Giá xăng trong nước có thể tăng thêm 500-700 đồng/lít?
Theo đà tăng của xăng dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước trong kỳ điều chỉnh tới (23/5), dự báo có thể tăng thêm 500-700 đồng/lít, vượt mốc 30.000 đồng/lít.
Thông tin mới nhất, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính cho biết sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào lúc 15h chiều 23/5 thay vì ngày mai 21/5.
Theo quy định từ ngày 2/1, kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ được giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày, tức là mỗi tháng điều chỉnh ba lần. Theo đó, thời gian điều hành giá sẽ rơi vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng.
Tuy nhiên, đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Do đó, kỳ điều hành ngày 21/5, trùng ngày thứ 7 sẽ được lùi sang ngày 23/5.
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 17/5 tăng nhẹ so với kỳ trước.
Cụ thể, ngày 17/5, xăng 92 (xăng nền để pha chế xăng E5RON92) có giá 146,32 USD/thùng, xăng 95: 150.32 USD/thùng, dầu hỏa: 137,51 USD/thùng, diesel: 141,15 USD/thùng, mazut: 662,79 USD/tấn.
Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/5/2022 và kỳ điều hành ngày 04/5/2022 là: 136,968 USD/thùng xăng RON92; 141,098 USD/thùng xăng RON95; 147,690 USD/thùng dầu hỏa; 150,136 USD/thùng dầu diesel; 701,864 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S.
Lãnh đạo đầu mối xăng dầu ở TP HCM cho biết bình quân giá xăng nhập khẩu vẫn tăng khoảng 5-6% so với chu kỳ trước. Hiện, các doanh nghiệp đang lỗ khoảng 1.000-1.100 đồng với xăng. Do đó, kỳ điều hành này, sau khi cân đối, cơ quan quản lý có thể tăng 500-700 đồng một lít với xăng, còn dầu giữ nguyên hoặc giảm nhẹ.
Đồng quan điểm, lãnh đạo xăng dầu ở Hà Nội cho biết doanh nghiệp lỗ vì giá nhập khẩu tăng cao. Trong khi đó, Quỹ bình ổn tại doanh nghiệp đang âm nên kỳ điều hành này, cơ quan quản lý có thể phải tăng giá mà không trích Quỹ với xăng.
Trong kỳ điều hành ngày 11/5, Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu theo hướng tăng tất cả các mặt hàng xăng. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 1.491 đồng/lít, giá bán lẻ là 28.959 đồng/lít; xăng RON95 tăng 1.554 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 29.988 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel tăng 1.120 đồng/lít, bán ra 26.650 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 1.340 đồng/lít, bán ra 25.168 đồng/lít. Riêng dầu mazut giữ nguyên giá, bán ra không cao hơn 21.560 đồng/kg (ổn định so với giá bán hiện hành).
Giảm thêm thuế cũng khó hạ được giá xăng dầu
Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Quốc Phương cho rằng, giá xăng trong nước tăng do giá xăng dầu thế gới liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay và vẫn đang trong xu hướng tăng, trong khi đó, giá xăng dầu trong nước liên thông với giá xăng dầu thế giới. Mặc dù hiện nay, Việt Nam đảm bảo nguồn cung trong nước được 70% sản lượng, nhưng vẫn còn 30% phải nhập khẩu.
“Hiện nay, giá xăng dầu thế giới không thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 147 USD/thùng của năm 2008. Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng cao, Việt Nam thực hiện một số biện pháp để giảm giá xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp giải quyết tình thế, chỉ giảm một phần nhỏ chứ không hy vọng giảm mạnh được”, ông Phương nói.
Chuyên gia này cho rằng, kể cả bây giờ Bộ Tài chính có đồng ý giảm thêm một loại thuế phí như VAT, thuế nhập khẩu cũng không giúp bình ổn được giá xăng dầu, thậm chí còn làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách trong bối cảnh ngân sách cũng đang rất “gay go”.
“Điều đó cho thấy, việc mong muốn giảm thuế, phí xăng dầu để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp và Chính phủ đã thực hiện nhưng đừng mong giảm được giá xăng dầu nhiều do nguyên nhân chính là giá xăng dầu thế giới tăng rất mạnh”, ông Phương nói.
Hà Lan