GS.TS Tạ Thành Văn: Bệnh viện dã chiến 500 giường sẽ là nơi gửi gắm niềm tin của người dân Thủ đô
Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng và nguy kịch quy mô 500 giường đang được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội gấp rút xây dựng, hoàn thiện.
Tuyến cuối điều trị bệnh nhân nguy kịch
Mới đây, Bộ Y tế đã chỉ đạo và yêu cầu TP.Hà Nội triển khai xây dựng một bệnh viện dã chiến đóng vai trò là tuyến cuối chống dịch Covid-19. Bệnh viện này không chỉ điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 mà còn phải là nơi điều trị, hồi sức cho bệnh nhân có tình trạng nặng và nguy kịch.
Ngay sau khi nghiên cứu và lên đề án, Chính phủ và Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhận nhiệm vụ, phụ trách bệnh viện dã chiến hồi sức cho bệnh nhân.
Bệnh viện được xây dựng tại ô đất D1/CQ3 trong ngõ 587 phố Tam Trinh, phường Yên Sở (Quận Hoàng Mai), khu đất có diện tích 3,5 ha.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS.TS Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội, là đơn vị chủ đầu tư Bệnh viện dã chiến hồi sức tích cực Covid-19.
Theo Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, nhà trường đang cấp tốc hoàn thành bệnh viện dã chiến trong vòng 30 ngày để kịp tiến độ, sớm đưa vào sử dụng. Khi được Chính phủ, Bộ Y tế tin tưởng giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở thành tuyến cuối cho khu vực Hà Nội để điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch, đơn vị đã nhanh chóng tiếp nhận và bắt đầu triển khai nhiệm vụ.
"Chúng tôi đang nỗ lực hết mình để triển khai xây dựng bệnh viện, đảm bảo đưa công trình vào hoạt động đúng tiến độ, kịp thời chăm sóc sức khỏe nhân dân trong khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp", ông Văn cho biết.
Sáng ngày 3/8, đoàn lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội do GS.TS Tạ Thành Văn làm trưởng đoàn, đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra tiến độ, khảo sát công trình thi công xây dựng bệnh viện dã chiến.
Bệnh viện sau khi xây dựng xong cần nhất là mặt bằng thông thoáng có thể cấp khí y tế vào. Đối với quy mô 500 giường bệnh, ít nhất cần 100 giường được trang bị máy thở, 100 giường thở oxy lưu lượng cao. Trên cơ sở các tiêu chí đó, Bệnh viện dã chiến được quyết định xây dựng trên nền đất của Trường Đại học Y Hà Nội và đã được khởi công từ ngày 24/7/2021.
Bệnh viện thực hiện chức năng của Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia với nhiệm vụ: Tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch và chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị bệnh nhân Covid-19 cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19 trong khu vực được phân công.
"Thần tốc" vượt vũ môn
Chúng tôi đến công trường trong ngày tiết trời Hà Nội nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời lên tới gần 40 độ, nhưng theo ghi nhận, không khí làm việc ở đây rất khẩn trương, mau lẹ.
Những lực lượng chỉ huy trên công trường, công nhân không quản ngại nắng nóng làm việc liên tục để đảm bảo cho công trình hoàn thiện đúng tiến độ.
Khu đất xây dựng Bệnh viện nắm tại ngõ 587 đường Tam Trinh, nằm cách biệt hoàn toàn với khi dân cư, rất thuận lợi cho công tác chống dịch và điều trị bệnh nhân.
PGS.TS Đoàn Quốc Hưng, Phó Hiệu trưởng điều hành trường Đại học Y Hà Nội cho biết: “Đây là công trình cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, vì vậy Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã đề nghị lãnh đạo thành phố và người dân lân cận tạo điều kiện để người, phương tiện, vật tư, thiết bị có thể ra vào và lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội.
Một nhiệm quan trọng nữa là bên cạnh trang thiết bị, nhà trường cùng với Bệnh viện Đại học Y sẽ khẩn trương chuẩn bị nhân lực, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên... thuộc các chuyên ngành hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, nội khoa, hô hấp, gây mê, dinh dưỡng trước mắt để đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế giai đoạn 1 là 500 giường. Đây là thế mạnh của trường Đại học Y Hà Nội, nơi đào tạo bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa sau đại học, điều dưỡng, đều là nhân lực y tế chất lượng cao.
Chính sách mở rộng quy mô đào tạo nội trú mà Nhà trường đã thực hiện trong 6 năm qua, đến hôm nay đã thể hiện rõ sự cần thiết và đúng đắn, đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực y tế chât lượng cao cho ngành, nhất là trong tình huống cấp bách như hiện nay.
Ông Hưng cũng cho biết, để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, hàng ngày trên công trường thường xuyên có nhân lực làm việc liên tục không kể ngày đêm. Dự kiến đến cuối tháng 8 bệnh viện dã chiến trên sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp, trường Đại học Y Hà Nội đã luôn đi đầu trong công tác chống dịch, cử cán bộ, sinh viên tham gia tình nguyện tại các địa phương, vùng dịch nóng bỏng như tại Bắc Ninh, Bắc Giang và Bình Dương...
GS.TS Tạ Thành Văn cho biết thêm: Hiện nay, ngoài nhiệm vụ là cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực Y học, nhà trường còn là một đơn vị khám chữa bệnh, chủ đạo trong công tác này chính là Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Đặc biệt, với vai trò là chủ đầu tư và là đơn vị chịu trách nhiệm chuyên môn cho Bệnh viện dã chiến hồi sức tích cực Covid-19 trực thuộc trường, nhiệm vụ của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên và sinh viên trường cũng nặng nề và khó khăn gấp bội.
"Nhà trường được Chính phủ, Bộ Y tế và nhân dân tin tưởng giao nhiệm vụ, chúng tôi đồng lòng, quyết tâm phấn đấu hết mình để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất, dù cuộc chiến này có thể sẽ còn kéo dài.
Trường luôn phải có giải pháp tổ chức, phân công lực lượng cán bộ, nhân viên và sinh viên ưu tiên tham gia chống dịch hàng đầu, nhưng cũng phải đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, sinh viên của mình" - GS.TS Văn chia sẻ.
Thành lập năm 1902, Trường Đại học Y Hà Nội là trường lâu đời nhất Việt Nam. Trường là cơ sở giáo dục nghiên cứu đa ngành, có năng lực trong việc tạo ra các sản phẩm tinh hoa cho nền y học, góp phần nâng cao vị thế của đất nước. Mỗi năm, trường tuyển khoảng 1.100 sinh viên, trong đó hơn 500 em cho ngành Bác sĩ Y khoa.
Trường đã được đón nhận nhận danh hiệu Anh hùng Lao động (2000) và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (2004), Huân chương Sao vàng (2007), Huân chương Hồ Chí Minh (2012) cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.
Sau khi hai địa phương là Bắc Ninh và Bắc Giang ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19, trường Đại học Y Hà Nội đã cử đoàn bác sĩ và sinh viên về hỗ trợ hai địa phương này.
Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ và trở về Hà Nội, các tỉnh phía Nam lại cần hỗ trợ, không ít sinh viên mặc dù mới hỗ trợ một thời gian dài tại Bắc Giang, Bắc Ninh lại lập tức xung phong đi tiếp vì các em hiểu, ở đó, cần những bác sĩ, nhân viên y tế có kinh nghiệm thực chiến như các em.
Quốc Minh - Gia Nguyễn