Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu: Vẫn phải chờ?
Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng với xăng dầu phải chờ Quốc hội quyết.
Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT phải chờ Quốc hội quyết
Bộ Tài chính cho biết đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.df
Cùng với giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 và giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng sẽ góp phần kiềm chế giá xăng dầu trong nước.
Thế nhưng, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chỉ cần Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và sẽ quyết sớm, thì việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng với xăng dầu phải chờ Quốc hội quyết.
Theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt thì chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế têu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật thuế TTĐB không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Tài chính cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khỏe (thuốc lá, rượu, bia,...), ảnh hưởng đến môi trường và cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hóa thạch) hoặc hàng hóa, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi gôn,...). Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.
Tại Việt Nam, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1999.
Tại Khoản 4 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn như sau: “4. Quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế;...”
Do đó, về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay.
Điều này cũng tương tự với thuế giá trị gia tăng. Theo Bộ Tài chính, pháp luật thuế giá trị gia tăng không có quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT mà chỉ quy định áp dụng thuế GTGT theo hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT với 3 mức thuế suất, trong đó quy định áp dụng mức thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; mức thuế suất 5% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như nước sạch, sản phẩm nông nghiệp và mức thuế suất 10% đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế còn lại. Mặt hàng xăng dầu đang chịu mức thuế GTGT 10% tương tự như nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.
Về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế GTGT thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Trước đây, khi trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022, Chính phủ đã trình giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với các hàng hóa thuộc diện chịu thuế 10%, trong đó có mặt hàng xăng. Tuy nhiên, Quốc hội đã quyết định không giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trong đó có mặt hàng xăng) và dầu mỏ tinh chế.
Chuyên gia kiến nghị giải pháp
Các chuyên gia đánh giá, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào 3 yếu tố: Giá thế giới, thuế và Quỹ Bình ổn giá. Hiện nay, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu âm, van điều tiết từ quỹ không còn tác dụng. Muốn giảm giá xăng dầu cần "van điều tiết" từ công cụ thuế.
PGS.TS. Phạm Văn Tài - Trưởng Khoa Thương mại quốc tế, Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại - đề xuất: Thời gian này nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc tạm thời không áp dụng thuế này vì xét cho cùng thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế áp dụng đối với những mặt hàng đặc biệt. Nhưng mặt hàng xăng lại rất thiết yếu đối với tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động bình thường của xã hội.
Còn theo TS. Nguyễn Thanh Trọng - Trường Đại học Kinh tế - Luật, TP. Hồ Chí Minh - không nên chỉ tính toán mỗi thuế tiêu thụ đặc biệt mà có thể tiếp tục xem xét và tạm hoãn thu thuế bảo vệ môi trường hoặc tính toán giảm thuế VAT vì hiện thuế VAT đối với xăng dầu vẫn là 10%. Bên cạnh đó, về lâu dài, tránh ảnh hưởng những cú sốc xăng dầu từ bên ngoài thì việc gia công nguồn cung trong nước là việc quan trọng để duy trì đảm bảo thị trường và chủ động nguồn cung. Và điều này giúp Nhà nước có thêm công cụ để can thiệp, điều tiết thị trường xăng dầu trong những trường hợp cần thiết như hiện nay.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nếu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu sẽ ảnh hưởng thu ngân sách. Cụ thể, theo dự toán thu năm 2022, tổng nguồn thu ngân sách khoảng 1,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, khoản thu từ các sắc thuế 1,05 triệu tỷ đồng. Riêng dự toán thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt nói chung ở mức 130.236 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2022, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu khoảng 6.503 tỷ đồng. Nếu giá dầu thế giới 7 tháng cuối năm 2022 bình quân khoảng 110 USD/thùng, số thu thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 9.614 tỷ đồng. Trường hợp giá dầu thô bình quân 120 USD/thùng, tiền thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 10.488 tỷ đồng. Như vậy, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh lên xăng dầu bằng gần 8% trong tổng nguồn thu thuế tiêu thụ đặc biệt tất cả mặt hàng khác.
Liên quan vấn đề này, TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, nếu sợ ngân sách thất thu mà không giảm thuế để giảm giá xăng dầu thì lo ngại sẽ thất thu cao hơn với khả năng lạm phát gia tăng mạnh. Cần phải hy sinh ngân sách trước mắt để thu được lâu dài, bởi vì lạm phát bùng nổ thì các khoản chi ngân sách sẽ tăng lên rất nhanh.
Trên thực tế, nếu chỉ thực hiện giảm các loại thuế, phí thì giá xăng dầu mới chỉ "hạ nhiệt" phần nào. Do vậy, các ý kiến chuyên gia cũng nhìn nhận rất cần thiết phải rà soát lại tổng thể các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế, đồng thời phát triển các sản phẩm thay thế xăng dầu. Cùng với đó phải thúc đẩy thói quen tiêu dùng xanh, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn qua sử dụng năng lượng tái tạo.
Hiện, mỗi lít xăng dầu đang chịu 4 loại thuế gồm: Thuế nhập khẩu 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%, không thu thuế với các loại dầu); thuế bảo vệ môi trường (1.900-2.000 đồng với xăng; 1.000 đồng một lít với dầu) và thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%. Ngoài ra, giá bán lẻ còn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050-1.250 đồng một lít xăng; 600-950 đồng một lít, kg tùy loại dầu. Tính chung, mỗi lít xăng dầu hiện "gánh" khoảng 34-35% các loại thuế, chi phí trong cơ cấu giá bán lẻ, tùy thời điểm.
Hà Lan