Hà Nội lên phương án ứng phó với siêu bão Yagi
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Công điện số 10/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 (Yagi).
Lên phương án sẵn sàng ứng phó kịp thời
Theo Công điện số 10/CĐ-UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh việc chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó kịp thời, khẩn trương, hiệu quả với bão số 3 (Yagi) và ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai cực đoan có thể xảy ra trong thời gian tới.
Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và thành phố trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đặc biệt là Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 2/2/2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 trên địa bàn thành phố.
"Thường xuyên theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến thời tiết, thiên tai để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố", Công điện nêu.
Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý, căn cứ tình hình thời tiết, thiên tai, các đơn vị, địa phương chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và địa bàn phụ trách.
Chú trọng tập trung đến các phương án phòng, chống úng ngập nội, ngoại thành; phương án chằng chống, cắt tỉa, giải tỏa cây đổ ứng phó mưa to, gió lớn; phương án chằng chống nhà cửa, công trình, biển báo, đảm bảo an toàn về người, tài sản và hoạt động sản xuất của nhân dân; phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai; phương án hỗ trợ đảm bảo đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi có thiên tai, sự cố xảy ra.
Công điện cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra an toàn hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình tiêu thoát nước, các khu dân cư để kịp thời phát hiện các nguy cơ có thể xảy ra. Sẵn sàng sơ tán, có phương án bảo đảm an toàn đối với người dân khu vực nguy hiểm. Đặc biệt lưu ý đối với các huyện thường xuyên, trực tiếp bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, lũ quét, sạt lở đất như: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức.
Các đơn vị, địa phương cũng cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã, các cơ quan thông tin truyền thông cơ sở tăng cường các hoạt động phổ biến, hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với giông lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ. Tập trung vào các nội dung: Biện pháp trú, tránh đảm bảo an toàn khi xảy ra thiên tai; thông tin, cảnh báo nguy hiểm, phòng tránh đuối nước, điện giật; biện pháp gia cố, che chắn, bảo vệ tài sản, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại...
Hà Nội được dự báo nằm trên đường đi của tâm bão
Theo ông Đinh Hữu Dương, Trưởng phòng dự báo thời tiết của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, từ đêm 6/9, Hà Nội bắt đầu chịu ảnh hưởng của rìa xa phía tây siêu bão YAGI. Từ ngày 7-9/9, Hà Nội đón một đợt mưa vừa, mưa to đến rất to.
Do bão đi rất nhanh khi vào đất liền nên mưa rất lớn xảy ra trong thời gian ngắn có thể gây quá tải cho hệ thống thoát nước, dẫn đến ngập úng ở nhiều nơi. Các sông nội tỉnh như Cà Lồ, sông Bùi, sông Tích của Hà Nội có nguy cơ cao xuất hiện lũ. Vùng trũng thấp tại Chương Mỹ có thể tái diễn tình trạng ngập sâu dài ngày như từng xảy ra do ảnh hưởng của bão số 2.
Ông Dương lưu ý, trước khi bão vào, khoảng chiều 6/9, Hà Nội có thể xuất hiện dông mạnh trước bão gây đổ cây. Điều này đã từng xảy ra trong một số cơn bão trước đây, gây đổ cây xanh, cột điện khá nhiều.
"Khi bão quét Hà Nội, bão có thể gây ra gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, gây tốc mái, hư hại nhà cửa, làm gãy đổ cây cối, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng" - ông Dương lưu ý thêm.
Anh Thư