Hà Nam: Công ty Hai Pha Việt Nam chưa đảm bảo môi trường trong thi công dự án Hano Park
Trong quá trình thi công dự án Hano Park 1 và Hano Park 2, công ty TNHH Hai Pha Việt Nam chưa thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường đã được nêu rõ trong quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường.
Thời gian vừa qua, Tạp chí Kinh tế Môi trường ghi nhận được tình trạng thi công không đảm bảo vấn đề về môi trường tại dự án Hano Park 1 (xã Nhật Tựu và xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) do Liên doanh Công ty TNHH Hai Pha Việt Nam (Hai Pha Việt Nam- PV) và Công ty Cổ phần Tập đoàn nhựa Đông Á (Nhựa Đông Á- PV) làm Chủ đầu tư; Dự án Hano Park 2 (phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) do liên doanh giữa Công ty Hai Pha Việt Nam và Công ty Cổ phần đầu tư Đông Á Land (Đông Á Land - PV) làm chủ đầu tư.
Thi công gây ô nhiễm môi trường
Dự án nằm cạnh QL38 và khu dân cư. Theo quy định chi tiết trong quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường của dự án, để giảm thiểu bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung trong quá trình thi công, phương tiện vận chuyển phải có bạt che phủ, không chở quá tải, không làm rơi vãi đất đá, nguyên vật liệu, chạy đúng tốc độ theo quy định và được rửa bánh trước khi ra khỏi công trường. Che phủ vật liệu xây dựng tập kết tại công trường, xây dựng hàng rào tôn xung quanh khu vực dự án gần khu dân cư, khu cơ quan hiện trạng với chiều cao 2 m. Đổ bùn đất hữu cơ bóc tách bề mặt đúng vị trí đổ thải đã được thỏa thuận với UBND phường Duy Hải.
Thế nhưng trên thực tế, trong quá trình thi công phía chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Toàn bộ dự án không được xây dựng hàng rào tôn theo quy định, bùn đất thải hữu cơ được tập kết thành “núi” ngay trong khuôn viên dự án, không tiến hành xịt rửa bánh xe trước và sau khi ra vào dự án? Chính vì vậy dẫn đến hiện tượng bụi đất bay vào nhà dân. Nhất là trong tình hình thời tiết hanh khô đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân và người tham gia giao thông đoạn qua dự án.
Theo ý kiến của những người dân sinh sống cạnh dự án, việc thi công diễn ra từ rất lâu. Tiếng ồn và bụi phát sinh trong quá trình xây dựng làm ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân. “Nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy xung quanh dự án không hề được che chắn, bụi bẩn bay thẳng trực tiếp vào nhà chúng tôi. Dự án này thi công tnhiều tháng rồi, thậm chí có những phần đất hiện tại chưa giải tỏa, đền bù xong. Chúng tôi cũng có ý kiến đến chủ đầu tư và cơ quan chức năng”, một người dân thôn Tam Giác, phường Duy Hải cho biết.
Trong quá trình ghi nhận thông tin trên, PV đã liên hệ làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam. Sau khi tiếp nhận các câu hỏi của phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam đã giao cho ông Lê Văn Ninh – Chi cục trưởng chi Cục quản lý Đất đai – Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam trả lời.
Ông Lê Văn Ninh – Chi Cục trưởng Chi cục QLĐĐ cho biết, dự án đã có quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Tuy nhiên trong quá trình thi công sẽ có những phần ảnh hưởng đến môi trường là điều không thể tránh khỏi.
Thi công trước khi được bàn giao đất để "chống lấn chiếm?"
Theo thông tin ông Ninh cung cấp, 2 dự án Hano Park 1 và Hano Park 2 mới được UBND tỉnh Hà Nam giao đất, nhưng trên thực tế dự án Hano Park 1 đã gần như thi công xong. Dự án Hano Park 2 gần như hoàn thiện việc san lấp mặt bằng.
Vậy thời gian thi công trước đó của chủ đầu tư có phải là thi công trái phép?
Cụ thể, dự án Hano Park 1 được UBND tỉnh Hà Nam ký Quyết định số 2428/QĐ-UBND ngày 26/11/2020 về việc giao đất đợt 1 cho liên danh Hai Pha và Nhựa Đông Á thực hiện dự án. Ngày 18/12/2020, đại diện Sở TNMT tỉnh Hà Nam, Phòng TNMT huyện Kim Bảng, UBND xã Đại Cương, UBND xã Nhật Tựu … tiến hành ban giao thực địa cho chủ đầu tư. Tính từ ngày dự án được bàn giao thực địa đến thời điểm PV làm việc với sở TN&MT Hà Nam khoảng hơn một tháng.
Tại dự án Hano Park 2, do liên danh giữa Hai Pha Việt Nam và Đông Á Land làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Hà Nam ký quyết định giao đất vào ngày 30/12/2020, sau đó một ngày đại diện Sở TN&MT tỉnh Hà Nam và các đơn vị liên quan tiến hành bàn giao thực địa cho chủ đầu tư. Tính đến thời điểm PV làm việc với Sở TN&MT Hà Nam khoảng hơn 20 ngày.
Tuy nhiên, theo quan sát của PV trước đó nhiều ngày, thì dự án Hano Park 1 đã hoàn thiện gần như cơ bản xong hạ tầng (hệ thống đường nội bộ, cây xanh, vỉa hè…). Dự án Hano Park 2 cơ bản đã hoàn thiện san lấp mặt bằng đang tiến hành xây dựng hạ tầng, đường ống thoát nước.
Như vậy phải chăng chủ đầu tư của 2 dự án trên đã cố tình thi công khi chưa được cơ quan nhà nước giao đất. Trước nghi vấn chủ đầu tư tiến hành thi công trước khi được bàn giao thực địa, ông Ninh cho biết mình mới nhận nhiệm vụ (Chi cục trưởng Chi cục đất đai từ ngày 6/1 - PV) nên không nắm được sự việc do không có mặt trong thành phần đoàn bàn giao thực địa cho chủ đầu tư.
Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng các cơ quan chức năng đang cố tình "làm ngơ" để doanh nghiệp "vượt mặt", làm thay nhiệm vụ của các cơ quan chức năng nên doanh nghiệp mới có thể ngang nhiên thi công trái phép trước khi nhận bàn giao thực địa mà không bị xử phạt theo quy định?
Lý giải về vấn đề này, ông Tạ Thái Lan – Chủ tịch HĐQT Công ty Hai Pha Việt Nam cho rằng, phía công ty có “thực lực” nên làm nhanh. Cũng theo giới thiệu của ông Lan thì hiện doanh nghiệp có hơn 40 kỹ sư xây dựng, toàn bộ vật tư, máy móc, nhân lực đều của công ty nên tiến hành thi công nhanh. Thế nhưng, thời điểm phóng viên có mặt, trên công trường thi công dự án Hano Park 2 ngoài một số máy móc thì chỉ có lác đác vài công nhân đang tiến hành thi công đường ống thoát nước của dự án. Với số công nhân ít ỏi như vậy, thì việc hoàn thiện dự án chỉ trong một tháng liệu có khả thi?
Cũng theo lý giải của Chủ tịch HĐQT Công ty Hai Pha Việt Nam thì việc thi công trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bàn giao đất là “bảo vệ mặt bằng” vì sợ người dân tái lấn chiếm. Tuy nhiên khi phóng viên đề nghị được tiếp cận đến các giấy tờ liên quan đến hồ sơ pháp lý của 2 dự án trên thì ông Lan từ chối cung cấp vì người giữ hồ sơ không có mặt ở công ty.
Chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, ở đô thị việc xây dựng, phá công trình cũ để làm các công trình mới diễn ra thường xuyên và liên tục. Nhiều công trình không được che chắn theo quy định; phát tán bụi cả trong và ngoài công trường. Tuy nhiên, số công trình bị phạt nặng hay đình chỉ thi công do gây bụi thì rất ít.
Tạp chí Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin.
Hà Điệp - Nguyễn Cường