Thứ sáu, 19/04/2024 18:19 (GMT+7)
Thứ tư, 01/09/2021 06:15 (GMT+7)

Đề xuất 'nới lỏng' thủ tục hưởng gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng

Theo dõi KTMT trên

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi Nghị quyết số 68/NQ-CP theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận để các đối tượng được hỗ trợ kịp thời gói 26.000 tỉ đồng.

Triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng còn lúng túng

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, qua theo dõi, đánh giá tình hình triển khai thực hiện tại các địa phương và tổng hợp kiến nghị, đề xuất của các đối tượng cho thấy, tiến độ thực hiện các chính sách còn khá chậm, kết quả thực hiện tại một số chính sách chưa cao.

Liên quan tới việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, ngày 26/8, Bộ đã chủ trì Hội nghị toàn quốc đôn đốc thực hiện việc chi trả hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn. 

Kết quả được công bố tại Hội nghị cho thấy, cả nước đã có hơn 15 triệu người được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68, tiền đã chi hỗ trợ 8.400 tỉ đồng, 1,2 triệu lao động tự do với 2.180 tỉ đồng được nhận, 37 nghìn hộ sản xuất kinh doanh được hỗ trợ. 

Đề xuất 'nới lỏng' thủ tục hưởng gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. (Ảnh: Dân Việt)

Trong tổng số kinh phí đã hỗ trợ này, các tỉnh phía Nam và một số tỉnh miền Trung chiếm 72%, riêng TPHCM đã dành trên 3.000 tỉ tiền mặt hỗ trợ lao động tự do, người yếu thế.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá: "Nhiều địa phương có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ tích cực, bổ sung chính sách rất đặc thù như hỗ trợ cho người có công, người nghèo, người làm nghề cá, nghề chế biến, gia đình khó khăn, người lang thang cơ nhỡ…". Tuy nhiên, thời gian vừa qua, đối với các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh phía Nam, đang thực hiện giãn cách vẫn xuất hiện nhiều vấn đề cần phải lưu tâm.

"Trước hết, một số địa phương khó khăn về kinh phí, có tình trạng khi cơ quan chức năng tham mưu hoặc đề xuất chính sách triển khai Nghị quyết 68, lãnh đạo địa phương đã không kết luận được về có chi hay không chi, bao giờ chi?" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn.

Nhiều địa phương còn chậm triển khai, lúng túng và sợ trách nhiệm vì việc chi trả cho lao động thiếu hồ sơ giấy tờ, dễ rủi ro.

Cũng tại Hội nghị, với tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chỉ rõ thực trạng chậm triển khai một số nhóm chính sách ở các địa phương.

Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khuyến khích và yêu cầu các Bộ trưởng khác khi phát biểu cũng phải chỉ rõ tên, địa chỉ các địa phương còn tồn tại trong lĩnh vực mình phụ trách.

Đề xuất nới lỏng điều kiện về hồ sơ, thủ tục 

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp với nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, một số địa phương khu vực duyên hải miền Trung và thành phố Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Bên cạnh đó, người lao động và người sử dụng lao động chưa thực sự hiểu hết các chính sách, chưa tích cực, chủ động gửi các hồ sơ đề nghị hỗ trợ tới các cơ quan của địa phương. Cán bộ ở các cấp địa phương còn có những cách hiểu khác nhau, do đó, chưa linh hoạt trong việc xử lý. Một số địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai dẫn đến tiến độ triển khai còn chậm.

Về phía cơ quan thực thi, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, một số địa phương đã ban hành kế hoạch nhưng chưa khẩn trương tổ chức thực hiện hoặc triển khai ở mức độ thấp; các địa phương đã có quy định danh mục những ngành nghề, công việc của người lao động tự do, tuy nhiên, cán bộ ở cơ sở vẫn có cách hiểu khác nhau hoặc vẫn còn nhiều người lao động tự do làm các công việc không có trong danh mục nên chưa được hỗ trợ….

Đề xuất 'nới lỏng' thủ tục hưởng gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng - Ảnh 2
Đề xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục nhận gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng. (Ảnh minh họa)

Ngoài các nguyên nhân trên, Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận, có nguyên nhân từ mặt chính sách. Một số quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg vẫn chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, nhất là trong chính sách hỗ trợ tiền mặt cho vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội.

Cụ thể một số vướng mắc, khó khăn như: điều kiện giảm doanh thu để được hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; điều kiện doanh nghiệp không có nợ xấu tại các ngân hàng; hồ sơ cần thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020; việc xác định người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với các trường hợp F0, F1;…

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH hiện đang xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt để người sử dụng lao động và người lao động được hỗ trợ kịp thời.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất 'nới lỏng' thủ tục hưởng gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .