Giá vàng miếng SJC giảm gần 1 triệu đồng/lượng, sức mua người dân lại tăng cao trở lại
Giá vàng miếng SJC hiện đang được giao dịch ở mức 77,00 – 79,00 triệu đồng/lượng, giảm 1,3 triệu ở giá mua vào và 800 nghìn đồng ở chiều bán ra.
Chênh lệch mua - bán tăng lên ngưỡng 2 triệu đồng
Theo ghi nhận trên thị trường sáng nay (6/8), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng ở mức 77,00 – 79,00 triệu đồng/lượng, giảm 1,3 triệu ở giá mua vào và 800 nghìn đồng ở chiều bán ra. Chênh lệch giữa chiều mua và bán tăng lên ngưỡng 2 triệu đồng, từ mức 1,5 triệu phiên hôm qua.
Các doanh nghiệp lớn như DOJI, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý, PNJ… cũng điều chỉnh giá loại vàng này về 79 triệu đồng một lượng.
Tại 4 ngân NHTMNN (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank), giá bán vàng SJC áp dụng cho phiên hôm nay là 79 triệu đồng/lượng, cao hơn 1 triệu đồng so với giá bán trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước.
Tương tự vàng miếng, giá vàng nhẫn cũng giảm. Mỗi lượng loại này tại SJC giao dịch ở mức 76,15 - 77,45 triệu đồng, hạ 100.000 đồng so với đóng cửa hôm qua.
Giá vàng trong nước đi xuống do ảnh hưởng bởi giá thế giới. Kim loại quý đã lao dốc mạnh đến hơn 30 USD/ounce do ảnh hưởng từ tiêu cực thị trường tài chính toàn cầu. Cùng với vàng, một loạt tài sản khác như chứng khoán, tiền số… cũng đồng loạt giảm mạnh.
Lúc 9 giờ (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới được giao dịch ở mức 2.413 USD/ounce, giảm hơn 30 USD/ounce so với phiên trước. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết chỉ còn 73,5 triệu đồng/lượng.
Giá USD ở các ngân hàng cũng đi xuống trong những ngày gần đây. Sáng nay, Vietcombank niêm yết giá USD mua vào ở 24.930 đồng/USD, bán ra với giá 25.270 đồng/USD, giảm hơn 100 đồng/USD so với thời điểm cuối tuần trước.
Nguồn tiền nhàn rỗi chạy sang vàng
Mới đây, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam trích dẫn số liệu theo báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho thấy, trong nửa đầu năm nay nhu cầu vàng miếng SJC tại thị trường trong nước tăng mạnh.
Cụ thể, nhu cầu vàng miếng tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023 lên 12 tấn. Trong khi đó, nhu cầu vàng trang sức giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 3 tấn. Sự sụt giảm này chủ yếu do giá vàng chi phối, bên cạnh đó do tăng trưởng GDP chậm lại cũng tác động đến tâm lý người mua.
Đáng chú ý, WGC cho rằng, chỉ 6 tháng đầu năm 2024, tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu đã đạt 26 tấn, đây là mức cao nhất kể từ năm 2014. Tuy nhiên, nhu cầu vàng trang sức giảm xuống chỉ còn hơn 7 tấn, mức thấp nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 2020.
Thực tế cho thấy, ngay từ đầu năm nay, nhu cầu vàng miếng luôn trong xu hướng tăng cao do mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đã chạm sàn. Bên cạnh đó là thị trường bất động sản thì khan hiếm nguồn cung, thị trường chứng khoán thì trồi sụt thất thường…
Điều này khiến một phần lớn nguồn tiền nhàn rỗi chạy sang vàng. Nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung lại khan hiếm khiến chênh lệch giữa vàng miếng SJC và thế giới có thời điểm nới rộng lên 18-20 triệu đồng/lượng.
Anh Thư