Thứ sáu, 22/11/2024 20:32 (GMT+7)
Thứ năm, 21/03/2019 10:11 (GMT+7)

Giữa “đại chiến” nước mắm: Ai đã “sang tay” thoả thuận hơn 2.000 tỷ cổ phiếu Masan?

Theo dõi KTMT trên

Trong 4 phiên giao dịch gần đây, hơn 23,74 triệu cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan, trị giá hơn 2.049 tỷ đồng đã được sang tay thoả thuận. Giá MSN cũng quay đầu giảm mạnh kể từ khi “đại chiến” nước mắm được khuấy động trở lại…

Giữa “đại chiến” nước mắm: Ai đã “sang tay” thoả thuận hơn 2.000 tỷ cổ phiếu Masan? - Ảnh 1

Trong 4 phiên (từ ngày 15 đến 20/3/2019), giá cổ phiếu MSN trồi sụt khá mạnh trong xu hướng điều chỉnh giảm rõ nét, từ mức đỉnh 89.000 đồng/CP xuống còn 85.000 đồng/CP, giảm 4,5%. Khối lượng khớp lệnh chỉ từ 440.000 đến 1.300.000 cổ phiếu mỗi phiên gần đây.

Thế nhưng, trong phiên ATC cổ phiếu MSN bất ngờ “nổ” khối lượng thoả thuận lớn hàng triệu đơn vị, với tổng số 23,74 triệu cổ phiếu đã được sang tay trong 4 phiên vừa qua. Khối lượng giao dịch thoả thuận chiếm 2% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của Masan, tổng giá trị giao dịch ước tính lên tới 2.049 tỷ đồng.

Trong đó, phiên 18/3 giao dịch thỏa thuận hơn 6,4 triệu cổ phiếu MSN ở mức giá 87.000 đồng/CP và 84.700 đồng/CP, tương ứng giá trị lên tới hơn 560,7 tỷ đồng. Phiên 19/3, khối lượng thỏa thuận cũng lên tới hơn 6,5 triệu đơn vị ở mức giá 90.300 đồng/CP và 86.800 đồng/CP, tương ứng 565,8 tỷ đồng… Đến phiên sáng 21/3, MSN tiếp tục giảm nhẹ về 84.400 đồng/CP, khớp lệnh chỉ hơn 44.000 đơn vị.

Động thái mua bán khối lượng “khủng” cổ phiếu MSN diễn ra gấp gáp ngay trước thời điểm Masan chốt danh sách cổ đông để tham dự họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2019, dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 4 tới đây. Theo đó, công ty chốt danh sách cổ đông vào ngày giao dịch không hưởng quyền là 22/3 và ngày đăng kí cuối cùng là 25/3/2019.

Do đó, các giao dịch thoả thuận MSB nêu trên nhiều khả năng là động thái gom hàng về một mối nhằm đảm bảo tỷ lệ sở hữu lớn, thực hiện quyền biểu quyết tại ĐHCĐ năm 2019 sắp diễn ra.

Xét trong cơ cấu sở hữu, hiện Masan có 4 cổ đông lớn nhất gồm: Công ty cổ phần Masan nắm 31,4% vốn điều lệ, Công ty TNHH MTV tư vấn xây dựng Hướng Dương nắm 13,3% vốn, SK Investment Vina 1 Pte.Ltd nắm 9,45%, Adorlis Investment Pte.Ltd nắm 5,67%.

Ngoài ra, quỹ Government of Singapore nắm 4,4% và bà Nguyễn Hoàng Yến, thành viên HĐQT nắm 3,65% cổ phần Masan.

Tính chung tổng sở hữu của các cổ đông này lên tới 67,87%, đảm bảo sự có mặt của nhóm cổ đông này thì ĐHCĐ thường niên 2019 sẽ đủ điều kiện tổ chức cũng như dễ dàng thông qua tất cả các tờ trình quan trọng.

Về kết quả kinh doanh, năm 2018 doanh thu thuần của Masan chỉ tăng nhẹ đạt hơn 38.187,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 4.916,4 tỷ đồng, tăng trưởng 58% so với năm trước và vượt kế hoạch gần 23%.

Lãi cơ bản trên một cổ phiếu (EPS) lên mức 4.561 đồng.

Tại thời điểm 31/12, tổng tài sản của Masan đạt hơn 64.578,6 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu khoảng 0,89 lần. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng hơn 3.843 tỷ đồng lên 16.193 tỷ đồng.

Ngày 2/10/2018, Masan đã tái phát hành hơn 109,8 triệu cổ phiếu quỹ cho SK Group với giá 100.000 đồng/CP, tương ứng giá trị thu về gần 11.000 tỷ đồng. Trong trường hợp SK Group xác định sự hợp tác của hai bên không tạo ra giá trị hoặc bất đồng với định hướng phát triển của Masan, SK Group có quyền yêu cầu Masan hoặc bên thứ ba do Tập đoàn chỉ định mua lại toàn bộ số cổ phiếu quỹ đã bán cho SK Group từ năm thứ 5 đến năm thứ 6 kể từ ngày bán với giá trên.

Giữa “đại chiến” nước mắm: Ai đã “sang tay” thoả thuận hơn 2.000 tỷ cổ phiếu Masan? - Ảnh 2

Diễn biến giá cổ phiếu MSN trên sàn chứng khoán

Kim Anh

Bạn đang đọc bài viết Giữa “đại chiến” nước mắm: Ai đã “sang tay” thoả thuận hơn 2.000 tỷ cổ phiếu Masan?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới