Thứ năm, 02/05/2024 02:30 (GMT+7)
Thứ năm, 04/11/2021 13:00 (GMT+7)

Đến năm 2030, quy hoạch đồng bộ 9 hành lang vận tải thủy trên cả nước

Theo dõi KTMT trên

Kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, đến năm 2030 quy hoạch 9 hành lang vận tải thủy, gồm các tuyến vận tải chính và một số tuyến vận tải nhánh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, chủ động tiếp cận, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Đồng thời, hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Quy hoạch nêu rõ, đến năm 2030, phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đồng bộ, từng bước hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Cụ thể, về vận tải, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 715 triệu tấn, đạt khoảng 397 triệu lượt khách, khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt khoảng 150 tỉ tấn.km; luân chuyển hành khách đạt khoảng 7,7 tỉ khách.km.

Về kết cấu hạ tầng, sẽ cải tạo nâng cấp các tuyến chính có mật độ vận tải cao, đáp ứng chạy tàu 24/24 giờ, phấn đấu tổng chiều dài các tuyến khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000 km.

Đến năm 2030, quy hoạch đồng bộ 9 hành lang vận tải thủy trên cả nước - Ảnh 1
Kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần được ưu tiên đầu tư tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: Nhã Chi)

Đồng thời, phát triển hệ thống cảng, bến thủy đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách trên các hành lang vận tải thủy, từng bước hiện đại hóa các cảng chính, cảng chuyên dùng.

“Kênh hóa các đoạn sông qua đô thị lớn và chuyển đổi công năng cảng thủy xếp dỡ hàng hóa phù hợp với quá trình đô thị hóa. Hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa”, Quy hoạch nêu rõ.

Xây dựng 9 hành lang vận tải đường thủy

Đến năm 2030, sẽ có 9 hành lang vận tải thủy gồm 1 hành lang ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang thuộc khu vực miền Trung thuộc hành lang ven biển, 4 hành lang khu vực miền Bắc gồm: Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình, Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình và Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai.

Còn lại 4 hành lang khu vực miền Nam gồm: TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau, TP.HCM - An Giang - Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu - Tây Ninh - TP. HCM và hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu. Trên hành lang gồm các tuyến vận tải chính và một số tuyến vận tải nhánh.

Bên cạnh đó, theo quy hoạch sẽ có 55 tuyến vận tải chính trên 140 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 7.300 km. Trong đó, miền Bắc có 18 tuyến chính trên 49 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.028 km, miền Trung có 11 tuyến chính trên 28 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 1.229 km và miền Nam có 26 tuyến chính trên 63 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.043 km. Trên các tuyến vận tải, đầu tư đồng bộ các kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

Nội dung quy hoạch cũng xác định tập trung phát triển 54 cụm cảng thủy hàng hóa, với tổng công suất khoảng 361 triệu tấn, được phân bố cân đối ở khu vực Bắc - Trung - Nam.

Cụ thể, tại phía Bắc có 25 cụm cảng, tổng công suất khoảng 199 triệu tấn; miền Trung có 8 cụm cảng, tổng công suất khoảng 9 triệu tấn và miền Nam có 21 cụm cảng, tổng công suất khoảng 153 triệu tấn.

Về cảng hành khách, quy hoạch 39 cụm cảng hành khách chính với tổng công suất khoảng 53,4 triệu lượt khách. Trong đó, khu vực miền Bắc có 10 cụm cảng, tổng công suất khoảng 10,9 triệu lượt khách; miền Trung 14 cụm cảng, tổng công suất khoảng 2,5 triệu lượt khách và miền Nam có 15 cụm cảng, tổng công suất khoảng 40 triệu lượt khách.

Được biết, nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa giai đoạn 2021-2030 khoảng 157.533 tỉ đồng, không bao gồm kinh phí đầu tư luồng và các cảng chuyên dùng. Ưu tiên đầu tư cải tạo nâng cấp luồng tuyến, nâng tĩnh không các cầu trên tuyến vận tải chính yếu khu vực đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và ĐBSCL.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, đường thủy nội địa có tiềm năng dồi dào để trở thành “đầu tàu” trong chiến lược phát triển giao thông vận tải của đất nước. Đặc biệt là hình thái giao thông thế mạnh quốc gia, đường thủy nội địa có thể giúp kéo giảm chi phí vận tải, hạ giá thành sản phẩm, tăng mạnh mẽ tính cạnh tranh thị trường. 

Do đó, quy hoạch xây dựng phải làm sao để phát triển đồng bộ để kết hợp lợi thế của hàng hải và đường thủy, giảm tải cho vận tải đường bộ. Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn của Bộ cần xác định rõ vùng tập trung để phát triển đường thủy nội địa. 

Đơn cử, tại cảng Cát Lái có cảng thủy nội địa nằm trong cảng biển, phát huy rất tốt thế mạnh của vận tải thủy khi vận chuyển hàng đi khu vực phía Nam. Hay tại cảng Lạch Huyện (tỉnh Hải Phòng) cũng có điều kiện bổ sung cảng thủy nội địa như vậy, khi có cảng thủy nội địa sẽ hoạt động độc lập vận chuyển hàng hóa từ các kênh đến cảng hàng hải và ngược lại. 

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đến năm 2030, quy hoạch đồng bộ 9 hành lang vận tải thủy trên cả nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

9,27 tỷ USD vốn FDI chảy vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lâm Đồng tăng cường thu ngân sách năm 2024
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện kịp thời, đầy đủ, có hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Tin mới

Hải Dương: Rộn ràng pháo đất Ninh Giang
Pháo đất từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Ninh Giang (Hải Dương). Nhất là cứ mỗi độ hè sang, tiếng pháo lại âm vang, rộn rã khắp mọi miền quê.