Thừa đơn hàng nhưng thiếu lao động, doanh nghiệp lâm vào thế khó
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều lao động phải nghỉ việc. Doanh nghiệp thiếu lao động trầm trọng, thậm chí phải dừng sản xuất, do không đảm bảo được điều kiện phòng dịch, dẫn tới nguy cơ đánh mất thị trường trong tương lai.
Thiếu nhân công, khó xin giấy phép di chuyển, không có nguyên liệu sản xuất... là những lý do khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm đóng cửa và lần lượt nhìn các đơn hàng mất đi.
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) dự báo kim ngạch xuất khẩu các ngành sản xuất như: ô tô, cơ khí, da giày… có thể sụt giảm mạnh những tháng tới do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, các thị trường của ngành da giày có tổng cầu mạnh mẽ năm 2020 và 6 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng có thể lên đến 20 - 22 tỉ USD mỗi năm.
"Nếu doanh nghiệp ngừng sản xuất trong một thời gian ngắn thì các đối tác có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu quá trình ngừng sản xuất kéo dài thì các nhãn hàng sẽ dịch chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam. Cơ hội cho Việt Nam sẽ bị mất là hiển nhiên", bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, nhận định.
Từ nay đến cuối năm, đơn hàng của nhiều ngành hàng xuất khẩu quan trọng như dệt may, gỗ, thuỷ sản… khá khả quan. Có thể thấy, nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm phục hồi cộng với việc thực thi các FTA đã và đang mở ra không ít cơ hội tăng tốc cho hàng Việt từ nay đến cuối năm cũng như các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp lại đang thấp thỏm âu lo tình trạng đứt gãy sản xuất, cung không đáp ứng nổi cầu vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại hàng loạt địa phương trên cả nước.
Tại khu vực phía Nam, nhiều tỉnh phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ do tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp. Thế nhưng, theo thống kê trước đó, có tới 90% doanh nghiệp hoạt động trong các ngành dệt may, điện tử, da giày - túi xách, gỗ mỹ nghệ tại phía Nam không bảo đảm an toàn, để dịch bệnh xuất hiện, các ca nhiễm tăng mạnh trong nhà máy bắt buộc phải dừng sản xuất, nguy cơ mất các đơn hàng tăng cao.
Về phía doanh nghiệp, vướng mắc chủ yếu hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng, không vận chuyển được hàng, thiếu công nhân, lao động, các nhà máy phải giảm công suất.
Phân tích thêm về những trở ngại này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên đưa ra ví dụ: Khi không giao được hàng cho đối tác nước ngoài qua đường hàng hải, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng và bị phạt 1 triệu USD, nên doanh nghiệp chuyển sang giao hàng bằng máy bay với chi phí cao hơn, thêm vào đó là lo cho người lao động “3 tại chỗ” (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ).
Cuối cùng, doanh nghiệp lỗ 500.000 USD nhưng họ chấp nhận. Bởi lẽ, vấn đề của doanh nghiệp bây giờ là giữ được thị trường và giảm lỗ hết mức, chứ không phải là giữ được thị trường và bảo đảm lợi nhuận trong sản xuất nữa.
Với ngành điện tử, hiện nay Samsung Electronics, khoảng trên 50% sản phẩm trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam. Ngành may mặc cũng có tỉ trọng đặt hàng tại Việt Nam khá lớn, lên đến 50% tùy nhãn hàng. Vì vậy, nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát thì các đơn hàng mới có cơ hội ở lại để sản xuất tại Việt Nam.
"Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng và sản xuất lớn sẽ tìm kiếm sự bù đắp, thiếu hụt chuỗi cung ứng từ quốc gia khác. Việc quay trở lại chuỗi giá trị toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình lâu dài", ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), nhấn mạnh.
Việc tạm ngưng hoạt động khiến nhiều nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi hoạt động sản xuất bị đứt gãy và chịu gánh nặng tài chính, thậm chí mất đơn hàng do không kịp sản xuất. Nếu tình hình này kéo dài, các doanh nghiệp sẽ khó lòng trụ vững.
Nguyễn Luận (T/h)