Thứ sáu, 13/09/2024 05:30 (GMT+7)
Thứ ba, 23/04/2019 13:41 (GMT+7)

ĐHCĐ Ngân hàng MSB: “Rất nhiều cổ đông ngoại muốn tham gia vào room 30% vốn”

Theo dõi KTMT trên

Sáng 23/4, Đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2019, niêm yết cổ phiếu lên sàn HoSE, bán 100 triệu cổ phiếu quỹ, tăng vốn điều lệ…

ĐHCĐ Ngân hàng MSB: “Rất nhiều cổ đông ngoại muốn tham gia vào room 30% vốn” - Ảnh 1

Niêm yết HOSE, vốn hoá tới 1,1 tỷ USD

Vấn đề “nóng” nhất đại hội là HĐQT trình kế hoạch niêm yết 1.175 triệu cổ phiếu lên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào quý 3/2019, tức lùi lại so với dự kiến ban đầu.

Theo ông Huỳnh Bửu Quang, việc IPO và niêm yết cổ phiếu là điều tất cả các cổ đông đều mong mỏi. Hiện HĐQT đã và đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết, đã nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu lên HoSE.

Dự kiến chậm nhất hết tháng 5 sẽ hoàn tất các công việc như bản chào bán cho nhà đầu tư, định giá trước IPO, gửi hồ sơ đăng ký bán cổ phiếu quỹ… Từ nay đến cuối tháng 6/2019 ngân hàng cũng sẽ hoàn thiện quy trình chào bán cho nhà đầu tư, triển khai các roadshows, đàm phán việc mua bán cổ phần với nhà đầu tư… để báo cáo lên NHNN và Ủy ban chứng khoán về kết quả giao dịch.

Giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8/2019, ngân hàng sẽ rà soát các điều kiện niêm yết và gửi hồ sơ đăng ký theo quy định của HoSE cũng như chốt danh sách cổ đông và đăng ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán VSD và cuối cùng là niêm yết.

“Với lộ trình này, HĐQT đang tích cực các công tác chuẩn bị và dự kiến việc niêm yết sẽ hoàn thành trong quý 3/2019. Việc IPO sẽ làm vốn của ngân hàng tăng lên, lượng tiền mặt nhiều hơn và giúp nắm bắt nhiều hơn các cơ hội kinh doanh. Sau niêm yết, vốn hoá MSB dự kiến lên cỡ 1,1 tỷ USD sau khi bán lại toàn bộ cổ phiếu quỹ”, lãnh đạo MSB cho hay.

Trả lời chất vấn của cổ đông về cơ sở nào để xác định giá trị vốn hoá 1,1 tỷ USD, Chủ tịch HĐQT MSB Trần Anh Tuấn cho rằng, việc định giá không phải do lãnh đạo ngân hàng tự chọn mà là do công ty tư vấn xác định dựa trên diễn biến thị trường và giá trị của ngân hàng.

Ông Tuấn cũng cho biết, “hiện có nhiều cổ đông nước ngoài muốn tham gia vào phần room 30% của nhà đầu tư nước ngoài tại MSB. HĐQT sẽ tìm hiểu đối tác sau đó sẽ lựa chọn cổ đông tối ưu nhất, trình lên NHNN sao cho có lợi nhất cho cổ đông”.

Tăng vốn thêm 1.000 tỷ và bán hết cổ phiếu quỹ

Tại đại hội, HĐQT đã trình cổ đông về kế hoạch tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng lên mức 12.750 tỷ đồng thông qua việc chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư trong nước là 100 triệu cổ phần hoặc tối đa 8,5% vốn điều lệ hiện hữu. Giá phát hành là 10.000 đồng/CP, dự kiến sẽ đem về cho ngân hàng là 1.000 tỷ đồng.

Điều kiện đi kèm là cổ đông được mua cổ phần lần này phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu tối đa không quá 5% vốn điều lệ ngân hàng, và không trở thành cổ đông lớn. Hiện ở MSB có cổ đông lớn là Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) với tỷ lệ sở hữu 6,092%. Sở hữu của VNPT sẽ giảm xuống dưới 5,614% sau đợt phát hành này.

Nguồn vốn tăng thêm sẽ giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, mở rộng mạng lưới chi nhánh, phát triển sản phẩm, hạ tầng cơ sở… Nhất là bổ sung vốn cho vay, đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn hoạt động.

Ngoài ra, lãnh đạo MSB cũng xin ý kiến cổ đông về phương án bán toàn bộ 100 triệu cổ phiếu quỹ để bổ sung vốn chủ sở hữu, tối ưu hóa bảng cân đối của MSB. Theo MSB, số cổ phiếu quỹ này sẽ bán cho dưới 100 nhà đầu tư, cách thức bán, thời điểm và giá bán sẽ giao cho HĐQT quyết định.

Với mức vốn mới, MSB đặt mục tiêu năm nay sẽ tăng tổng tài sản thêm 11% lên trên 153.000 tỷ đồng, huy động vốn thị trường 1 và trái phiếu tăng 22%, tín dụng bao gồm cả cho vay thị trường 1 và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng 35%, nợ xấu dưới 3%. Lợi nhuận trước thuế tăng 77% đạt 1.860 tỷ đồng và dự kiến cổ tức 10% nếu được NHNN chấp thuận.

ĐHCĐ Ngân hàng MSB: “Rất nhiều cổ đông ngoại muốn tham gia vào room 30% vốn” - Ảnh 2

Kế hoạch kinh doanh năm 2019 của ngân hàng MSB

MSB đã thoái vốn khỏi PGBank

Liên quan tới việc MSB thoái vốn khỏi PGBank chưa, ông Huỳnh Bửu Quang cho biết, tháng 3, ngân hàng đã bán cổ phiếu PGBank cho một đối tác, hiện đã được thanh toán đợt 1, đối tác sẽ thanh toán nốt sau khi được NHNN phê duyệt. Vì PGBank là ngân hàng được quan tâm của NHNN do PGBank có kế hoạch sáp nhập… Sau khi được chấp thuận, MSB sẽ giảm sở hữu xuống dưới 5% theo quy định.

Ông Trần Anh Tuấn tiết lộ mức giá bán cổ phiếu PGBank là 13.000 đồng/CP. Tuy nhiên, cổ đông đã chất vấn tiếp: “vì sao MSB không chờ sau khi PGBank và HDBank sáp nhập với tỷ lệ hoán đổi 1:0,641, bán cổ phần sẽ được giá hơn”. Hiện, giá cổ phiếu HDB trên sàn đang giao dịch ở mức 28.100 đồng/CP, tức cao hơn 15.100 đồng/CP so với giá mà MSB đã bán cho đối tác.

Ông Trần Anh Tuấn cho hay, việc sáp nhập chưa biết khi nào mới xong, hơn nữa nếu chờ thì cũng không được bởi sẽ vi phạm quy định, do đó MSB quyết định bán PGBank sớm để thực hiện kế hoạch niêm yết.

Về ý định tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài, lãnh đạo MSB cho biết “việc tìm hiểu nhà đầu tư nước ngoài đang trong quá trình thương thảo, nên sau khi có kết quả sẽ xin ý kiến cổ đông hoặc triệu tập một cuộc họp bất thường khác”.

Năm 2018, MSB ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng đột biến gấp 6,4 lần năm trước, đạt hơn 1.053 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt gần 138 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với cuối năm 2017, cho vay khách hàng tăng mạnh đạt 135% so với năm trước và nợ xấu dưới 2,21%. Huy động tiền gửi của khách hàng và phát hành giấy tờ có giá tăng 112%… Hệ số an toàn vốn CAR đạt mức 12,17%. Tổng thu nhập của ngân hàng tăng tới 45% so với năm 2017 và thu nhập lãi thuần tăng 81%, tổng thu phí thanh toán cũng tăng đột biến 176% so với năm trước và tăng gấp 3 lần so với năm 2016.

Kim Anh

Bạn đang đọc bài viết ĐHCĐ Ngân hàng MSB: “Rất nhiều cổ đông ngoại muốn tham gia vào room 30% vốn”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

ITE HCM 2024 chào đón nhiều thị trường mới
Bên cạnh các thị trường du lịch trọng điểm như Úc, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Ấn Độ, khu vực Trung Đông…, lần đầu tiên ITE HCMC 2024 chào đón người mua quốc tế đến từ Brazil, Cộng hòa Czech, Bangladesh, Pakistan.

Tin mới