Gia Lai: Cần làm rõ nhiều vấn đề tại các mỏ cát ở huyện Ia Pa
Tại Điều 42, Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định các tổ chức khai thác khoáng sản phải lắp đặt trạm cân, camera giám sát. Thế nhưng, nhiều mỏ cát tại huyện Ia Pa, lại không thực hiện quy định này.
Cận cảnh "công trường" vào ban đêm
Thời gian qua, nhiều mỏ khai thác khoáng sản tại tỉnh Gia Lai nói chung và huyện Ia Pa nói riêng đã không thực hiện việc “lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan” theo quy định tại khoản 2 Điều 42, Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật khoáng sản số 60/2010/QH12. Vì không lắp đặt trạm cân nên không thể xác định được khối lượng khoáng sản mà các doanh nghiệp khai thác vượt trữ lượng.
Không khó để ghi nhận các mỏ cát tại huyện Ia Pa đang hoạt động khai thác khoáng sản nhưng không lắp đặt trạm cân, camera giám sát. Ngoài ra các doanh nghiệp khai thác khoảng sản cũng không thực hiện một số quy định về việc khai thác khoáng sản theo Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Cụ thể đó là việc khai thác khoáng sản vào ban đêm không đúng quy định của pháp luật, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Đơn cử như mỏ cát của Công ty TNHH MTV Công Thắng Gia Lai (xã Ia Trok) và mỏ cát Công ty TNHH MTV Toàn Thắng Phát Gia Lai (xã Chư Mố) hoạt động trong suốt thời gian dài nhưng theo phản ánh của người dân và theo sự tìm hiểu của phóng viên không thực hiện việc lắp đặt trạm cân để tra soát khối lượng theo quy định.
Theo ghi nhận của Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường tại Gia Lai, 2 mỏ cát nêu trên không có cân tải trọng để kiểm soát trữ lượng và hoạt động liên tục không kể ngày hay đêm. Mặc dù, thời gian quy định được phép hoạt động khai thác trong ngày là từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều, không được khai thác ban đêm theo quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP . Thế nhưng, Phóng viên lại ghi nhận khung giờ hoạt động vận chuyển cát cao điểm nhất của 2 mỏ cát này là từ 18h tối cho đến sáng hôm sau.
Một người dân (đề nghị giấu tên) sống gần mỏ cát Công ty TNHH MTV Toàn Thắng Phát Gia Lai cho biết: Các xe vào mỏ chở cát suốt ngày đêm, chạy “rầm rầm” gây bụi bặm khiến người dân không thở được. Nhiều lần họp cử tri người dân có ý kiến, thế nhưng không thấy chính quyền vào xử lý…
Nhiều vấn đề cần làm rõ
Để làm rõ việc các mỏ cát trên hoạt động không có cân tải trọng và xe vận chuyển cát vào ban đêm, chính quyền có biết hay không? Ngày 23/1/2024, PV đã đến Văn phòng UBND huyện Ia Pa; UBND xã Ia Trok và UBND xã Chư Mố để làm việc và được các cán bộ của ba đơn vị trên trả lời: Đơn vị tiếp nhận thông tin của Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường và sẽ phản hồi sau.
Một chi tiết khác liên quan đến các vấn đề khai thác khoáng sản tại 2 mỏ cát nêu trên, PV quan sát ở các đường vào của 2 mỏ cát nêu trên không có bảng giới hạn tải trọng. Câu hỏi được đặt ra ở đây, đó là: Các cơ quan chức năng có cắm biển giới hạn tải trọng hay chưa?
Để có thông tin chính thức từ cơ quan chức năng nhằm phục vụ bạn đọc, đề nghị UBND huyện Ia Pa chỉ đạo các cơ quan chức năng của Huyện; UBND 2 xã (Ia Trok và Chư Mố) vào cuộc xác minh, kiểm tra và xử lý vấn đề nêu trên.
Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Minh Chỉnh