Hà Nội: Nâng mức dự trù oxy y tế, đảm bảo tình huống cho 8.000 ca
Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã giao 32 bệnh viện sẵn sàng điều trị bệnh nhân Covid-19.
Sáng 26/8, Sở Y tế Hà Nội cho biết 12 giờ qua TP chưa ghi nhận thêm ca mắc mới. Trong đợt dịch thứ 4, đến nay Hà Nội ghi nhận 2.770 ca Covid-19, trong đó có 1.425 ca cộng đồng.
Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn, do chưa thể bóc tách được hết F0 tại cộng đồng, do đó, nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn các chùm ca bệnh tại cộng đồng như chùm ca ở phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân). Nếu người dân phối hợp, khai báo thông tin tốt với cơ quan chức năng thì vẫn có thể phát hiện được từ sớm.
Về các biện pháp phòng, chống dịch tại khu vực nội thành Hà Nội - nơi có nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ với mật độ dân cư đông, ông Tuấn cho biết cơ quan chức năng đang xem xét và xây dựng kế hoạch, chiến lược mới của thành phố trong phòng, chống dịch. Theo lãnh đạo CDC Hà Nội, kế hoạch này sẽ sớm được đưa ra.
Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ông Tuấn cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống. Đặc biệt, cần thực hiện tốt công tác xét nghiệm tại cộng đồng. Thành phố sẽ tập trung lấy mẫu tại các địa bàn, các xã, phường tiếp giáp với các ổ dịch phức tạp; khu tập thể cũ tập trung đông người, chật hẹp (mật độ dân số cao, nhà, ngõ chật hẹp, giao lưu đi lại nhiều)...
Số liệu cho thấy, hiện TP Hà Nội vẫn đang điều trị cho 1.073 bệnh nhân Covid-19, trong đó Bệnh viện Đức Giang có 148 bệnh nhân; Bệnh viện Thanh Nhàn (101), Bệnh viện Bắc Thăng Long (120), Bệnh viện Hà Đông (62), Bệnh viện Gia Lâm (50), Bệnh viện Mê Linh (52), Cơ sở cách ly, điều trị Đền Lừ III (346) và Cơ sở điều trị KTX Phenikaa (194 trường hợp).
Hà Nội cũng đã lên phương án đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu và đặc biệt là oxy y tế đáp ứng tình huống có 40.000 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 8.000 giường bệnh điều trị người bệnh mức độ vừa, nặng và nguy kịch.
Hiện Hà Nội đã giao 32 bệnh viện sẵn sàng điều trị bệnh nhân Covid-19. Sở Y tế đã khảo sát nhanh lượng oxy cần dự trù trong giai đoạn 1 (có 10.000 người mắc). Trong đó, trường hợp tầng 2 và 3 có 2.000 bệnh nhân thì cần khoảng 16 tấn oxy lỏng/ngày; trường hợp có 8.000 bệnh nhân điều trị ở tầng 2 và 3 thì cần 64 tấn oxy lỏng/ngày.
Đến nay, cơ bản các bệnh viện đã triển khai ký hợp đồng nguyên tắc với các công ty cung cấp khí y tế. Các công ty cung cấp khí y tế cũng đã cam kết cung cấp đủ khí y tế trong trường hợp Hà Nội có 40.000 người mắc.
Đối với hệ thống khí y tế, Sở Y tế đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng của 32 bệnh viện. Hiện có 19/32 bệnh viện có hệ thống khí oxy lỏng trung tâm, trong đó có 1.587 ổ oxy, cần bổ sung thêm bồn chứa, họng oxy, nén, hút và các thiết bị phụ trợ khác cho hệ thống khí y tế để đáp ứng 8.000 trường hợp mắc.
Qua rà soát đến nay còn 10 bệnh viện của giai đoạn 3 chưa có hệ thống họng oxy. Tuy nhiên các đơn vị đều khẳng định đến ngày 5/9 sẽ đảm bảo đầy đủ các giường bệnh có họng oxy.
Tại buổi kiểm tra ngày 25/8, ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) khẳng định, Hà Nội phải luôn đi sớm một bước, đi trước một bước và cao hơn một mức để không bị động.
Ông đề nghị Sở Y tế cần chỉ đạo, rà soát, hướng dẫn các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng đáp ứng điều trị Covid-19 theo các tầng điều trị bệnh nhân mức độ vừa, nặng, nguy kịch. Cần chủ động theo dõi điều hành, điều phối sử dụng oxy y tế trong các đơn vị thực hiện nhiệm vụ điều trị.
Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế cũng lưu ý các bệnh viện đã được phân công nhiệm vụ chuẩn bị cho điều trị Covid-19 phải đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trong vận chuyển, sử dụng oxy y tế nói chung và trong phòng chống dịch nói riêng.
Triều Châu