Dự báo điểm chuẩn tuyển sinh đại học năm 2023 sẽ không có nhiều biến động
Căn cứ kết quả phân tích phổ điểm theo từng tổ hợp do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố, các chuyên gia cho rằng, điểm chuẩn xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy năm 2023 sẽ không có biến động lớn, khả năng tương đương năm ngoái.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào đại học trên Hệ thống (không giới hạn số lần) trong thời gian quy định (từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7).
Trước 17h ngày 22/8, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn đại học 2023 và kết quả xét tuyển.
So sánh phổ điểm các môn khác của 2 năm 2022 và 2023 có thể thấy, điểm môn Văn, Tiếng Anh, Sinh học tăng. Điểm Hóa học, Vật lý giảm. Do chỉ tiêu vào đại học lấy điểm thi tốt nghiệp THPT đã giảm đi nên dự đoán điểm chuẩn theo khối ở khoảng điểm từ 22 trở lên như sau:
Khối A0 (Toán, Lý, Hóa): Điểm chuẩn giảm từ 0.2 – 0.5 điểm; Khối A1 (Toán, Lý, Anh): Điểm chuẩn tăng từ 0.2 – 0.5 điểm; Khối D1 (Toán, Văn, Anh): Điểm chuẩn tăng từ 0.5 – 1 điểm; Khối B (Toán, Hóa, Sinh): Điểm chuẩn tăng từ 0.5 – 1 điểm.
Căn cứ kết quả phân tích phổ điểm theo từng tổ hợp do Bộ GD&ĐT công bố, các chuyên gia cho rằng, điểm chuẩn xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy năm 2023 sẽ không gây sốt, khả năng tương đương năm ngoái.
Khác biệt điểm chuẩn có thể xảy ra ở trường hợp, thí sinh thấy ngành A năm ngoái điểm cao, lo ngại và đăng kí vào ngành B. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi điểm chuẩn giữa 2 ngành A, B. Còn mặt bằng chung điểm chuẩn, dự đoán không có nhiều biến đổi.
TS. Lê Đình Nam - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh (Đại học Bách khoa Hà Nội) dự đoán, điểm chuẩn các chương trình đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội có thể giảm.
Khác với năm 2022, năm nay, tất cả các ngành đào tạo của Bách khoa Hà Nội đều sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Với một số ngành "hot" được nhiều thí sinh quan tâm có mức độ cạnh tranh cao như: nhóm ngành Công nghệ thông tin, điểm chuẩn năm nay có khả năng tăng nhẹ; nhất là khi có một số mã xét tuyển Công nghệ thông tin năm ngoái không lấy kết quả điểm thi THPT.
Nhóm ngành tự động hóa, cơ điện tử và toán tin, điểm chuẩn có thể giữ nguyên hoặc không thay đổi đáng kể. Đa phần các chương trình còn lại dự báo điểm chuẩn có thể giảm.
Bên cạnh đó, chỉ tiêu xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội theo điểm thi (bao gồm điểm thi THPT và Đánh giá tư duy) tăng so với năm ngoái, chiếm 85-90%. Đây cũng là một trong các cơ sở để dự đoán điểm chuẩn vào Bách khoa Hà Nội sẽ giảm so với các năm.
Với Trường Đại học Kinh tế quốc dân, theo PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng quản lý đào tạo, với mức độ đề thi có tính phân hóa cao hơn so với năm 2023, dự kiến điểm chuẩn năm nay khả năng giảm hơn so với năm 2022 là không lớn. Trường hợp có sự tăng/giảm thì thay đổi biên độ rất nhỏ, từ 0,25-0,5 điểm, tùy mã ngành.
Với các ngành "hot" như marketing, kinh doanh quốc tế, logistics và quản lý chuỗi cung ứng năm 2022 điểm chuẩn trên 28, năm nay khó tăng cao hơn, tuy nhiên thí sinh phải đạt trên 28 điểm mới có cơ hội trúng tuyển.
Trong khi đó, theo đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), điểm chuẩn còn phụ thuộc nhiều yếu tố, như số lượng thí sinh đăng ký, chỉ tiêu…
Tuy nhiên, căn cứ vào phổ điểm có thể dự đoán điểm chuẩn khối khoa học tự nhiên năm nay sẽ có thay đổi không nhiều. Trong đó, điểm chuẩn khối A00 (Toán - Lý - Hóa) có thể giảm nhẹ trong biên độ từ 0,5-1,5 điểm so với năm 2022. Khối A01 (Toán - Lý - Tiếng Anh) tương đương năm 2022 hoặc giảm khoảng 0,5-1,0 điểm. Trong khi đó, khối B00 (Toán - Hóa - Sinh) có thể tăng giảm khoảng 0,5-1,0 điểm.
Chuyên gia cũng lưu ý, các dự báo điểm chuẩn chỉ mang tính chất tham khảo. Thí sinh đạt điểm dưới mức dự báo vẫn nên mạnh dạn đăng ký ngành học yêu thích vì thứ tự nguyện vọng không ảnh hưởng đến kết quả trúng tuyển vào các nguyện vọng bên dưới.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, một trong những căn cứ để thí sinh có thể tham khảo khi chọn ngành học là số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT về các nhóm ngành được nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký những năm gần đây.
Bởi đó đều là những nhóm ngành quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bắt kịp xu hướng phát triển nói chung.
Ngược lại, với những nhóm ngành đang thiếu sức hút đối với thí sinh (như nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội), thí sinh cũng không nên e ngại và nếu cảm thấy phù hợp với bản thân thì cứ mạnh dạn đăng ký.
Lan Anh