Dệt may Việt Nam cần làm gì để 'xanh hóa'?
Dệt may là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Viêt Nam. Ngành dệt may đang hướng tới mục tiêu 'xanh hóa' để chứng minh trách nhiệm xã hội với môi trường.
Xanh hóa để phát triển bền vững
Xanh hóa ngành dệt may là cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng xanh, sạch, giảm thiểu sử dụng năng lượng để phù hợp với môi trường kinh doanh toàn cầu. Đây cũng là cách để doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Xu hướng hiện nay, các thương hiệu may mặc lớn trên thế giới – đối tác đặt đơn hàng của ngành dệt may Việt Nam – đang chuyển sang ưu tiên các doanh nghiệp xanh. Những doanh nghiệp gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên… có nguy cơ bị ngừng tiếp nhận đơn hàng hoặc bị từ chối đặt hàng.
Cùng với đó, người tiêu dùng trên toàn cầu cũng ngày càng quan tâm đến trách nhiệm với môi trường của doanh nghiệp khi lựa chọn sản phẩm.
Theo ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc “xanh hóa” của ngành tác động đến môi trường và sự phát triển bền vững của nền kinh tế cũng như ngành dệt may. Do vậy, ngành dệt may Việt Nam cần tiếp tục tuân thủ mối quan hệ hợp tác gắn kết, sự phát triển bền vững trong chương trình xanh hóa và tiết kiệm nguồn nước.
Doanh nghiệp "xanh hóa" ngành dệt may như thế nào?
Sử dụng các nguồn năng lượng sạch
Các doanh nghiệp đã đầu tư điện mái nhà. Đây là nguồn năng lượng tái tạo đã được doanh nghiệp khai thác hiệu quả.
Đối với những doanh nghiệp dệt may có quy mô lớn đã chú trọng đầu tư những thiết bị hiện đại hơn như: Khu vực lò hơi cung cấp nhiệt cho sản xuất đã được thay thế từ nhiên liệu dầu sang nhiên liệu Promat thân thiện với môi trường, nhận diện và loại bỏ lãng phí giúp doanh nghiệp tăng thêm lợi nhuận nhằm giảm chi phí, tạo cho doanh nghiệp tính linh hoạt hơn trong thị trường.
Việc sử dụng năng lượng sạch trong hành trình “xanh hóa” giúp giảm áp lực an ninh năng lượng, góp phần vào mục tiêu chung là cắt giảm 8% mức phát thải khí nhà kính vào năm 2030 mà Chính phủ đã cam kết, đồng thời giúp đạt các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Giảm tiêu thụ năng lượng
Đối với những doanh nghiệp dệt may, điện được sử dụng nhiều nhất hiện nay đã được gắn hệ thống đèn LED nhằm tiết kiệm điện; Nhà máy đã gắn hệ thống điện năng lượng mặt trời, sau khi hoàn thiện, một ngày có thể tạo ra trên 20.000 kW điện năng, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu sử dụng điện của nhà máy, được Bộ Công Thương cấp chứng chỉ năng lượng xanh căn cứ vào phát thải CO2 giảm thiểu.
Để người lao động có ý thức, trước giờ về một số công ty dùng hệ thống loa của phân xưởng nhắc nhở tới công nhân nhằm tạo thành thói quen khi sử dụng điện, những chiếc công tắc nhỏ này đã góp phần nâng cao ý thức sử dụng điện, giảm tiêu hao năng lượng trong các khu vực không có hoạt động sản xuất.
Bên cạnh đó, nước cho sinh hoạt của hàng ngàn công nhân và nước trong sản xuất cũng là nhóm chi phí cần quản lý và sử dụng hiệu quả. Theo ông Trần Ngô Quốc Trung – Quản lý sản xuất Công ty TNHH Quảng Việt:
"Tiết kiệm nước trong doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp may cần được sắp xếp gọn gàng và nắp đặt hệ thống vòi hạn dòng kiểm soát áp lực nước phù hợp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn, nhằm chống lãng phí nước sinh hoạt, hạn chế nước tẩy rửa. Nước thải sinh hoạt và sản xuất được thu gom xử lý vi sinh và đưa ra hồ điều hòa, một phần được tái sử dụng cho vệ sinh công nghiệp, phần đưa ra hệ thống chung đảm bảo tiêu chuẩn".
Nhiều doanh nghiệp dệt may, với rất nhiều sáng kiến được ứng dụng để giúp giảm tiêu thụ năng lượng, tái tạo năng lượng và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững rất tốt. Hi vọng ngày càng nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam phát huy được trách nhiệm của mình với xã hội.
Nguyễn Linh (T/h)