dựng phá vỡ quy hoạch và đưa vào sử dụng nhưng các cơ quan chức năng của quận Nam Từ Liêm không hề hay biết. Chỉ tới khi các cơ quan báo chí vào cuộc phản ánh, UBND quận Nam Từ Liêm và các đơn vị liên quan mới tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, Quyết định xử lý vi phạm số 2656/QĐ - XPVPHC của UBND quận Nam Từ Liêm cũng chỉ thể hiện sự quyết liệt trên giấy. Công trình vi phạm phá vỡ quy hoạch vẫn tiếp tục tồn tại, thách thức pháp luật.
Trao đổi với Phóng viên về sự việc trên, một cán bộ Đội QLTTXDĐT quận Nam Từ Liêm cho biết: “Bọn em hiểu nó là đất cây xanh, nhưng đối với CĐT người ta đã xin vào trong chủ trương đầu tư ngày từ đầu. Đấy là cái nhà nhằm phục vụ lợi ích công cộng của CĐT, có diện tích trên dưới 300 m2. Vì trong tổng thể mặt bằng dự án, CĐT không chấm vào điểm đó nên việc CĐT thi công là chưa đúng, đội đã lập hồ sơ và quận đã ra quyết định xử phạt rồi".
Vị này nói tiếp: "CĐT thiếu chứ không phải người ta chưa có. Nếu trong chủ trương đầu tư không có, khu đất trên là đất cây xanh thì lại là vấn đề khác. Nhưng đằng này công trình trên có trong chủ trương đầu tư dự án của CĐT ngay từ đầu, doanh nghiệp thiếu sót khi không bổ sung kịp thời công trình trên vào quy hoạch chung".
Lý giải về việc chậm chễ trong việc tiến hành xử lý sai phạm tại công trình nói trên, cán bộ Đội QLTTXDĐT quận Nam Từ Liêm thông tin thêm, CĐT cũng có báo cáo gửi UBND quận Nam Từ Liêm xin lùi thời gian xử lý sai phạm để hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi dự án vì công trình trên phục vụ lợi ích chung của dự án.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Phạm Văn Khái, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Hateco Group cho biết đơn vị sẽ tiến hành tháo dỡ công trình nhà hàng trên đất công viên cây xanh.
Ông Khái nói: “Anh đập em ạ”. Khi được hỏi về thời gian tiến hành tháo dỡ công trình sai phạm, ông Khái cho biết: “Chuẩn bị rồi. Hôm qua vừa thành lập đoàn thống nhất tháo dỡ rồi". Khi phóng viên hỏi về thành phần đoàn ông Khái “sỗ sàng” trả lời: “Quận luôn. Tháo dỡ mẹ nó đi. Em liên hệ với chủ tịch ấy”.
Cùng ngày, trả lời Phóng viên, ông Hoàng Đình Tuấn, Tổng Giám đốc Hateco Group cho biết sẽ tiến hành đập phá công trình xây dựng không phép nói trên. Cũng theo ông Tuấn, Hateco Group chưa cho ai thuê công trình trên để làm nhà hàng, quán cà phê. Ông Tuấn cũng khẳng định mình không biết ông H. (người thuê nhà hàng, cafe) là ai.
Phát ngôn của ông Tuấn hoàn toàn trái ngược với đại diện của ông H. đại diện Công ty CP Thương mại và Phát triển thương hiệu Quốc tế. Bởi chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông H. cho biết vào tháng 3/2020, ông đại diện công ty ký hợp đồng thuê công trình trên với Hateco Group để kinh doanh nhà hàng cà phê. Thời gian thuê là 10 năm, giá thuê mỗi tháng 90 triệu đồng.
“Ngay sau ký hợp đồng, anh phải chuyển cho chủ đầu tư 360 triệu đồng tiền đặt cọc, tương đương với 4 tháng tiền thuê nhà mới được đưa thợ vào sửa chữa. Anh đã đầu tư vào đây hơn 3 tỉ đồng để sửa chữa mua sắm trang thiết bị, giờ chỉ chờ để khai trương nhà hàng thôi”.
Cũng theo ông H., phía Hateco Group đang cố tình lừa dối mình ngay từ đầu. Vì nếu biết dự án trên xây dựng không phép, không được phép kinh doanh nhà hàng, quán cà phê thì ông không dại gì bỏ cả 3 tỉ đồng để đầu tư sửa chữa mặt bằng, mua sắm nội thất để bây giờ không được phép hoạt động.
Dự án khu nhà ở Hateco 6 tên thương mại Hateco Apollo nằm trên trục đường 70 có quy mô 4,5 ha, tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng. Ngoài dự án này, Hateco còn thực hiện một số dự án trên địa bàn TP.Hà Nội như: Hateco La Roma tại lô số 4A phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội (quy mô 3,500 m2, tổng mức đầu tư 2.000 tỉ đồng); Hateco Green Park, Hateco Green City.
Được biết, theo kết luận thanh tra mới đây của Bộ Xây dựng, tại dự án Hateco 6 ở Phương Canh, Nam Từ Nam và dự án Hateco Hoàng Mai, chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Hateco đã “ôm” quỹ bảo trì có giá trị hàng chục tỉ đồng của cư dân và chỉ chịu trả khi bị thanh tra chỉ rõ vi phạm.
Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên.
Nguyễn Cường