Thứ sáu, 22/11/2024 19:28 (GMT+7)
Thứ hai, 08/01/2024 10:23 (GMT+7)

Đề xuất quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Theo dõi KTMT trên

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để triển khai hiệu quả các quy định về việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, vừa bảo đảm khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ được nguồn nước, vừa bảo đảm được an sinh xã hội và bổ sung nguồn lực cho một số hoạt động bảo vệ nguồn nước, ngày 17/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và được sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định số 41/2021/NĐ-CP ngày 30/03/2021.

Đề xuất quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước - Ảnh 1
Đề xuất quy định mới về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Sau 7 năm triển khai thực hiện quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước tiếp tục được tăng cường hiệu lực, hiệu quả; đã nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tính đến ngày 30/11/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt được 681 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền gần 10.200 tỷ đồng; theo số liệu báo cáo của các tỉnh, thành phố tính đến ngày 30/11/2023, các tỉnh đã phê duyệt được tổng số tiền trên 400 tỷ đồng. Tính riêng trong năm 2019, theo số liệu của Tổng cục Thuế, số tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thu được trên cả nước là hơn 1.653 tỷ đồng, trong đó giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp thu được 1.497 tỷ đồng, giấy phép do địa phương cấp thu được 156 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình thực thi đã phát sinh những vướng mắc đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và cần quy định cụ thể đảm bảo trong quá trình thực thi như: căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; thời điểm áp dụng giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; các trường hợp điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; quy định về thời điểm áp dụng giá tính tiền đối với trường hợp truy thu tiền; trình tự, thủ tục thực hiện truy thu, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước... đặc biệt là bổ sung một số trường hợp thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước mà trước đó Luật tài nguyên nước 2012 chưa quy định như sinh hoạt, nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, thuỷ điện tích năng, đồng thời quy định sản lượng tính tiền cấp quyền đối với các trường hợp trên; quy định cụ thể một số trường hợp được miễn tiền cấp quyền khai thác nước (trong đó có khai thác nước để cấp cho sinh hoạt của người dân khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn); quy định về giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (cắt, giảm lượng nước khai thác hoặc tạm dừng có thời hạn hiệu lực của giấy phép; khai thác, sử dụng tuần hoàn, tái sử dụng nước; khai thác nước cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn…).

Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất 1 chương quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (gồm 18 điều, từ Điều 44 đến Điều 61).

Chương này quy định những nội dung về: Trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 44); trường hợp không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 45); căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 46); mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (M) (Điều 47); công thức tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 48); sản lượng tính tiền cấp quyền khai thác (Điều 49); giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (G) (Điều 50); hệ số điều chỉnh (K) (Điều 51); thẩm quyền phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 52); trình tự, thủ tục tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 53); miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 54); giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 55); điều chỉnh, truy thu, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 56); thời hạn ra thông báo và nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 57); phương thức thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 58); trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 59); trách nhiệm của các cơ quan trong công tác tính, thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 60); trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Điều 61).

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới