Đồ nhựa dùng một lần sẽ bị loại bỏ tại Vương quốc Anh
Chính phủ Anh cho biết, đĩa nhựa dùng một lần, dao kéo và cốc nhựa sẽ nằm trong số rất nhiều mặt hàng có thể bị cấm ở Anh.
Sự phát triển của ngành nhựa đã kéo theo rác thải nhựa và túi nylon thải ra môi trường tăng lên theo cấp số nhân. Con người đang từng ngày, từng giờ tàn phá, hủy diệt môi trường sống và hệ sinh thái, đặc biệt là sinh vật biển.
Chính phủ Vương quốc Anh thông tin, ước tính mỗi người sử dụng 18 đĩa nhựa dùng một lần và 37 dụng cụ dao kéo bằng nhựa dùng một lần mỗi năm.
Bộ Môi Trường, Thực phẩm và Vấn đề nông thôn Vương Quốc Anh (DEFRA) tuyên bố, từ tháng 4/2022, Anh sẽ áp dụng mức thuế đóng gói bao bì nhựa cao nhất thế giới, ở mức 200 bảng Anh (tương đương 275,32 USD) cho mỗi tấn, đối với bao bì nhựa không đáp ứng ngưỡng tối thiểu là ít nhất 30% hàm lượng tái chế.
"Chúng tôi đã đạt được tiến bộ để 'lật ngược tình thế' đối với nhựa, cấm cung cấp ống hút nhựa, thìa nhựa và que nhựa từ bông ngoáy tai, trong khi phí vận chuyển của chúng tôi đã cắt giảm 95% doanh số bán hàng tại các siêu thị chính", Bộ trưởng George Eustice nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, danh sách đầy đủ các mặt hàng sử dụng một lần đang được xem xét và quốc gia này sẽ công bố các chi tiết tham vấn khác trong những tuần tới.
Trước đó, kể từ ngày 5/10/2015, nước Anh áp dụng chính sách tính phí 5 xu (khoảng 1.600 đồng) cho mỗi túi nhựa. Động thái này của Chính phủ nhằm thay đổi thói quen sử dụng túi nylon của người dân vốn gây tác động tiêu cực đến môi trường sống khi nylon rất khó bị phân hủy trong môi trường, thải ra nhiều độc chất.
Cơ quan môi trường Anh cho biết, số lượng túi nylon tại Anh tăng rất nhanh trong vòng 5 năm (từ 2010 - 2015), với 7,6 tỉ đơn vị được sử dụng mỗi năm, tương đương 61 nghìn tấn. Như vậy, ước tính mỗi người dân Anh sử dụng đến 140 túi nylon trong vòng một năm.
Theo quy định mới, các chủ cửa hàng tại các siêu thị và các cửa hiệu lớn tại Anh phải đựng sản phẩm của họ cho khách hàng trong các bao bì do cửa hàng sản xuất, thân thiện với môi trường. Trong khi đó, các nhà hoạt động môi trường lên tiếng yêu cầu này cần được áp dụng đối với các cửa hiệu bán lẻ.
Đáng chú ý, lượng túi nhựa dùng một lần được tiêu thụ trong các chuỗi siêu thị lớn ở Anh đã giảm hơn 95% so với cách đây 5 năm, khi chính sách đánh thuế được ban hành.
Tuy nhiên, nỗ lực giảm thải rác nhựa ở Anh đang bị đình trệ kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Số lượng rác thải nhựa tăng chóng mặt do người dân liên tục sử dụng khẩu trang, găng tay, tấm che mặt và khăn lau dùng một lần. Cùng với đó, tốc độ tái chế nhựa cũng giảm mạnh do tình trạng phong tỏa.
Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) cho biết, ước tính có 8 triệu tấn nhựa thải ra đại dương mỗi năm - tương đương với một xe chở đầy rác đổ xuống biển mỗi phút, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và hệ sinh thái biển.
Rác thải tích tụ ở bờ biển, trên bề mặt và đáy biển có khoảng 60% - 90% là nhựa. Rác thải nhựa ở đại dương gây hại cho hơn 800 loài sinh vật biển, trong đó có 15 loài đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Nhựa được tiêu thụ bởi các loài sinh vật biển và xâm nhập vào cơ thể con người thông qua chuỗi thức ăn. Ước tính, mỗi người trung bình ăn ít nhất 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm và hít vào một khối lượng tương tự.
Lan Anh (T/h)