Giá xăng dầu có thể giảm tới 1.000 đồng/lít vào ngày mai?
Ở kỳ điều chỉnh ngày mai (12/4), giá xăng dầu trong nước nhiều khả năng tiếp tục hạ nhiệt với mức giảm được dự đoán là 1.000 đồng/lít.
Theo nhiều ý kiến dự báo, tại kỳ điều chỉnh ngày 12/4, giá xăng có thể giảm 1.000 - 1.200 đồng/lít. Trong trường hợp cơ quan quản lý trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu như kỳ điều hành trước thì giá xăng sẽ giảm ít hơn, khoảng 800-900 đồng/lít.
Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần giảm thứ 3 liên tiếp, về quanh mức 26.000-27.000 đồng/lít.
Dự đoán này dựa trên diễn biến của giá nguyên liệu trên thế giới. Lúc 6h15 ngày 11/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 5 được giao dịch ở mức 97,49 USD/thùng, giảm 0,77 USD, tương đương 0,78%.
Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 6 được giao dịch ở mức 102 USD/thùng, giảm 0,77%, tương đương 0,79 USD.
Giá dầu giảm trong bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 2 tháng ở Yemen cho phép nhập khẩu nhiên liệu vào các khu vực do nhóm Houthi của Yemen nắm giữ, làm gia tăng hy vọng nguồn cung sẽ ổn định ở Ả Rập Xê-út.
Ngoài ra, còn do sự sụt giảm nguồn cầu từ nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới Trung Quốc. COVID-19 lây lan mạnh buộc nước này phải mở rộng các biện pháp phong tỏa tại thành phố Thượng Hải, đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ năng lượng đặc biệt là dầu giảm.
Nhưng yếu tố chính “đẩy” giá dầu lao dốc đó là quyết định giải phóng 120 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Còn theo dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 7/4 có xu hướng giảm so với kỳ trước.
Cụ thể, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình là 120,36 USD/thùng, còn giá xăng RON 95 là 123,76 USD/thùng. Trong khi bình quân giá xăng kỳ điều hành trước là 126,83 USD/thùng xăng RON 92 và 130,55 USD/thùng xăng RON 95.
Cụ thể, xăng có mức chiết khấu 1.200-1.500 đồng/lít, dầu diesel 1.400-1.800 đồng/lít, tùy thời điểm và khu vực.
Ở kỳ điều chỉnh trước (ngày 1/4), giá xăng E5RON 92 đã giảm 1.021 đồng/lít còn 27.309 đồng/lít, xăng RON95 giảm 1.039 đồng/lít còn 28.153 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu đồng loạt tăng mạnh. Cụ thể, giá dầu diesel tăng 1.447 đồng/lít, lên 25.080 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 1.519 đồng/lít lên 23.764 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 506 đồng/kg lên 20.929 đồng/kg.
Không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu
Phát biểu tại diễn đàn “Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội", Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: “Chúng tôi không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu mà luôn tính toán tác động đến nền kinh tế. Nhưng muốn kiểm soát giá xăng dầu phải có giải pháp tổng thể, không phải chỉ giảm thuế".
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính luôn có tính toán để đảm bảo tính đồng bộ trong quan hệ cung cầu, quỹ xăng dầu, giảm thuế, chống buôn lậu, đảm bảo nguồn cung để có tác động tích cực tới nền kinh tế. Giá xăng dầu của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn Lào, Trung Quốc và 1 số quốc gia lân cận.
"Vấn đề Bộ Tài chính đặt ra là sự phát triển của doanh nghiệp, ngay cả khi thực hiện gói kích cầu. Việc kéo dài gói kích cầu từ năm 2022 đến khi kết thúc năm 2023, đòi hỏi các công trình cơ bản, đầu tư công phải được thực hiện nhanh trước bối cảnh giá thép lên, xăng dầu lên, việc cung ứng vật tư phải kịp thời. Bộ Tài chính yêu cầu các tỉnh phải ban hành đơn giá nguyên vật liệu hàng tháng để doanh nghiệp đỡ thiệt thòi, thu hồi và thực hiện dự án nhanh", ông Hồ Đức Phớc nói.
Hà Lan