Hà Nam: Đề xuất xây đô thị nghỉ dưỡng gần 1.000 ha trong ‘siêu chùa’ Tam Chúc
Mới đây UBND tỉnh Hà Nam đề xuất Thủ tướng cho phép điều chỉnh quy hoạch khu du lịch quốc gia Tam Chúc trong đó bổ sung đô thị du lịch, nghỉ dưỡng quy mô gần 1.000 ha vào quần thể khu du lịch Tam Chúc.
Khu nghỉ dưỡng lớn, khách sạn chưa có
Văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) của UBND tỉnh Hà Nam về việc cho phép điều chỉnh phạm vi ranh giới và bổ sung chức năng cho các khu chức năng trong khu du lịch quốc gia Tam Chúc.
Lý do điều chỉnh, UBND tỉnh Hà Nam cho hay, trong quá trình triển khai lập quy hoạch 1/2.000 các khu chức năng, triển khai đầu tư hệ thống hạ tầng khung, thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội trong khu du lịch quốc gia Tam Chúc đã gặp phải một số vướng mắc khó khăn. Đồng thời chưa phát huy được tiềm năng lợi thế của khu du lịch.
Với một số khu chức năng còn thiếu, ranh giới các khu chức năng trong quy hoạch chưa thật hợp lý, các khu chức năng được duyệt chưa đồng bộ dẫn đến khó huy động nguồn lực xã hội để cung cấp nhiều sản phẩm du lịch thu hút nhiều phân khúc khách hàng. Như chưa có các khu nghỉ dưỡng lớn, khách sạn… dẫn đến chưa thu hút được du khách trong và ngoài nước lưu trú lại khu du lịch.
UBND tỉnh Hà Nam cho rằng, để phát huy tối đa lợi thế quần thể khu du lịch Tam Chúc, UBND tỉnh Hà Nam vừa đề xuất Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch trình Thủ tướng chấp thuận giữ nguyên diện tích, ranh giới và tổng thể khu du lịch 4.000 ha đã được Thủ tướng phê duyệt, cho phép điều chỉnh ranh giới, bổ sung các khu chức năng trong quần thể du lịch tâm linh Tam Chúc.
Đề xuất khu đô thị nghỉ dưỡng gần 1.000 ha
Trong 4.000 ha diện tích vùng lõi khu du lịch tâm linh Tam Chúc hiện tại, UBND tỉnh Hà Nam đề xuất giữ nguyên khu trung tâm đón tiếp 168 ha, giảm diện tích khu văn hóa tâm linh từ 1.050 ha xuống 600 ha (giảm 450 ha), giữ nguyên khu bảo tồn Quền Vồng và hồ Tam Chúc 875 ha.
Với khu nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Tam Chúc 605 ha, tỉnh Hà Nam đề xuất bổ sung thêm chức năng phát triển đô thị kết hợp chỉnh trang khu dân cư nông thôn hiện hữu và các hoạt động du lịch, thể thao, văn hóa.
Bổ sung chức năng phát triển đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng cho dự án sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang 845 ha.
Tỉnh Hà Nam cũng đề xuất Thủ tướng cho chuyển đổi trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động du lịch thành khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, cung cấp các dịch vụ hậu cần, các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp. Đồng thời mở rộng quy mô khu đô thị, du lịch, sinh thái nghỉ dưỡng từ 502 ha lên 952 ha, tăng 450 ha so với quy hoạch ban đầu.
Việc điều chỉnh này nhằm hình thành trung tâm dịch vụ hậu cần đủ lớn phát huy tối đa lợi thế, vai trò khu trung tâm dịch vụ hậu cần, đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc khách du lịch, thu hút du khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Tam Chúc, UBND tỉnh Hà Nam cho hay.
Về đề xuất điều chỉnh quy hoạch quần thể du lịch tâm linh Tam Chúc theo hướng bổ sung chức năng phát triển đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, cho biết việc điều chỉnh quy hoạch là chủ trương của tỉnh, gắn với điều chỉnh quy hoạch thị trấn Ba Sao (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Thị trấn Ba Sao nằm trong quần thể du lịch tâm linh Tam Chúc, một thị trấn đương nhiên phải có chức năng đô thị.
Theo ông Trương Quốc Huy, trung tâm hậu cần cho quần thể du lịch tâm linh Tam Chúc chính là thị trấn Ba Sao, trước đây tỉnh làm quy hoạch quần thể du lịch tâm linh Tam Chúc có sơ suất là chưa quy hoạch chức năng đô thị. Giờ bổ sung chức năng đô thị vào quần thể để phát triển khu nghỉ dưỡng cao cấp, đón khách du lịch lưu trú tại Tam Chúc. Hiện khu du lịch tâm linh Tam Chúc chưa có khu resort cao cấp, khách sạn cao cấp nào đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách trong nước và quốc tế.
Quốc hội cần kiểm tra, giám sát các đại dự án du lịch tâm linh
Việc đổ vốn khủng xây dựng những siêu dự án tâm linh cần phải được xem xét thận trọng, vì đó là biểu hiện của sự đầu tư bất thường. Lẽ thường, không ai kinh doanh trên lĩnh vực tâm linh. Cũng không thể có chuyện doanh nghiệp chấp nhận bỏ “tiền tấn” ra đầu tư mà không có lãi. Do đó, hoàn toàn có cơ sở nghi vấn về nguồn tiền và mục đích đầu tư vào những công trình này từ đâu?
Từ góc độ quản lý nguồn lực của đất nước, trong bối cảnh hiện nay việc dành hàng nghìn ha đất cho nhà đầu tư một dự án tâm linh thật quá lãng phí, cần xem xét lại. Hiện, khung pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể về dự án tâm linh. Vì vậy, đang có sự lách luật, lợi dụng núp bóng dự án tâm linh để kinh doanh. Thực tế chứng minh tại những dự án này, diện tích xây chùa chỉ chiếm một phần, còn lại để dành cho các dự án nghỉ dưỡng, sòng bài.
Đối với những dự án nửa du lịch, nửa tâm linh, không được lợi dụng tiền ngân sách đầu tư bởi sau này Nhà nước sẽ không thu được gì. Chúng ta không nên ngăn cấm nhưng cũng không nên ưu tiên cấp quá nhiều đất. Đáng nói, việc cấp đất cũng phải theo đúng Luật, cần công khai minh bạch, tránh tạo chênh lệch địa tô quá lớn với các trường hợp khác.
Trong kinh tế thị trường, chỉ cần không vi phạm pháp luật thì mọi hoạt động đầu tư đều là hợp pháp. Tuy nhiên, trong những dự án đầu tư du lịch tâm linh hiện nay, cần phải xem xét cái hợp pháp ấy có hợp lý hay không và mục đích là gì?
Rất nhiều người đặt câu hỏi chủ đầu tư bỏ hàng chục nghìn tỷ đồng vào các dự án tâm linh thì nguồn vốn từ đâu, lợi nhuận thu như thế nào? Song, tới nay vẫn chưa có sự công khai minh bạch về các dự án này.
Cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão, trong khi doanh nghiệp các nước khác đổ tiền vào đầu tư ở lĩnh vực khoa học công nghệ, thì doanh nghiệp của chúng ta lại đổ xô đầu tư vào tâm linh vào đền chùa. Chính phủ và chính quyền địa phương có thái độ như thế nào về hoạt động đầu tư này?
Việc cấp tới 5.000 ha cho một dự án tâm linh so với việc cấp đất để đầu tư cho bệnh viện, trường học, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội cho người nghèo đã hợp lý chưa? Tất cả vấn đề này cần phải có câu trả lời rõ ràng, tránh hậu quả đầu tư vào lĩnh vực tâm linh ồ ạt, gây lãng phí cho Nhà nước và xã hội. Thiết nghĩ, HĐND địa phương và cao hơn là Quốc hội nên có sự giám sát và kiểm tra hoạt động đầu tư này.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Tam Chúc đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2018, khu du lịch có quy mô diện tích vùng lõi ưu tiên tập trung phát triển là 4.000 ha, thuộc địa phận thị trấn Ba Sao và 3 thôn: Vồng, Khuyến Công và Khả Phong thuộc xã Khả Phong, huyện Kim Bảng.
Diện tích khu du lịch này bằng 1/5 diện tích huyện Kim Bảng. Trong đó, quần thể "siêu chùa" Tam Chúc theo đề xuất mới nhất của tỉnh Hà Nam rộng khoảng 768 ha. Chùa Tam Chúc được biết đến là ngôi chùa lớn nhất thế giới.
Mục tiêu của khu du lịch theo quy hoạch tổng thể đến năm 2025 đón 3,7 triệu lượt khách, doanh thu 1.100 tỷ đồng. Đến năm 2030 đón 7,3 triệu lượt khách, doanh thu đạt 1.700 tỷ đồng.
Bùi Hằng (T/h)