Thứ năm, 25/04/2024 01:45 (GMT+7)
Thứ ba, 03/09/2019 10:25 (GMT+7)

Hai áp thấp nhiệt đới trên đất liền và biển Đông diễn biến phức tạp

Theo dõi KTMT trên

Sáng nay, áp thấp nhiệt đới đã đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế, còn áp thấp nhiệt đới trên biển cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140 km.

Áp thấp nhiệt đới trên đất liền giật cấp 8 gây mưa lớn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng nay, áp thấp nhiệt đới đã đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế với sức gió mạnh nhất cấp 6 - 7, giật cấp 8. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế đã có mưa to đến rất to, riêng Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế có tổng lượng mưa 150 - 200mm.

Hồi 4 giờ ngày 3/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60 km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Hai áp thấp nhiệt đới trên đất liền và biển Đông diễn biến phức tạp - Ảnh 1
Vị trí và đường đi của cơn bão - Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới hầu như ít dịch chuyển, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển về hướng Đông, mỗi giờ đi được 5 - 10km. Đến 16 giờ ngày 3/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên bờ biển các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất cấp 6 - 7 (40 - 60 km/giờ), giật cấp 8 - 9.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km. Đến 4 giờ ngày 4/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60 km/giờ), giật cấp 8 - 9.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 04 giờ ngày 5/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam khoảng 100 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 60 km/giờ), giật cấp 9.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông hoạt động mạnh

Hai áp thấp nhiệt đới trên đất liền và biển Đông diễn biến phức tạp - Ảnh 2
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện chỉ đạo các địa phương - Ảnh minh họa.

Hồi 4 giờ ngày 3/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới có tên quốc tế là Kajiki ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50 km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 4 giờ ngày 4/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50 km/giờ), giật cấp 8.

Công điện ứng phó áp thấp nhiệt đới trên biển Đông

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện chỉ đạo các địa phương.

Theo công điện, các Bộ, ngành, địa phương cần theo dõi chặt chẽ 2 áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam; thông tin và hướng dẫn tàu thuyền neo đậu tại bến, đảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch trên trên các đảo.

Đồng thời, các địa phương kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở ven sông suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa, thủy điện, thủy lợi nhất là các thủy điện nhỏ, hồ đập xung yếu.

Trong sáng 3/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai sẽ tổ chức cuộc họp triển khai công tác ứng phó với 2 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, gió mùa Tây Nam và mưa lớn tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Hai áp thấp nhiệt đới trên đất liền và biển Đông diễn biến phức tạp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới