Điểm chuẩn đại học: Trường cao chót vót, nơi thấp khó tin
Trái ngược với những ngành thí sinh đạt 9 điểm mỗi môn vẫn có nguy cơ trượt, một số trường đại học chỉ lấy mức điểm chuẩn dưới 15. Như vậy, kể cả khi không có điểm cộng, thí sinh chỉ cần đạt trung bình khoảng 4,7 điểm một môn trở lên là đỗ.
Mỗi môn 9 điểm vẫn trượt
Tới ngày 20/8, hầu hết các trường đại học đã công bố điểm chuẩn (điểm trúng tuyển). Thống kê cho thấy điểm chuẩn năm nay có sự biến động, chủ yếu tập trung ở tổ hợp C00 (Văn - Sử - Địa). Ở tổ hợp này, điểm chuẩn đều có xu hương tăng cao, thậm chí bỏ xa các ngành xét tuyển Toán - Lý - Hóa.
Thậm chí, chuyện dở khóc dở cười xảy ra với khối ngành sư phạm khi thí sinh dù đạt 9,6 điểm mỗi môn vẫn có nguy cơ trượt nguyện vọng. Có thể kể tới như Đại học Sư phạm Hà Nội, với ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử. Cả hai ngành này đều lấy điểm chuẩn 29,3. Như vậy, thí sinh phải đạt hơn 9,7 điểm mỗi môn mới có cơ hội vào trường. Đây cũng là mức điểm chuẩn cao nhất của trường này. Ngoài ra, mặc dù phải đạt mức điểm khủng, nhưng thí sinh trước đó phải đăng kí nguyện vọng 1 mới có cơ hội trúng tuyển.
Ngoài việc điểm chuẩn cao, các ngành này đã vượt xa mức điểm của khối tự nhiên. Cũng tại Đại học Sư phạm Hà Nội, ngành sư phạm toán học chỉ có 27,47. Các ngành sư phạm vật lý, hóa học, sinh học có điểm chuẩn dao động từ trên 26 đến trên 27 điểm. Ngay cả các ngành sư phạm "môn phụ" như giáo dục công dân cũng có điểm chuẩn cao hơn những ngành này.
Không chỉ Đại học Sư phạm Hà Nội, các trường khác có ngành sư phạm đều ghi nhận mức điểm chuẩn cao. Ví dụ như tại Trường Đại học Hải Dương. Theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn cao nhất là Sư phạm địa lý với 26,85 điểm. Tiếp đó là Sư phạm ngữ văn với 26,62 điểm. Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học đều lấy trên 26 điểm, lần lượt là 26,4 và 26,5. Sư phạm lịch sử lấy 26,35 điểm.
Ở các môn tự nhiên, Sư phạm toán lấy cao nhất với 25,11. Tiếp đó là Sư phạm khoa học tự nhiên với 23,7. Điểm chuẩn thấp nhất là Sư phạm tin học với 20,7.
Trường Sư phạm - Đại học Huế có mức điểm cho ngành Sư phạm Ngữ văn là 28,1; ngành Lịch sử, Địa lý là 27,37.
Năm nay số thí sinh khối C tăng khoảng 20.000 so với năm 2023. Điểm trung bình ba môn thi năm 2023 là 18,97 điểm đã tăng 1,98 điểm lên 20,95 điểm năm 2024.
Nếu xét ở mức điểm giỏi và xuất sắc, số lượng thí sinh còn tăng nhiều hơn. Ở mức điểm 24, năm 2023 có 33.459 thí sinh, năm 2024 tăng lên gấp đôi.
Trong khi đó, số lượng thí sinh đạt điểm xuất sắc còn tăng "kinh hoàng". Ở mức điểm 27, năm 2023 có 6.041 thí sinh, năm 2024 số lượng thí sinh đạt mức điểm này tăng gấp 4 lần. Số lượng thí sinh đạt 28 điểm tăng gấp 6 lần năm 2023, 29 điểm tăng hơn 10 lần. Số lượng thí sinh từ trên 29 điểm đến 30 điểm năm 2024 tăng hơn 54 lần năm 2023.
Đó là lý do khiến điểm chuẩn nhiều ngành, nhiều trường xét tuyển văn - sử - địa tăng chóng mặt. Không ít trường năm trước có điểm chuẩn thường thường bậc trung thì năm nay có ngành 9 điểm mỗi môn vẫn rớt. Đơn cử là Trường đại học Văn hóa TP.HCM, ngành nào điểm chuẩn cũng tăng, cao nhất lên đến 8,5 điểm.
4,7 điểm mỗi môn vẫn đỗ
Trái ngược lại với những trường, ngành "hot", thì tại một số trường mức điểm chuẩn lại khá "bèo".
Một số trường lấy điểm chuẩn dưới 15. Ngay cả khi không có điểm cộng, thí sinh chỉ cần đạt trung bình khoảng 4,7 điểm một môn trở lên là đỗ. Đây cũng là mức thấp nhất cả nước.
Ví dụ như Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương lấy chung mức 14 điểm cho 16 trên 17 ngành (trừ Dược học 21 điểm). Trong số này, nhiều ngành được đánh giá "hot" như Quản trị kinh doanh, Marketing, Công nghệ thông tin, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng...
Trường Đại học Thành Đông (Hải Dương) cũng có 19 trong số 25 ngành lấy điểm chuẩn 14, áp dụng với tất cả tổ hợp. Sáu ngành trên ngưỡng này đều thuộc nhóm sức khỏe, lấy điểm chuẩn bằng với mức sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, gồm: Y học cổ truyền, Dược học (21 điểm), Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Điều dưỡng, Dinh dưỡng (19).
Tại trường Đại học Kiên Giang, bên cạnh nhiều ngành trên 20 điểm, thậm chí Giáo dục tiểu học tới 27,53; trường có ngành Công nghệ sinh học lấy đầu vào 14; Khoa học cây trồng, Chăn nuôi, Kinh doanh nông nghiệp 14,25 và Quản trị kinh doanh 14,95.
Cũng có ngưỡng trúng tuyển từ 14 điểm là trường Đại học Quảng Nam. Năm ngành Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ Anh, Quản trị kinh doanh, Bảo vệ thực văn, Việt Nam học (Văn hóa - Du lịch) cùng lấy mức này. Những ngành còn lại ở trường đều trên 21, đặc biệt nhóm Sư phạm lấy 23-25 điểm.
Phương Thúy