Giảm dùng đồ nhựa đi, chúng ta nợ môi trường quá nhiều rồi
Cần cả xã hội đồng lòng
Thông tin Saigon Co.op ngưng bán ống hút, rồi bạn trẻ nói không với đồ nhựa… giống như giọt nước mát đổ vào môi trường giữa thời buổi đồ nhựa xuất hiện mọi lúc, mọi nơi.
Nếu bạn không hành động thì sẽ chẳng có gì thay đổi. Một quán trà sữa, vài quán cà phê thay ống hút nhựa bằng ống hút bột sắn, cỏ bàng, một siêu thị gói thực phẩm bằng lá chuối, rồi giờ đến một hệ thống siêu thị đồng lòng nói không với ống hút nhựa. Ấm lòng gì đâu.
Cô bạn tôi cười xòa khi Quyên (nhân viên một công ty truyền thông ở Q.1, TP.HCM) ngày nào cũng lụi cụi mang hộp theo đựng thức ăn, mang bình nước, rồi gần đây là ống hút kim loại. “Chi mệt vậy bà nội? Bà nhắm cả cái xã hội này xài đồ nhựa, mình bà xài ba cái thứ rườm rà này thì thay đổi được gì. Tính đu trend hả?” – cô bạn dí ngón tay vào trán Quyên.
Đó chỉ là một trong những mẫu trao đổi của bạn trẻ khi thấy bạn bè mình mang theo những thứ “ngồ ngộ” thân thiện môi trường. Có bạn ủng hộ, có người tỏ ra thích thú, người đặt mua, người cho rằng không có tác dụng gì. Tôi thì chỉ mới mang theo bình nước, còn lười biếng mua ống hút bột sắn vì ngại đặt hàng trên mạng.
Nhưng tôi tin vào hiệu ứng lây truyền. Điều tốt sẽ có biên độ rất xa. Xã hội tiến bộ, điều kiện sống của một bộ phận dân cư đã khá hơn xưa, kể cả những thông tin về môi trường được tiếp cận đa chiều hơn.
Thử tưởng tượng trường học nào cũng không xài đồ nhựa như Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ), rồi UBND TP Cần Thơ chỉ đạo các cơ quan trong thành phố này học hỏi; rồi siêu thị nào cũng không bán ống hút nhựa, cửa hàng rau củ nào cũng thay bao bì bằng lá chuối; rồi lời khen ngợi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa rồi về việc triển khai sử dụng sản phẩm tự nhiên để gói, bọc thực phẩm thay thế túi nilông… Có thể thấy, việc hạn chế dùng đồ nhựa không thể tái chế đã khả thi so với cách đây 1-2 năm.
Qua việc xã hội quan tâm hơn đến môi trường bằng những hành động thiết thực, tôi cũng cảm thấy có một phần đóng góp của các phương tiện truyền thông. Những bài viết, trào lưu bạn trẻ cùng nhau nhặt rác, những người nổi tiếng cùng kêu gọi hành động vì môi trường… đã không uổng phí khi họ liên tục đăng tải quan điểm của mình trên facebook, instagram.
Thật ấm lòng khi nói chuyện với một chị phóng viên, nghe chị nói: “Chị thích viết về rác, về môi trường dù không nhiều view. Tối ngày chị theo dõi mấy fanpage về tái chế rác, đồ dùng thân thiện môi trường. Vậy mà vui, mà ý nghĩa”.
Đưa vào kế hoạch chi tiêu
Mỗi tuần bạn chi bao nhiêu tiền cho việc ăn uống, mua trà sữa, sắm quần áo, gặp gỡ bạn bè, đi xem phim? Bạn có khi nào nghĩ sẽ bỏ một khoản tiền nho nhỏ cho những vật dụng thân thiện môi trường hay không? Thậm chí là không tốn đồng nào, vì theo quan niệm của tôi, bảo vệ môi trường là bạn tận dụng những thứ có sẵn, không chi trả mua sắm thêm vì nguy cơ tăng rác thải trong tương lai.
Này nhé, bạn có thể tận dụng hộp đựng thức ăn ở nhà, chọn cái nào xinh xinh rồi mang theo trong cốp xe để mua thức ăn trưa nơi công sở. Bình nước bạn hay dùng trên lầu vì lười xuống dưới nhà lấy nước đâu, sao bạn không để trong ba lô?
Bạn có nhất thiết phải dùng ống hút không? Nếu có thì tại sao không chọn những quán xài ống hút cỏ bàng, hoặc tự sắm cho mình ống hút kim loại xài hoài hoài. Chúng chỉ có giá vài trăm đồng đến vài ngàn đồng mà thôi.
Điều quan trọng là bạn phải có suy nghĩ tích cực: bạn thay đổi thói quen và lan truyền thói quen tốt đó cho người xung quanh, bắt đầu từ gia đình, rồi tới bạn bè, người bán hàng. Bạn không cần phải có “tuyên ngôn” bằng status về việc này, chỉ cần thực hiện nó một cách nhẹ nhàng với niềm tin mọi thứ sẽ thay đổi.
Thử tưởng tượng một thời gian nữa, bạn và thế hệ của bạn cùng đồng lòng nói không với hộp xốp, ống hút nhựa, ly nhựa… thì chắc chắn thế hệ sau – con cháu của bạn – cũng sẽ hành động như bạn. Đó không phải là viễn cảnh xa vời đâu bạn ạ.
Chúng ta nợ môi trường quá nhiều rồi!
Theo Tuổi trẻ