Giao dịch online gia tăng trong mùa dịch Covid-19
Bên cạnh việc tuân thủ phòng dịch như đeo khẩu trang khi ra ngoài, thường xuyên rửa tay, sát khuẩn thì mua bán online càng được dân chú trọng.
Dân công sở tranh thủ đi chợ online trong giờ nghỉ. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức. |
Tiện lợi mọi lúc, mọi nơi
Nằm trong danh sách gần 54.000 người từ thành phố Đà Nẵng về Hà Nội từ ngày 8/7, gia đình chị N.M.Thu (ngõ 32, phố An Dương) đang thực hiện cách ly tại nhà.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chị N.M.Thu chia sẻ: Sau khi cả nhà trở về Hà Nội bằng chuyến máy bay cuối cùng trước giờ Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội; người thân, nhiều bạn bè đã gọi điện, nhắn tin cho chị, hỏi thăm sức khỏe cũng như kế hoạch cách ly tại nhà ra sao. "Mọi người hỏi cần mua sắm đồ ăn thế nào để mua bán giúp, sau đó sẽ đặt tại cửa nhà để gia đình tôi hạn chế tối đa không ra ngoài"- chị Thu kể.
“Từ hôm cách ly đến nay, chúng tôi cảm thấy thoải mái, không gặp quá nhiều bất tiện. Tôi vẫn làm việc tại nhà; ngay cả đồ ăn sáng cũng có thể đặt qua ứng dụng Grab, Now.vn với các món như xôi xéo, bánh cuốn, bánh mỳ hoặc đồ nước là bún, phở. Người mang hàng đeo khẩu trang, găng tay, còn thành viên gia đình nhận đồ đều đứng xa 2 mét và đeo khẩu trang. Tôi chuyển khoản tiền qua ngân hàng thấy rất tiện lợi và sạch sẽ vì tiền giấy chứa nhiều vi khuẩn. Siêu thị Vinmart ngay cạnh nhà nhưng tôi vẫn đi chợ qua ứng dụng Grabmart, nếu ăn hoa quả tại Vinmart thì đặt ứng dụng VinID. Hiện tôi dùng tài khoản Techcombank nên chuyển khoản tiền qua các ngân hàng khác đều không mất phí”, chị N.M.Thu nói.
Nhân viên giao hàng và shipper đều đeo khẩu trang khi nhận đồ. Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức. |
Chị Nguyễn Thu Nga (quận Long Biên, Hà Nội) tự nhận mình là người cẩn thận trong việc nội trợ, thức ăn cho gia đình hàng ngày phải là tươi sống, không phải hàng cấp đông nên sáng nào cũng đi chợ mua đồ. Nhưng trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 lại bùng phát cần hạn chế đi lại, chị Nga đã lên mạng tìm hiểu về phương thức mua hàng online.
“Lúc đầu, tôi rất sợ mua hàng trên mạng thì không được hàng chuẩn, hàng không tươi. Nhưng khi đặt thử, tôi thấy rất ưng ý. Khi mua hàng trên mạng mình sẽ thanh toán qua tài khoản chứ không phải đưa bằng tiền mặt nữa, vừa tránh phải cầm lại tiền thừa vừa không phải ra cây ATM rút tiền,” chị Nga chia sẻ.
Cũng như chị Nga, anh Đồng Văn Thỏa ở Thành Công, Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ, anh có thói quen giao dịch 100% bằng tiền mặt hàng ngày, nhưng từ khi xuất hiện dịch bệnh, anh đã chuyển hẳn sang sử dụng online banking hay tận dụng tính năng QR Pay trên Mobile. Ngoài ra, anh Thỏa cũng vận động, hướng dẫn vợ hạn chế sử dụng trực tiếp tiền mặt, trừ khi đi chợ truyền thống hay mua sắm những mặt hàng có giá trị nhỏ…
Việc hạn chế sử dụng thanh toán bằng tiền mặt đã được các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng lớn nhanh chóng “vào cuộc”. Tại các hệ thống siêu thị Vinmart, Intimex hay Hapro…có tới 60 - 70% lượng người thanh toán không dùng tiền mặt.
VietinBank và BIDV đã cùng với VNPAY đã đưa kênh mua sắm “VinMart: Siêu thị tại nhà" lên ứng dụng iPay Mobile, giúp người dùng mua sắm an toàn trong mùa dịch.
Điểm nhấn nổi bật của kênh mua sắm “Vinmart: Siêu thị tại nhà” trên iPay Mobile là quy trình đóng gói, bảo quản và giao hàng được đồng bộ hóa. Thực phẩm tươi sống được sử dụng các phương pháp bảo quản lạnh tốt nhất, giao hàng đạt chuẩn, đảm bảo tươi ngon trong thời gian ngắn nhất.
Theo khảo sát của trang thương mại điện tử Shopee, người Việt mua hàng ở “chợ mạng” nhiều nhất là từ 12 - 14 giờ và từ 20 - 22 giờ hằng ngày, do có thói quen sử dụng điện thoại vào giờ nghỉ trưa và buổi tối trước khi đi ngủ.
Gia tăng kết nối , đáp ứng nhu cầu của khách hàng
Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, đặc biệt trong môi trường bệnh viện cũng đang được các bệnh viện và hệ thống ngân hàng rất quan tâm.
Mới đây, Ngân hàng BIDV và Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) đã vận hành đồng bộ các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của bệnh viện, giảm thời gian chờ đợi và hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Theo đó, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có thể sử dụng các hình thức thanh toán viện phí như: Thẻ y tế thông minh - thẻ lưu trữ thông tin bệnh nhân; đồng thời tích hợp chức năng thanh toán viện phí. Bệnh nhân có thể nộp tiền mặt linh hoạt theo mệnh giá khác nhau vào thẻ y tế phù hợp với nhu cầu khám chữa bệnh.
Để tránh tình trạng xếp hàng đông người, đề phòng dịch bệnh cũng như tiết giảm thời gian, chi phí đi lại, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR - Bộ Giao thông Vận tải) vừa triển khai ứng dụng mua vé tàu và thanh toán trực tuyến trên điện thoại. Đây là ứng dụng hỗ trợ khách hàng mua vé tàu trên các thiết bị di động, máy tính bảng, với thao tác chọn tàu, chọn vé, chọn phương thức thanh toán dễ dàng, nhanh chóng.
Theo đại diện lãnh đạo Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), đơn vị này đặt mục tiêu trong vòng 4 đến 5 năm tới, tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food, Co.op Smile… đạt 30%. “Tuy nhiên, những nỗ lực của doanh nghiệp chỉ mang lại hiệu quả khi Nhà nước và cơ quan chức năng có giải pháp mạnh mẽ hơn để có thể thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, cần có giải pháp quy hoạch tổng thể hệ thống chấp nhận thẻ thanh toán POS cũng như quy hoạch lại các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt”, Giám đốc Marketing Saigon Co.op Ðỗ Quốc Huy đề xuất.
Minh Phương