Thứ sáu, 29/03/2024 11:51 (GMT+7)
Thứ ba, 16/04/2019 15:14 (GMT+7)

ĐHCĐ Ngân hàng SCB: Cảnh báo hạn chế “đổ vốn” vào bất động sản

Theo dõi KTMT trên

Cục thanh tra giám sát –Ngân hàng Nhà nước đã lưu ý HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cần hạn chế tập trung quá nhiều vào đầu tư bất động sản, yêu cầu thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng, cơ cấu nguồn vốn hợp lý và hạn chế đầu tư lĩnh vực rủi ro…

ĐHCĐ Ngân hàng SCB: Cảnh báo hạn chế “đổ vốn” vào bất động sản - Ảnh 1

Sáng 16/4, ĐHCĐ thường niên năm 2019 của Ngân hàng SCB đã thông qua các tờ trình quan trọng, riêng tờ trình về bầu bổ sung Thành viên HĐQT sẽ chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tăng vốn từ 3.000-5.000 tỷ đồng

Báo cáo với cổ đông, ông Võ Tấn Hoàng Văn – TV HĐQT kiêm Tổng Giám đốc SCB cho biết, 2019 là năm kết thúc quá trình tái cơ cấu lại theo Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2015 – 2019, SCB phải hoàn thiện Phương án cơ cấu lại gắn với Đề án xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Ngân hàng sẽ chú trọng cơ cấu lại danh mục tín dụng và cải thiện chất lượng nguồn thu cho Ngân hàng, chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng nguồn thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn, năm 2019, SCB dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ 3.000 – 5.000 tỷ đồng thông qua chào bán riêng lẻ 500 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/CP cho cổ đông hiện hữu sở hữu từ 0,5% vốn điều lệ trở lên, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Dự kiến phát hành trong quý 2/2019 hoặc quý 3/2019 sau khi được NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Nếu phát hành thành công, SCB sẽ nâng vốn lên tối đa 20.232 tỷ đồng so với hiện tại là 12.232 tỷ đồng.

Về sử dụng vốn tăng thêm, SCB dự kiến sẽ dùng 200 tỷ đồng đầu tư tài sản cố định, 300 tỷ đồng đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, 200 tỷ đồng đầu tư xây và sửa chữa các trụ sở ở chi nhánh, 4.300 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn kinh doanh.

Trên cơ sở vốn tăng thêm, SCB đặt mục tiêu năm 2019 sẽ đạt 273 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 19%). Dư nợ cho vay khách hàng tăng 13% lên 341.138 tỷ đồng; huy động thị trường 1 tăng 13,15% lên 473.338 tỷ đồng; huy động thị trường 2 giảm 16,16% còn 46.690 tỷ đồng.

Các chỉ số tài chính như tỷ lệ ROA và ROE đạt lần lượt 0.04% và 1.11%, hệ số CAR đạt trên 9%.

Tăng trưởng doanh thu phí dịch vụ ít nhất 50% (riêng ngân hàng mẹ SCB ước đạt 1.450 tỉ đồng, tăng gần 64%), phát triển tín dụng cá nhân doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và tín dụng nông nghiệp nông thôn. Chuyển đổi các dịch vụ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số, xây dựng hệ thống quan hệ khách hàng, một số hoạt động quản trị rủi ro và quản trị tài chính.

Năm 2018, SCB phát hành thêm 93,7 triệu cổ phiếu tăng vốn và đã sử dụng hết toàn bộ số tiền huy động được.

ĐHCĐ Ngân hàng SCB: Cảnh báo hạn chế “đổ vốn” vào bất động sản - Ảnh 2
Kết quả sử dụng 1.705 tỷ đồng thu từ đợt tăng vốn trong năm 2018

Kiểm soát vốn vào bất động sản

Tại đại hội, ông Võ Văn Thuần – Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát NHNN tại TPHCM chia sẻ tại, ở góc độ quản lý của NHNN, Cục thanh tra giám sát đánh giá tình hình hoạt động của SCB có phát triển. Tổng tài sản đến cuối 2018 là 518.000 tỷ đồng, và đứng đầu trong số 12 ngân hàng TMCP trên địa bàn. Huy động và cho vay của SCB cũng đứng thứ 1 và 2 trên địa bàn TPHCM. Nhưng kết quả kinh doanh còn khiêm tốn, lợi nhuận chỉ 229 tỷ đồng, đứng thứ 9/12.

Sau sáp nhập, SCB cũng đã từng bước củng cố, xử lý những tồn đọng còn lại. Từ 2019 – 2025, SCB cũng được NHNN phê duyệt đề án tái cơ cấu về xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hoạt động ngân hàng.

SCB có tiềm lực về đầu tư, thời gian qua đầu tư nhiều vào lĩnh vực bất động sản với dự án lớn, đòi hỏi thanh khoản cao, nhà đầu tư có tiềm lực, lợi nhuận sinh lời nhiều hơn, do đó không thể đòi hỏi sinh lời trước mắt.

Ông Võ Văn Thuần đã lưu ý HĐQT SCB cần hạn chế, tập trung quá nhiều vào đầu tư bất động sản, mà cần thẩm định, đánh giá đối tượng đầu tư bất động sản có tính khả thi, hiệu quả. Đồng thời, cần cân đối lại nguồn vốn và sử dụng vốn hợp lý, đầu tư trung dài hạn, ngắn hạn, cần có lộ trình rõ ràng để hoạt động có lãi.

Thứ hai, SCB cần hạn chế đầu tư nhiều lĩnh vực rủi ro như mua trái phiếu doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản… kể cả thị trường chứng khoán.

Thứ ba là cần nghiêm túc thực hiện phương án tái cơ cấu của Ngân hàng đã được phê duyệt. SCB cần nghiêm túc thực hiện những cảnh báo của cơ quan Nhà nước, xem xét và xử lý nợ xấu quyết liệt, thực hiện Nghị quyết 1058 của Chính phủ và Thông tư 42, hạn chế mức thấp nhất để nợ xấu không phát sinh.

Lợi nhuận thấp, 7 năm không chia cổ tức

Mặc dù trình kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận cao, song năm 2019, SCB tiếp tục chính sách “nói không cổ tức”. Như vậy, kể từ sau hợp nhất vào năm 2012 đến nay, SCB đã không chia cổ tức trong 7 năm liên tục với lý do “ngân hàng đang tập trung tái cơ cấu, xử lý nợ xấu”.

Tổng giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, SCB dành lợi nhuận để tập trung hoạt động kinh doanh, có nguồn dự phòng để nâng cao năng lực tài chính. Khi có thời cơ, nguồn dự phòng này sẽ hoàn nhập lại để SCB có nguồn lực đủ lớn. Do đó, chủ trương của NHNN đối với các ngân hàng như SCB là không nên chia cổ tức mà giữ lại để nâng cao năng lực tài chính.

“Nguồn dự phòng hiện tại của SCB khoảng 8.200 tỷ đồng là rất lớn. Khi SCB phải thực hiện niêm yết trong những năm tới, giá trị sẽ nhân 2, 3 lần, giá trị to lớn hơn nhiều so với việc chia cổ tức hàng năm”, ông Văn nói và hi vọng cổ đông sẽ đồng thuận với chiến lược dài hạn của SCB.

ĐCHĐ năm nay đã bầu bổ sung 2 cá nhân vào HĐQT và 2 thành viên BKS nhiệm kỳ 2017-2022, gồm: Nguyễn Phương Hồng và Mai Thị Thanh Thủy (vào HĐQT), 2 thành viên BKS được đề cử là Nguyễn Mạnh Hải và Lưu Quốc Thắng. Tuy nhiên nội dung bầu nhân sự còn chờ ý kiến của NHNN.

Cổ đông đã chất vấn chi phí hoạt động, thù lao của HĐQT SCB năm 2018 là 12 tỷ đồng cho 7 thành viên là quá cao, trong khi cổ đông nhiều năm liền không có cổ tức. Song ông Văn cho rằng ngân sách thù lao như vậy là hợp lý.

Tính đến ngày 31/12/2018, tổng tài sản của SCB đạt 508.954 tỷ đồng, tăng gần 15% so với đầu năm, dư nợ cho vay đạt 301.892 tỷ đồng, tăng hơn 13%, tỷ lệ nợ xấu là 0,42%. Huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế đạt 65.011 tỷ đồng, tăng 18,4%. Lợi nhuận trước thuế của SCB đạt 229 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2018, SCB tiếp tục bán nợ xấu cho VAMC và phối hợp để xử lí dứt điểm các khoản nợ xấu. Đến cuối năm số dư trái phiếu VAMC do SCB nắm giữ là 26.685 tỷ đồng. Trong năm SCB đã thoái thu 938 tỷ đồng để hỗ trợ công tác xử lí nợ, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả kinh doanh của SCB còn khiêm tốn.

Huyền Đoàn

Bạn đang đọc bài viết ĐHCĐ Ngân hàng SCB: Cảnh báo hạn chế “đổ vốn” vào bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.

Tin mới