Thứ sáu, 13/09/2024 06:14 (GMT+7)
Thứ hai, 30/12/2019 09:25 (GMT+7)

Đến bao giờ người Hà Nội mới được 'hít thở' không khí sạch?

Theo dõi KTMT trên

Chất lượng không khí ở Hà Nội ngày càng xuống mức rất xấu, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này

Học sinh tập thể dục trong phòng kín khi không khí ô nhiễm

Theo thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, từ đầu năm 2019, Hà Nội đã xuất hiện 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài, chất lượng không khí ở mức kém, xấu và rất xấu, trong đó đợt ô nhiễm cao điểm nhất là đầu tháng 12, từ ngày 8/12 đến 14/12, chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu.

Đến bao giờ người Hà Nội mới được 'hít thở' không khí sạch? - Ảnh 1
Năm 2019, Hà Nội đã xuất hiện 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài, chất lượng không khí thường xuyên ở mức kém, xấu và rất xấu.

Cụ thể, tháng 1, từ ngày 22/1 đến 28/1 mức AQI cao nhất là 226; từ ngày 11/3 đến 16/3, AQI cao nhất là 213; từ ngày 23/9 đến 2/10 mức AQI là 209. Tháng 11 có hai đợt, từ 5/11 đến 13/11 AQI cao nhất 226, từ 20/11 đến 27/11 mức AQI cao nhất 187. Từ 8/12 đến 14/12, mức AQI cao nhất là 266. Thành phố Hà Nội đã phải khuyến cáo người dân tránh thể dục ngoài trời buổi sáng, đóng cửa sổ và hạn chế ra đường.

Nhiều trường học nội thành Hà Nội phải dừng mọi hoạt động ngoài trời do ô nhiễm không khí kéo dài. Học sinh tập thể dục và vui chơi giữa giờ trong phòng kín, mở điều hòa từ 7h sáng.

Trong cuộc họp khẩn, liên ngành giữa các bộ, ban ngành từ Trung ương xuống địa phương diễn ra mới đây liên quan đến tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng diễn biến theo chiều hướng “rất tệ”, Bộ TN&MT đã thông tin, năm 2019 đặc biệt vào cuối năm tình trạng ô nhiễm không khí vượt quá ngưỡng cho phép và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân.

Đến bao giờ người Hà Nội mới được 'hít thở' không khí sạch? - Ảnh 2
Toàn cảnh cuộc họp khẩn, liên ngành về ô nhiễm không khí được tổ chức mới đây ở Bộ TN&MT.

Theo đó, từ 2013-2019, thành phần quan trắc trừ bụi mịn, các thông số khác như CO, SO2, NOx, bụi thô, xu thế cho thấy có lúc chạm đến ngưỡng ô nhiễm nhưng dưới ngưỡng quy chuẩn, có xu hướng không tăng lên và không vượt quy chuẩn, riêng bụi PM10 giảm. Bụi mịn tăng và có sự dao động, có thời điểm thời gian, từ 5h -8h sáng, từ 16h-22h tối tăng và theo mùa, đặc biệt là vào mùa khô, mùa có hiện tượng nghịch nhiệt, thời điểm này từ 2-8h sáng.

Độ dao động cho thấy có những thời điểm đặc biệt tháng 10-12, số liệu quan trắc năm nay đã có những điểm vượt quy chuẩn, có nơi vượt từ 3-4 lần và số liệu này được công khai.

Từ năm 2018, chỉ số hiệu suất môi trường (EPI) của Ngân hàng Thế giới xếp hạng chất lượng không khí Việt Nam ở vị trí 159 trên 180 nước. Năm 2012, Việt Nam cũng đứng thứ 9 từ dưới lên ở bảng xếp hạng này.

Đến bao giờ người Hà Nội mới được 'hít thở' không khí sạch? - Ảnh 3
Những tháng cuối năm, không khí ở Hà Nội luôn mịt mù.

Tháng 11/2018, Hội nghị toàn cầu đầu tiên về ô nhiễm không khí và sức khỏe của WHO ước tính, ô nhiễm không khí ngoài trời gây ra 4,2 triệu ca tử vong sớm toàn thế giới. Tổ chức này cho rằng có đến 30% ca tử vong do ung thư phổi là liên quan ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí cũng được xác định là nguyên nhân gây ra 25% các ca tử vong do đột quỵ não, bệnh lý tim mạch và 43% các ca tử vong do bệnh lý hô hấp. Bốn nhóm bệnh nêu trên (đột quỵ, tim mạch, hô hấp, ung thư phổi) cũng luôn nằm trong Top 10 nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trên toàn thế giới nhiều thập kỷ qua.

Trước đó nữa là năm 2016, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thống kê, Hà Nội có gần 300 ngày ô nhiễm không khí mỗi năm và hơn 60.000 ca tử vong do đau tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có liên quan đến ô nhiễm không khí. Niên giám thống kê của Bộ Y tế năm đó kết luận, 10 bệnh mắc và 10 bệnh chết nhiều nhất tại các cơ sở y tế là nhóm bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và tim mạch.

Năm 2019, tình trạng ô nhiễm không khí diễn biến xấu khiến những ca bệnh liên quan đến đường hô hấp tăng vọt tại các bệnh viện ở Hà Nội. Bụi mịn dễ xuyên sâu vào phế nang và mạch máu khi hít thở, mang theo nhiều độc tố, gây ra các bệnh hô hấp và tim mạch. Nồng độ bụi mịn ở Hà Nội đang vượt quá nhiều lần chuẩn chất lượng không khí của nước ta, vốn cao hơn nhiều so với các nước tiên tiến.

Trước tình trạng này, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà, hạn chế vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu,... Tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.

Đến bao giờ người Hà Nội mới được 'hít thở' không khí sạch? - Ảnh 4
Theo dự báo, từ nay đến hết mùa đông, Hà Nội sẽ còn nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng do hiện tượng nghịch nhiệt tiếp tục xảy ra.

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ (Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội), quá trình ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã diễn ra từ nhiều năm, song đến giai đoạn 2017 - 2018, khi hệ thống quan trắc đi vào hoạt động liên tục ở Hà Nội thì cơ quan chức năng mới ghi nhận được các chỉ số và công khai.

"Nghiên cứu cho thấy các tháng cuối năm thường xảy ra những đợt ô nhiễm liên tục, ở mức độ xấu đến rất xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, tăng khả năng đột quỵ, gia tăng các bệnh tim mạch", ông Cơ nói.

Theo ghi nhận, mấy ngày qua, do có mưa rét nên chất lượng không khí ở Hà Nội đã được cải thiện, tuy nhiên, theo chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình, từ nay đến hết mùa đông sẽ còn nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng do hiện tượng nghịch nhiệt tiếp tục xảy ra.

Hàng loạt nguyên nhân gây phát thải ô nhiễm

UBND TP. Hà Nội đã chỉ ra 12 nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí gồm: Khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Đến bao giờ người Hà Nội mới được 'hít thở' không khí sạch? - Ảnh 5
Hoạt động đốt rơm rạ cũng là 1 trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội.

Các nguyên nhân khác là: đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất, làng nghề trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa. Khói từ nhà máy sản xuất xi măng, nhiệt điện than, đại công trường xây dựng.

Đến bao giờ người Hà Nội mới được 'hít thở' không khí sạch? - Ảnh 6
Phương tiện giao thông quá lớn trong khi chưa kiểm soát được chất lượng khí thải cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

“Hiện ở Châu Âu đã áp dụng tiêu chuẩn Euro 6, ở Việt Nam mới ở mức Euro 4 với ô tô và Euro 2 với xe máy. Hiện nay Hà Nội có trên 1.000 công trình xây dựng và đang là công trường, riêng Hà Nội có những đặc thù khác như đốt rơm rạ, đây là nguồn theo mùa, việc đốt rất lớn. Hà Nội cũng có một số khu vực vẫn sử dụng 60.000 bếp than tổ ong, ngoại thành Hà Nội vẫn còn có vấn đề xử lý rác thải, việc đốt chất thải là nguồn hết sức nguy hại vì có thể phát thải dioxin, chúng tôi sẽ cho kiểm tra và xem xét trách nhiệm cụ thể. Ngoài ra, theo tôi còn có các nguyên nhân khác từ việc bụi bẩn ở mặt đường, nhiều công nhân quét rác bằng chổi và các xe quét đường cũng là tác nhân gây phát thải ô nhiễm”, ông Hà thông tin.

Đến bao giờ người Hà Nội mới được 'hít thở' không khí sạch? - Ảnh 7
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà.

Theo ước tính, mỗi ngày, người Hà Nội đốt hơn 500 tấn than, 700 tấn rác, thải ra cả nghìn tấn CO2, bụi mịn PM 2.5 cùng nhiều khí độc hại. Giữa tháng 12, trên những cánh đồng ngoại thành Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, nông dân đốt cỏ, gốc rạ, dọn ruộng để chuẩn bị vào vụ mới. Trong khu vực nội thành Hà Nội, hàng chục nghìn bếp than tổ ong âm ỉ cháy mỗi ngày. Cùng thời điểm này, chỉ số không khí ở Hà Nội liên tục xuống ngưỡng xấu.

Hàng loạt giải pháp mang tính tình thế?

Để giải quyết vấn đề này, Sở TN&MT Hà Nội đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó đề xuất Bộ TN&MT kiểm soát các tác động ô nhiễm không khí xuyên biên giới; rà soát các loại hình sản xuất công nghiệp phát sinh khí thải; Bộ GTVT sớm ban hành quy chuẩn khí thải với ô tô, xe máy; đặc biệt các tỉnh lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra xử lý các khu, cụm công nghiệp, làng nghề gây ô nhiễm môi trường… ngoài ra phương án trước mắt cần làm ngay đó là dùng nước rửa đường sau khoảng 3 năm dừng thực hiện.

Đến bao giờ người Hà Nội mới được 'hít thở' không khí sạch? - Ảnh 8
Ngoài các giải pháp để giải quyết ô nhiễm không khí, thì giải pháp đầu tiên mà Hà Nội áp dụng là dùng nước rửa đường sau khoảng 3 năm dừng thực hiện.

Trong khi đó, theo Bộ TN&MT, cần tập trung nguồn lực để duy trì các hệ thống quan trắc tự động để xác định chính xác về môi trường không khí và cung cấp công khai, cập nhật liên tục hàng ngày cho người dân. Nếu tình trạng chất lượng không khí vượt quá quy chuẩn phải khuyến cáo người dân theo các biện pháp của Bộ Y tế.

Bộ TN&MT đề nghị UBND Hà Nội phải công bố thông tin, bằng mọi biện pháp như tiến hành phun đường ngay, xem xét để điều tiết, phân luồng giao thông,... để giảm nguồn ô nhiễm đột biến. Phân luồng các xe ngoại tỉnh, chia làn để không đi vào Hà Nội, các xe đi vào Hà Nội phải có biện pháp che chắn, rửa xe.

Cùng với đó, khuyến cáo bà con dùng bếp than tổ ong xem xét chuyển sang bếp gas hoặc các loại bếp khác. Cần khẩn trương có ngay quy định bằng văn bản về bảo vệ môi trường với các công trình xây dựng, vật liệu xây dựng để đâu, chất thải xây dựng xử lý như nào, che chắn ra sao để đảm bảo giảm thiểu phát thải.

Bộ TN&MT cũng sẽ có chỉ đạo các tỉnh, Thành phố xung quanh Hà Nội cần có biện pháp cấm đồng thời hỗ trợ bà con sau thu hoạch không đốt rơm rạ, kiểm tra và xử lý việc đốt chất thải.

Về giải pháp lâu dài, theo Bộ Bộ TN&MT, Hà Nội phải đẩy nhanh hơn trong việc quy định về lộ trình khí thải, giao thông. Cụ thể như với xe máy và ô tô tại Hà Nội phải có quy chuẩn cao hơn so với các địa phương.

Ngoài ra theo Bộ trưởng Bộ TN&MT, Hà Nội nên đi đầu trong việc sử dụng phương tiện công cộng thân thiện với môi trường như xe điện, dùng phương pháp để người dùng xe ô nhiễm phải trả phí lớn hơn, cần quản lý chặt chẽ với công nghệ tái chế, kiểm soát vấn đề môi trường với hoạt động cơ giới, giao thông trên địa bàn trong đó kiểm soát chặt chẽ vấn đề xe mang bùn đất ở ngoài vào.

Theo ông Hà: “Phải giải quyết từ khâu quy hoạch phát triển, phải giữ được mặt xanh, hồ, ao, cần có hệ sinh thái để điều hòa, hiện chúng ta chỉ có công trường, trong một đô thị phải tính đến tính cân bằng giữa phát triển nhà và các mảng xanh. Chúng ta phải mạnh tay không được khoan nhượng, cần có kế hoạch rất chi tiết và cụ thể để giải quyết dứt điểm vấn đề này".

Mới đây Chính phủ đã ban hành quyết định 9853 và yêu cầu Hà Nội và các địa phương kiểm kê nguồn thải, xem xét quản lý đến các nguồn thải, trong đó có than tổ ong, cần đầu tư năng lực quan trắc quốc gia.

Trong đó Chính phủ yêu cầu riêng hai thành phố là Hà Nội và TP.HCM phải nghiên cứu, đánh giá toàn diện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn, triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế, giảm thiểu nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh, đặc biệt đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm có nguồn gốc phát thải cao ra khỏi khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung.

Thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc môi trường, hoàn thiện hệ thống cung cấp thông tin về môi trường làm cơ sở cảnh báo, khuyến cáo người dân về chất lượng môi trường không khí.

Theo ông Trần Đình Sính - Phó giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh (GreenID): "Để góp phần giải quyết triệt để vấn đề này, bên cạnh nỗ lực ở cấp chính quyền địa phương, Quốc hội Việt Nam cần xây dựng Luật về không khí sạch".

Đến bao giờ người Hà Nội mới được 'hít thở' không khí sạch? - Ảnh 9
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP).

Trong khi đó, theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP), việc phản ứng của các cơ quan chính quyền là thụ động và quá ít, ngoài việc công bố hiện trạng chất lượng và một số khuyến cáo. Ông cho rằng, cần phải triển khai nhiều giải pháp cấp bách như cách mà một số quốc gia đã làm khi gặp tình trạng ô nhiễm không khí đặc biệt nghiêm trọng.

Giải quyết nguyên nhân ô nhiễm không khí: Yếu, thiếu đủ thứ

Theo nhiều chuyên gia đầu ngành về không khí, Việt Nam đang thiếu đủ thứ trong việc giải quyết triệt để ô nhiễm không khí. Cụ thể, hiện tại Việt Nam không có hệ thống quan trắc đủ dày, nhất là hệ thống quan trắc cố định, liên tục, có độ tin cậy rất cao.

Hiện nay, đã có nhiều đơn vị tư nhân đã thiết lập hệ thống quan trắc là các cảm biến sensor song hệ thống này chủ yếu mang giá trị cảnh báo xu thế. Hệ thống quan trắc mỏng, thiếu tính kết nối làm thiếu đi cơ sở khoa học cho các quyết định chiến lược.

Đến bao giờ người Hà Nội mới được 'hít thở' không khí sạch? - Ảnh 10
Trong khi các cơ quan đang loay hoay đi tìm nguyên nhân và giải pháp thì người Hà Nội vẫn đang gồng mình gánh chịu những hậu quả của ô nhiễm không khí.

Trong khi đó, tại nhiều quốc gia trên thế giới, dự báo chất lượng không khí được cập nhật hàng ngày như dự báo thời tiết còn Việt Nam thì mới dừng ở mức độ rất hạn chế. Người dân không biết ngày nào ô nhiễm, ô nhiễm đến bao giờ, ô nhiễm như thế nào để có kế hoạch phù hợp.

Việt Nam cũng thiếu trầm trọng đội ngũ chuyên gia về ô nhiễm không khí. Kinh phí cho xử lý ô nhiễm không khí ở Việt Nam được đánh giá là “chỉ bằng 1/10” so với kinh phí cho xử lý ô nhiễm nước, chất thải rắn.

Chúng ta cũng thiếu hành lang pháp lý để quản lý chất lượng môi trường không khí, thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp với tình trạng ô nhiễm không khí nặng tại các đô thị.

Nhưng có lẽ cái mà Việt Nam đang thiếu nhất chính là sự quyết liệt của các cơ quan chức năng. Các chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng về giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, trong đó có nhóm giải pháp cấp bách và nhóm giải pháp lâu dài. Trong nhóm cấp bách có giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người như thông báo khẩn và đề nghị mọi người theo dõi thường xuyên, đóng cửa trường học ở nơi ô nhiễm, hạn chế các hoạt động ngoài trời trong ngày ô nhiễm, khuyến cáo người dân đóng cửa, trồng cây xanh, đeo khẩu trang chống bụi mịn khi ra ngoài, không tập thể dục buổi sáng ngoài trời.

Để giảm thiểu nguồn ô nhiễm thì hạn chế giao thông, nhất là phương tiện cũ, đình chỉ công trình xây dựng trong ít ngày, cấm hoàn toàn các hoạt động đốt ngoài trời như đốt than tổ ong, đốt rơm rạ, đốt rác.

Giải pháp không thiếu nhưng không dễ thực hiện bởi sẽ có những va chạm đến lợi ích, những tranh cãi trong quá trình thực hiện và kết quả không phải ngày một ngày hai có thể nhìn thấy. Vì thế, đấu tranh với ô nhiễm không khí cần cả tâm, cả tầm và bản lĩnh của những người có trách nhiệm...

Tuy nhiên trong lúc chờ thì người đang phải chịu thiệt thòi nhất chính là người dân, và vẫn là câu hỏi chưa có lời giải lúc này đó là “đến bao giờ người Hà Nội được hít thở không khí sạch?”.

Bạn đang đọc bài viết Đến bao giờ người Hà Nội mới được 'hít thở' không khí sạch?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Dự báo thời tiết miền Bắc những ngày tới
Tại một số khu dân cư ven sông Hồng như Chương Dương Độ, Bạch Đằng, Phúc Tân, Cầu Đất, Hồng Hà, Tân Ấp nước lũ đang rút nhẹ... Nhiều hộ dân đang bắt đầu dọn dẹp nhà cửa.

Tin mới