Gấp rút khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra
Công tác ứng phó, khắc phục những thiệt hai do bão số 9 gây ra đang được gấp rút thực hiện.
Bão số 9 đã đổ bộ vào đất liền tại tỉnh Quảng Ngãi lúc 12h ngày 28/10, đây là cơn bão mạnh, có sức tàn phá lớn. Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT, bộ Công thương) đã có báo cáo tình hình chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra cập nhật đến thời điểm 16h00 ngày 29/10, cụ thể như sau:
Khoảng 12h trưa ngày 28/10, bão số 9 đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Thời điểm đổ bộ, tâm bão có gió mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15. Sức gió quan trắc được mạnh cấp 9, giật cấp 12 ở Bình Châu (Quảng Ngãi), một số nơi ở Bình Định, Gia Lai và Quảng Nam gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 9-10 ở thời điểm bão đổ bộ đất liền.
Khi vào sâu đất liền bão di chuyển chậm. Các tỉnh từ Quảng Nam đến phía bắc Bình Định có gió cấp 11-12, giật cấp 14. Tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Phú Yên gió cấp 8-10, giật cấp 12. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Trị và phía bắc tỉnh Khánh Hòa có gió từ cấp 6 đến cấp 8, giật cấp 10.
Ban đầu đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong ở Quảng Ngãi do chằng chống nhà ở, chặt tỉa cành cây để chống bão; 26 thuyền viên bị mất tích do 2 tàu bị chìm; 55 mất tích người do sạt lở đất tại Quảng Nam.
Lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai đã đạt đỉnh và đang xuống; trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị đang lên. Hôm nay, lũ trên sông Thạch Hãn đạt đỉnh trên báo động 3 0,4m sau đó xuống; Trên các sông từ Quảng Bình đến Nghệ An ở mức trên, dưới báo động 2, riêng sông Kiến Giang tại Lệ Thủy trên báo động 3.
Để chuẩn bị ứng phó với bão, Bộ Công Thương đã ban hành Công điện số 8080/CĐ-PCTT ngày 26 tháng 10 năm 2020 gửi Sở Công Thương các tỉnh duyên hải từ Nghệ An đến Phú Yên và các tỉnh khu vực Tây Nguyên; các Tập đoàn, Tổng công ty; các chủ đập thủy điện và chủ công trình khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh nêu trên để chỉ đạo các đơn vị, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
Công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện đang vận hành phát điện và các dự án thủy điện đang thi công xây dựng.
Các đơn vị thủy điện tổ chức ứng trực 24/24h, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, sẵn sàng biện pháp xử lý các tình huống sự cố đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong khu vực; vận hành hồ chứa tuân thủ quy trình vận hành và chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; rà soát bổ sung lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết sẵn sàng trong trường hợp bị cô lập dài ngày.
Các đơn vị sản xuất công nghiệp tổ chức kiểm tra để xử lý các vị trí xung yếu, gia cố, giằng néo công trình đảm bảo an toàn.
Sở Công Thương đảm bảo cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu; đôn đốc các doanh nghiệp thủy điện và công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh thực hiện các nội dung của Công điện. Quản lý thị trường tăng cường kiểm soát, đảm bảo bình ổn giá trên thị trường.
Sau khi bão đổ bộ vào đất liền, trước diễn biễn phức tạp của mưa do hoàn lưu bão gây ra, ngày 29/10/2020, Bộ Công thương đã ban hành Công điện số 8207/CĐ-PCTT chỉ đạo các đơn vị ứng phó hiệu quả với mưa hoàn lưu; cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhân dân, ổn định thị trường và khắc phục nhanh nhất hậu quả do bão gây ra để sớm đưa sản xuất ổn định trở lại.
Xuân Hòa